7673 views
|
Kịch Bản Thuyết Trình Trên 1 Trang Giấy Với TNT...
Đã bao giờ bạn dành cả ngày trời để chuẩn bị, mà vẫn cảm thấy chưa hài lòng với kịch bản thuyết trình của mình chưa? Có thể bạn đã có sự tự tin khi thuyết trình, bạn có ngôn ngữ cơ thể rất sinh động, nhưng nếu không có một kịch bản thuyết trình tốt, thì mọi thứ sẽ chẳng đi tới đâu cả.
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Khi chuẩn bị kịch bản thuyết trình, hầu hết mọi người sẽ làm theo cảm tính.
Có người thì viết kịch bản thuyết trình chi tiết tới từng chữ, có người thì chỉ gạch đầu dòng những ý quan trọng, có người thì nhân danh “để cho tự nhiên”, họ chẳng chuẩn bị gì cả và cứ thế bước lên sân khấu!
Khi học với Craig Valentine, nhà vô địch diễn thuyết thế giới 1999, Fususu được kể rằng có người còn alo cho ông và nói. “Này Craig, chúng tôi đã thiết kế xong gần cả trăm cái Slide. Bây giờ chúng tôi phải nói gì giữa các Slide đây?”
Bạn đang gặp khó khăn nào khi tạo kịch bản thuyết trình?
Có thể là bí ý tưởng, không biết nói gì cho hay.
Có thể là nhiều ý tưởng quá, không biết chọn gì để nói.
Cho dù bạn đang gặp khó khăn gì hôm nay bạn sẽ được tiết lộ tấm bản đồ TNT giúp bạn không chỉ soạn kịch bản thuyết trình hiệu quả, mà còn tóm gọn trên một trang giấy rất dễ nhớ, từ đó thuyết trình cuốn hút hơn gấp đôi!
Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy cùng Fususu khám phá!
TNT là gì và liên quan tới kịch bản thuyết trình thế nào?
Đây là một bí quyết mà Fususu đã đầu tư hàng ngàn đô cộng với đúc rút sau 10 năm học hỏi từ các nhà vô địch, mới rút ra được.
Nếu đã đọc sách TNT – Bí quyết thuyết trình từ nhà vô địch, bạn sẽ rất quen thuộc với TNT cũng như nhiều biến thể của nó. Nào là TNT trong mở bài, TNT trong thân bài, TNT trong kết bài, và khiến khán giả ấn tượng từ giây đầu tiên tới phút cuối cùng.
Trong chủ đề soạn kịch bản thuyết trình trên một trang giấy này, bạn có thể hiểu TNT là 3 bước để bạn truyền tải ấn tượng bất cứ một ý tưởng nào, trong đó:
(1) T là Thu HÚT ngay.
(2) N là Neo THẬT chắc.
(3) T là Tóm CHẶT lại.
Hay còn gọi là bí quyết HÚT THẬT CHẶT.
Khi bạn làm chủ được 3 bước này, thì dù bài nói của bạn có bao nhiêu ý, bạn vẫn có thể hút thật chặt con mắt của khán giả, khiến đôi tai của họ dỏng lên nghe bạn nói hết TNT này qua TNT khác. Thật tuyệt phải không?
Soạn kịch bản thuyết trình với chữ T cuối cùng: Tóm chặt lại
Có thể bạn thấy lạ, sao chữ T đầu tiên là Thu hút, mà chúng ta lại nói về chữ T cuối cùng này trước?
Thật ra 3 bước TNT bạn thấy bên trên là thứ tự khi bạn thực hiện bài thuyết trình đó trong thực tế:
(1) Bạn bước ra sân khấu và nói gì đó khác biệt để thu Thu hút sự chú ý của khán giả ngay lập tức.
(2) Bạn sử dụng minh họa sinh động để tạo ra hình ảnh trong tâm trí khán giả để Neo thật chắc ý tưởng của mình.
(3) Bạn tóm lại điều mình nói bằng thông điệp ấn tượng, kèm theo gợi ý hành động độc đáo và cụ thể nào đó.
Còn trong khi soạn kịch bản thuyết trình, bạn cần làm ngược lại.
Bạn cần phải biết rằng tóm lại: mình muốn khán giả ghi nhớ điều gì sau bài nói. Khi đó, bạn mới tìm ra những ý tưởng để diễn giải hiệu quả và thuyết phục khán giả tin theo bạn. Cuối cùng khi đã có tất cả điều đó trong tay, bạn mới tìm cách để mở bài sao cho cuốn hút.
Hãy đơn giản là lấy một tờ giấy A4, chia nó ra làm ba phần bằng nhau tương ứng với TNT. Và sẵn sàng bút trong tay, vì bạn có thể sẽ hoàn tất kịch bản bài thuyết trình của mình ngay khi kết thúc Clip này đấy!
Ở phần chữ T cuối cùng, bạn hãy trả lời câu hỏi:
Sau bài nói chuyện bạn muốn khán giả nhớ nhất điều gì?
Có cách diễn đạt nào khiến nó dễ nhớ hơn nữa không?
Để áp dụng điều đó vào cuộc sống, họ có thể làm gì mỗi ngày?
Soạn kịch bản thuyết trình với chữ N: Neo thật chắc
Trả lời 3 câu hỏi bên trên, là coi như bạn đã xong phần kết bài rồi đấy. Ở bước soạn kịch bản thuyết trình với chữ N này, bạn hãy trả lời câu hỏi:
Để khán giả hiểu và tin theo điều bạn nói ở phần kết, thì họ cần biết những gì?
Lúc này bạn gạch đầu dòng mọi thứ bạn muốn nói với khán giả ở đây, để giúp họ hiểu được những gì bạn đang hiểu, từ đó tin và hành động theo. Bạn viết ra bao nhiêu thứ cũng được, nhưng sau đó hãy chọn ra một vài ý quan trọng nhất, bao nhiêu ý thì phụ thuộc vào thời gian bạn có.
Một quy tắc của các nhà vô địch thuyết trình là 10:1, tức là dành ít nhất 10 phút để nói về một ý nào đó. Nếu bạn có 45 phút nói, thì kịch bản bài nói của bạn nên có 3 ý chính là tối ưu, vì bạn còn phải dành thời gian cho nhiều thứ khác nữa: Mở bài, Kết bài, Tương tác khán giả, và quan trọng nhất là thời gian để Neo thật chắc ý đó.
Làm sao để neo một ý tưởng vào tâm trí khán giả? Hãy thử nhớ lại một bài thuyết trình nào đó mà bạn ấn tượng. Bạn nhớ nhất điều gì và tại sao?
Khi trả lời câu hỏi này, Fususu nhớ ngay tới bài thuyết trình vô địch thế giới 2013 của Presiyan Vasilev, thông điệp Reach Out của ông giờ vẫn còn văng vẳng bên tai. Tại sao lại nhớ ư? Một phần là thông điệp đó quá dễ nhớ và thú vị, song một phần nữa là vì Presiyan đã neo nó không chỉ bằng câu chuyện “chiếc lốp xịt” hài hước, mà còn ngôn ngữ cơ thể bàn tay chìa ra rất nhiều lần.
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Bạn có biết ai khá là nhiều chuyện không? Thật ra có một người khá lắm chuyện lúc nào cũng bên cạnh bạn đấy, đó là bộ não của bạn.
Lúc tỉnh dậy, nó nói với bạn, “Này, mở FB lên coi có gì hay?” Lúc đi đường, tự nhiên thấy có đám đông, nó sẽ hỏi, “Ồ, có chuyện gì thế?” Rồi lúc về nhà nó nghĩ tới TV tự hỏi, “Thời sự có đưa tin gì hót không nhỉ?”
Nói thật là bộ não của chúng ta rất… lắm chuyện. Nên thứ mà nó nhớ nhất vẫn là những câu chuyện. Đó là lý do mà các nhà vô địch thuyết trình thường xuyên sử dụng câu chuyện để minh hoạ cho điều họ muốn nói.
Và đó cũng là lý do mà hồi đi học ở trên lớp, nhiều khi tôi chỉ hóng lúc thầy cô giáo kể chuyện!!! Tất nhiên là ngoài những câu chuyện, thì còn nhiều thứ khác có thể dùng để neo ý tưởng của bạn.
Một Clip, một câu nói hay, một biểu đồ, một mô hình, hay bất cứ thứ gì có thể tạo ra một hình ảnh trong tâm trí của khán giả. Nếu đã đọc Numagician, bạn sẽ rất hiểu điều này: Suy cho cùng, bộ não ghi nhớ bằng hình ảnh.
Để tìm ra chiếc neo hoàn hảo cho ý tưởng của bạn, tốt nhất là bạn hãy đặt câu hỏi:
Tại sao bạn nghĩ ý tưởng đó là đúng, tại sao bạn tin theo nó?
Có thứ gì, hay hình ảnh nào đọng lại trong tâm trí khiến bạn ghi nhớ nó?
Khi bạn biết tại sao mình lại nghĩ như vậy, tại sao mình lại nhớ như vậy, thì chắc chắn bạn cũng sẽ dễ dàng giải thích được cho khán giả hiểu như bạn, và dễ dàng tìm ra thứ gì đó giúp nhớ được như bạn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại neo khác nhau cũng sẽ khiến cho kịch bản thuyết trình của bạn trở nên sinh động hơn. Ý thứ 1 bạn có thể đưa ra một biểu đồ sinh động; Ý thứ 2 bạn có thể cho khán giả xem một Clip; Ý thứ 3 bạn có thể minh hoạ bằng một câu chuyện nào đó.
Làm như vậy, khán giả chắc chắn sẽ liên tục chú ý tới bạn hết từ ý này qua ý khác đấy.
Soạn kịch bản thuyết trình với chữ T: Thu hút ngay
Nếu thực hiện đúng theo hai bước trên, và trả lời nghiêm túc các chẩu hỏi Fususu đặt ra. Bạn không chỉ có một phần kết bài chặt chẽ, mà còn có những ý tưởng minh họa sinh động trong thân bài. Vấn đề chỉ là làm sao để thu hút sự chú ý của khán giả, trong thời loạn thông tin này mà thôi.
Theo thống kê, thì 7 giây đầu tiên khi bạn xuất hiện trên sân khấu sẽ có thể làm bạn bùng nổ với bài thuyết trình rất thành công, hoặc có thể làm nổ tung bài nói của bạn trong thất bại.
Chính vì thế, việc mà các nhà vô địch diễn thuyết làm đầu tiên khi bước lên sân khấu là nói ngay một thứ gì đó để thu hút sự chú ý. Nếu đã xem Clip lần trước, bạn đã biết bí mật Tam Câu để mở bài ấn tượng:
(1) Câu hỏi mạnh mẽ.
(2) Câu nói ấn tượng.
(3) Câu chuyện hấp dẫn.
Nói chung câu gì thì câu, đừng có câu giờ bạn nhé. Vì mỗi phút trên sân khấu đều rất quý giá, hãy bước ra đó, tự tin thu hút ngay, sau đó neo thật chắc, rồi cuối cùng tóm chặt lại bài nói của bạn một cách ấn tượng.
Vậy là bạn đã biết cách soạn kịch bản thuyết trình trên một trang giấy với TNT rồi!
Đơn giản là lấy một tờ giấy A4, chia làm ba phần ứng với TNT.
Phần Tóm chặt lại bạn trả lời câu hỏi:
Sau bài nói chuyện bạn muốn khán giả nhớ nhất điều gì?
Có cách diễn đạt nào khiến nó ngắn gọn, dễ nhớ hơn nữa không?
Để áp dụng điều đó vào cuộc sống, họ có thể làm gì mỗi ngày?
Phần Neo thật chắc bạn trả lời câu hỏi:
Tại sao bạn nghĩ ý tưởng đó là đúng, tại sao bạn tin theo nó?
Có thứ gì, hay hình ảnh nào đọng lại trong tâm trí khiến bạn ghi nhớ nó?
Phần Thu hút ngay bạn trả lời câu hỏi:
Làm sao thu hút ngay sự chú ý của khán giả trong 7 giây đầu tiên? Thậm chí trong 30 giây tiếp theo?
Đơn giản là trả lời các câu hỏi trên trong một trang giấy, là bạn đã có một kịch bản thuyết trình dễ nhớ và ấn tượng gấp đôi bình thường rồi.
Sau khi có kịch bản thuyết trình thì nên làm gì tiếp?
Làm sao để luyện tập cho bài nói của bạn trơn tru nhất? Làm sao dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt một cách sinh động? Làm sao xử lý các tình huống khó trên sân khấu? Có những lưu ý nào trong mở bài, thân bài, kết bài với?
Hãy Subscribe và theo dõi kênh để cùng Fususu làm cho bài thuyết trình của bạn toả sáng với Clip tiếp theo… Hoặc bạn có thể tìm đọc cuốn sách TNT – Bí quyết thuyết trình từ nhà vô địch để bài nói sắp tới của bạn bùng nổ thành công ngay lập tức, và đường dài 10 năm kinh nghiệm của Fususu sẽ trở thành đường tắt của bạn sau vài giờ đọc sách!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa kịch bản thuyết trình hoặc kịch bản thuyết trình fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
4 thoughts on “Kịch Bản Thuyết Trình Trên 1 Trang Giấy Với TNT”
Wow, đã có (4) Awesome Comments!
tôi rất khó việc chuyển đổi lý thuyết sang hành động thực tế, có thể cho tôi ví dụ về “dẫn mọi người đang ngồi đứng dậy tập thể dục theo lời nói TNT” của mình với ạ ?
Hẹn gặp bạn trong workshop tối mai để khám phá câu trả lời chi tiết nhé https://forms.gle/CE5m3sdmSZq3BFwi9
Để thuyết trình về một doanh nhân thành đạt như DN Đỗ Liên thì mình nên làm kịch bản thuyết trình như thế nào để có một bài đầy đủ và hay nhất vậy ạ?
Bạn có thể đi theo cấu trúc trước, sau và trong nhé.
Trả lời câu hỏi.
1. Trước đây người đó gặp những khó khăn gì?
2. Hiện tại có những kết quả tốt đẹp nào?
3. Quá trình và những bí quyết của người ấy là gì?