![]() |
Nói gì khi không biết nói gì? Đừng nói mà hãy…...
Đã bao giờ bạn muốn nói gì đó, mà không biết nói gì chưa? Làm sao để biết nên nói gì khi không biết nói gì?
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Thời học sinh, tôi rất thích một cô bé tên X. Nhưng vấn đề lớn nhất là Y, thằng bạn cùng lớp. Nó đẹp trai, học giỏi, lại chém gió hay. Tụi con gái vây quanh Y lúc nào cũng cười phớ lớ (trong đó có X mới đau). Nhưng cũng có lúc tôi may mắn được X bắt chuyện… và bạn biết cuộc trò chuyện diễn ra sao không?
“Này”, X hỏi. “Sao cậu ít nói thế?”
“Ờ..…” Tôi đáp.
“Cậu nói gì đi!!!” X năn nỉ.
“À…” Tôi gãi đầu, biết nói cái quái gì nhỉ… chả nhẽ khen bạn ấy xinh, ôi ngại quá đi mất. Tôi cảm giác từng tế bào trên cơ thể mình như cũng đang đỏ mặt trước ánh mắt ngây thơ của X.
“Thôi,” X nói. “Để lúc khác nói chuyện nhé.”
“Ờ…” Tôi đáp và thở phào. Nhưng trong lòng thầm ước một ngày nào đó mình sẽ như Y, có thể nói chuyện với bất cứ ai! (trong đó có X).
Chỉ có một điều mà tôi không biết sau đó, cái ‘lúc khác’ của X chẳng bao giờ xảy ra. Và sau này, nghe đâu X đã cưới Y, đẻ ra thằng bé Z kháu khỉnh. Họ sinh sống với nhau tới lúc đầu bạc răng long, còn Z thừa hưởng năng khiếu của bố nó và tiếp tục làm bao thế hệ như tôi phải ước mong.
Nếu bạn thấy câu chuyện trên có phần quen quen, thì thật là hạnh phúc… chúng ta hiểu nhau!

Tôi là một người hướng nội chính gốc, rất nhiều khi tôi muốn nói không biết nói gì. Sau rất nhiều năm luyện tập để thay đổi bản thân mạnh mẽ, bây giờ tôi đã trở thành… một người hướng nội sâu sắc hơn.
Chỉ có một điều là mọi thứ đã khác, nếu biết những bí mật trong Blog này, bạn có thể làm được những điều tương tự như tôi đã làm được:
(1) Bạn có thể thuyết trình trước từ… 1 người cho tới cả trăm người như tôi:D
(2) Bạn có thể duy trì cuộc trò chuyện 1-1 tới bất cứ lúc nào bạn muốn như tôi.
(3) Bạn có thể tự tin bắt chuyện với các bạn tương tự như X, tạm gọi là X’.
Song điều quan trọng nhất, bạn vẫn là chính bạn, mà lại bỏ lỡ bất cứ cơ hội tuyệt vời nào, thậm chí còn phát huy được thế mạnh của người hướng nội là khả năng lắng nghe quan sát tốt. Trước khi đến với bí quyết đã giúp tôi thay đổi, bạn cần phải chấp nhận một vài sự thật sau đây:
(1) Không phải tất cả những người hướng ngoại đều giao tiếp tốt.
(2) Giao tiếp tốt là một kỹ năng, và bất cứ ai cũng cần phải học.
(3) Rất nhiều người thành công và giao tiếp tốt lại là người hướng nội.
Do vậy, ai cũng có thể giao tiếp tốt, vấn đề là bạn cần phải tránh được cái bẫy nói gì khi không biết nói gì.
Đầu tiên hãy xem tại sao nhiều khi người ta lại rơi vào tình huống muốn nói mà không biết nên nói gì. Nguyên do rất đơn giản, những người hướng nội thường bị cuốn hút bởi những suy nghĩ bên trong họ, nhiều hơn là lời nói bên ngoài.
Do đó nếu có ai hỏi, “Nói gì đi!” thì tất nhiên tôi ngậm tăm, không biết nói gì, còn nếu họ yêu cầu “Nghĩ gì đi!” thì không có gì mà tôi không nghĩ ra được, chỉ trừ một vấn đề, đó là “Nghĩ xem mình sẽ nói gì?”
Sai lầm lớn nhất khiến nhiều không biết nói gì
Trong khi tìm hiểu về nghệ thuật giao tiếp, tôi tình cờ đọc được cuốn sách Smalltalk của Debra Fine. Sau một thời gian áp dụng, tôi phát hiện ra rằng câu hỏi “Nói gì bây giờ?” là một câu hỏi cực kỳ sai lầm.
Mà câu hỏi sai thì câu trả lời cũng sẽ sai, thậm chí còn không có câu trả lời, bạn sẽ không biết nói gì.
Câu hỏi đúng bạn nên đặt ra những lúc không biết nói gì đó phải là “Hỏi gì bây giờ?”
Một thay đổi rất đơn giản, nhưng hãy tin tôi đi, nó sẽ giúp bạn cực kỳ cực kỳ cực kỳ nhiều đấy, nếu không muốn nói là nó sẽ thay đổi ngay lập tức khả năng giao tiếp của bạn, và giúp bạn thoát khỏi cái bẫy nói gì khi không biết nói gì mãi mãi.
Vì sao ư?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy bản chất của một cuộc trò chuyện liên tục là: một người hỏi, một người nói, hai người bình luận, rồi sau đó lại hỏi, nói, bình luận v.v…
Do đó, nếu bạn làm chủ được nghệ thuật đặt câu hỏi, bạn có thể trò chuyện thâu đêm suốt sáng với bất cứ ai.
Vấn đề bây giờ là làm thế nào để đặt câu hỏi tốt?
Có hai loại câu hỏi.
Một là câu hỏi đóng, vì chúng thường đóng lại bằng “có hoặc không”, người trả lời cũng sẽ trả lời “có hoặc không” và cuộc trò chuyện kết thúc.
(1)
T: Cho tớ làm quen với bạn được không?
X: Không.
(2)
T: Sếp tăng lương cho em được không ạ?
X: Không.
(3)
T: Tớ có ý tưởng này. Nhóm mình làm thế này có được không?
Cả nhóm: Không.
Bạn thấy đấy, sử dụng câu hỏi đóng là nguyên nhân số một giết chết các cuộc trò chuyện ngay lập tức. Tuy thế, rất nhiều người có thói quen này, vì đơn giản là việc đặt ra hoặc trả lời các câu hỏi đóng thường rất dễ.
Ngược lại, các câu hỏi mở khó hơn để tìm ra. Tuy nhiên, giống như một cánh cửa vậy, một khi đã tìm được, nó sẽ mở ra cho bạn cả tá cơ hội để tiếp tục cuộc trò chuyện. Thật ra chỉ cần bạn chú ý một chút, là sẽ tìm ra câu hỏi mở mà thôi. Song bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng, hãy lường trước các câu trả lời có thể có để không bị bất ngờ.
Tốt nhất là hãy tìm hiểu thông qua thực tế, hãy quay trở lại một vài tình huống lúc nãy để thấy sự khác biệt.
(1)
T: Này, bạn có cái túi xách dễ thương quá. Làm sao bạn có được nó vậy?
X: À, cái này mình được tặng.
Y: Wow, người tặng rất có tâm đấy. Không biết họ nghĩ gì về bạn khi tặng món quà này nhỉ?
X: (bô lô ba la)
Trong trường hợp X nói: “À, cái này mình mua ở chợ ấy mà.”
Y: Wow, bạn có mắt thẩm mỹ tốt đấy. Bạn có bí quyết nào không, sắp tới tớ phải tặng quà cho mẹ mình mà chưa có ý tưởng gì.
X: (bô lô ba la)
(2)
Y: Sếp ơi, sếp thấy em tháng này làm việc thế nào ạ?
X: Uhm, cậu quả thật mang lại kết quả rất tốt cho công ty.
Y: Dạ, thật thuyệt. Vậy sếp có khó khăn gì nếu tăng lương cho em?
Lúc này sếp sẽ hoặc là vui vẻ tăng lương cho bạn, hoặc lẽ sẽ nói ra một vài khó khăn nào đó mà nếu bạn đã có sự chuẩn bị tốt, bạn hoàn toàn có thể thuyết phục sếp tăng lương. Nếu không được thì sếp cũng vẫn yêu quý bạn, vì bạn rất thấu hiểu lòng sếp (có mấy nhân viên hỏi được sếp gặp khó khăn gì đâu nhỉ). Không được lần này, thì kiểu gì tháng tới sếp sẽ cân nhắc bạn.
(3)
Y: Tớ có ý tưởng này. Nhóm mình nghĩ sao nếu chúng ta làm thế này?
Nếu mọi người đồng ý thì rất Ok, còn nếu có sự bất đồng. Mỗi người trong nhóm bắt đầu nói lên quan điểm của mình. Lúc đó bạn hãy cứ bình tình và hỏi họ nguyên nhân tại sao hay có khó khăn gì. Cơ hội chiến thắng sẽ được mở ra.
Bạn thấy chứ? Rất khác biệt phải không nào.
Nếu biết cách linh hoạt sử dụng, bạn không những có thể hoàn toàn làm chủ cuộc trò chuyện, mà còn có thể ứng dụng để gia tăng gấp đôi khả năng thuyết phục, đồng thời thoát khỏi cái bẫy nói gì khi không biết nói gì đấy.
Vì khi bạn dùng câu hỏi đóng, cơ hội tiếp tục trò chuyện của bạn rất ít ỏi vì người họ chỉ có thể trả có hoặc không. Còn câu hỏi mở sẽ giúp bạn mở ra vô vàn cơ hội. Tuy nhiên cần chú ý, có một vài câu hỏi sau đây cũng có tác dụng tương tự như câu hỏi đóng.
T: Cậu xuống bến nào thế?
X’: À bến cuối cùng.
T: Cậu làm nghề gì?
X’: Đủ để kiếm sống.
T: Cậu bao nhiêu tuổi?
X’: Hỏi làm gì? (trò chuyện kết thúc, tội nghiệp thằng bé)
Đó là những câu hỏi xã giao, vô hại, khá là dễ trả lời. Và thông thường theo phép tắc lịch sự, hầu hết mọi người sẽ trả lời. Song nếu dùng quá nhiều, sẽ khiến người nghe cảm giác như bị FBI tra khảo. Còn nếu bạn dùng kết hợp với câu hỏi mở, thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn nhiều, kể cả khi bạn đã dùng câu hỏi đóng trước đó.
Y: Cậu xuống bến nào thế?
X’: À, bến cuối cùng.
Y: Ồ, tớ chưa từng tới đó. Ở đó có chỗ nào chụp ảnh tốt không?
X’: À… (bắt đầu bô lô ba la)
Vậy là bạn đã nắm được bí quyết rồi đấy. Tôi tin rằng nếu bạn kiên trì áp dụng, thì bạn sẽ luôn là người làm chủ cuộc trò chuyện, và không bao giờ lâm vào tình trạng không biết nói gì nữa nhé.
Đơn giản là:
(1) Nếu lần đầu bắt chuyện, hãy để ý thật kỹ và tìm ra một câu hỏi mở kèm phương án hồi đáp (thường là một câu hỏi mở khác)
(2) Nếu duy trì cuộc trò chuyện, hãy lắng nghe thật kỹ, bắt từ khóa và đặt câu hỏi mở tiếp.
Tất nhiên, các câu hỏi mở khá linh hoạt nên bạn cần thời gian để làm chủ, hãy luyện tập theo chỉ dẫn sau để tránh các sai lầm đáng tiếc.
Trước khi áp dụng với người lạ, hãy tập đặt câu hỏi mở cho bạn bè người thân trước. Có thể lúc đầu chưa quen, nhưng khi nhuần nhuyễn bạn sẽ thấy cuộc nói chuyện sẽ rất ý nghĩa.
Khi đã “mở mồm” được bất cứ người thân nào, hãy áp dụng nó với các ông/bà già ngoài công viên. Đây là đối tượng thường dễ làm quen nhất, và cũng có nhiều chuyện hay nhất để kể, nhưng hay bị bỏ qua. Nếu bạn tự tin với vốn tiếng Anh, thì những người nước ngoài thường khá cởi mở, hãy bắt chuyện với họ.
Khi quen dần với việc đặt câu hỏi mở, bạn có thể thử ứng dụng chúng để làm quen với bất cứ ai mà bạn muốn và duy trì cuộc trò chuyện với họ. Như là… X chẳng hạn :D
Tóm lại nên nói gì khi không biết nói gì?
Đừng bao giờ cố trả lời câu hỏi: Nói gì bây giờ. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào câu hỏi: Hỏi gì bây giờ? Đặt câu hỏi mở nào đây? Câu hỏi mở tiếp theo sẽ là gì nếu họ đáp thế này? Còn họ đáp thế kia mình sẽ dùng câu hỏi nào tiếp.
Làm vậy chắn chắn bạn sẽ luôn có ý tưởng, bạn sẽ có thật nhiều những cuộc trò chuyện ý nghĩa với bất cứ ai, từ người thân cho tới người lạ, và biết đâu sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của họ đấy!!!
Cuối cùng là một quà tặng nho nhỏ, một ebook mini – tổng hợp những câu hỏi mở đã giúp ích cho tôi trong nhiều năm qua, giúp tôi thoát trót lọt rất nhiều tình huống không biết nói gì. Bạn download về để thực hành dần dần nhé :D
Ebook tổng hợp các câu hỏi mở tham khảo giúp duy trì cuộc trò chuyện |

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa không biết nói gì hoặc không biết nói gì fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
201 thoughts on “Nói gì khi không biết nói gì? Đừng nói mà hãy…”
Wow, đã có (201) Awesome Comments!
anh Fususu ơi, thí dụ có 1 nhóm bạn đang nói chuyện, mà chuyện đó em lại không rành lắm nên e không bik mình phải nói gì? làm sao để chơi với hay tham gia câu chuyện ấy cùng các bạn đó đây ạ?em cám ơn anh
Em lắng nghe, rồi đặt câu hỏi mở liên quan tới nó thôi. Có gì mình không biết thì hỏi.
Em với ngiu thường hay nhắn tin trên mess và cũng ít khi gặp nhau do đó hai người không có gì để nói với nhau làm cuộc nói chuyện ngày càng nhạt và ít dần. Như thế này thì phải làm sao ạ ? Mong ad giúp em với !!
Thượng đế không thể để một cái tai ở đằng trước và hai cái mồm hai bên vì khi hôn nhau sẽ phân vân không biết chọn bên nào để hôn
thế thì cùng lúc có thể đc 2 người hôn cơ đấy
Cho e xin nhiều vd câu hỏi mở với tại em ít nói quá mà mỗi lần nói lại k biết bắt đầu từ đâu
Em download bộ câu hỏi mở và đọc thử chưa?
dow load ở đâu ạ
Trên blog có nút bấm vào đó để lại mail để tải nha bạn.
Mình cần những ví dụ về câu hỏi mở và đóng.
Admin có kinh nghiệm nhiều vậy cho mình xin nhé. Cảm ơn nhiều
tôi nghĩ tôi đang bị trầm cảm vì ngay lúc này tôi cảm thấy tôi ít nc với người khác. cứ nói nc các bạn tôi lại nói móc tôi này nọ nhiều lắm nên tôi chỉ biết im lặng trong khi đó tôi lại là 1 lánh đạo vậy ai chỉ tôi cách tiếp xúc người khác không gây người khác khó chịu hoặc mang tôi ra làm trò đùa không. xin cảm ơn
Cám ơn bạn đã chia sẻ nhé. Bản thân mình cũng là một người hướng nội ít nói nên hiểu cảm giác đó. Nếu ở trong hoàn cảnh của bạn, việc đầu tiên mình làm là tập cách bình tâm trước mọi lời nói của người khác (bạn tham khảo thêm kỹ thuật giữ tập trung và bình tâm tại fususu.com/matatru nhé). Khi tâm đã bình an rồi, mọi thứ sẽ sáng tỏ, ta sẽ biết mình cần phải làm gì ^^!
Cách diễn đạt bài viết của FuSuSu rất lôi cuốn hấp dẫn!
– thg 7/2018 –
em bị sốc tâm lí từ nhỏ nên ngại nói chuyện,rất ít nói.người lạ sẽ hay hỏi:”sao ít nói thế” buồn cười là người quen thì lại nói như phun mưa ấy .gặp người là thì không cần quen không cần quen nhất định k quên.vậy nên vd như đi học thêm các kiểu.gặp bạn học mới và mình ở đó và người ta vẫn tám,rất cô đơn nhưng chẳng biết thế nào nữa