![]() |
Làm sao giỏi Văn, giỏi Viết lẫn Lách...
Thật buồn cười khi một người từng đạt 4 điểm Văn tốt nghiệp tiểu học, lại chia sẻ cách làm sao giỏi văn. Dù sao đi nữa, thì sau đó, tôi đã đạt 8 điểm Văn khi học phổ thông (hồi đó, chẳng bao giờ có điểm 10 Văn, 9 thì hiếm vô cùng) và sau này là xuất bản tận 7 cuốn sách!
Làm sao giỏi Văn #1 – Hãy tự tin lên, và nhớ sự thật này về điểm số.
Bí quyết đầu tiên để giỏi bất cứ thứ gì là bạn phải tự tin. Song làm sao giỏi văn, làm sao để để tự tin trong môn văn? Trong khi điểm số lẹt đẹt. Bạn cần nắm được sự thật này: Đó là nếu cho các tác giả nổi tiếng làm bài kiểm tra Văn vừa rồi của bạn, chưa chắc điểm họ đã cao, thậm chí lẹt đẹt. Vì sao?
Thứ nhất, thế mạnh của các nhà Văn là sáng tác, mà Văn ở trường càng học lên cao bạn lại càng chú trọng tới phân tích tác phẩm. Điều đó cũng giải thích tại sao ngày bé, chúng ta thường đạt điểm cao môn Văn, vì hồi đó hầu hết là Văn miêu tả sáng tác. Dạng Văn này giúp đánh thức hạt giống sáng tạo có sẵn bên trong bạn.

Thứ hai, hiếm có tác phẩm nào xuất sắc từ đầu. Ngay cả Harry Potter, trước khi nổi tiếng toàn thế giới, J.K Rowling bị từ chối bởi tận 12 nhà xuất bản. Nhiều tác giả dành cả chục năm viết đi viết lại mới ra lò tác phẩm hay, huống chi là những bài kiểm tra bạn chỉ được viết duy nhất một lần? (Nếu thầy cô cho nộp bài qua email, chắc là điểm số sẽ khác)
Thứ ba, điểm Văn có cao hay không, phụ thuộc vào người chấm, và đôi khi là… tên tuổi của người nộp bài. Khi J.K Rowling lấy bút danh Robert Galbraith, một nhà xuất bản từ chối bản thảo với lời khuyên chân thành là Robert nên tham dự một khóa viết lách chuyên nghiệp. Nhưng sau khi tiết lộ bút danh Robert Galbraith chính là J.K Rowling, sách lại bán chạy.
Và còn nhiều lý do khác nữa khiến ngày càng có nhiều người đánh đồng việc điểm thấp môn Văn, đồng nghĩa với không giỏi Văn, không có năng khiếu viết lách. Làm sao giỏi văn? Có thể năng khiếu sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn, nhưng muốn tiến xa, bạn phải kiên trì. Viết lách là một kĩ năng, bạn có thể rèn luyện để giỏi hơn cả những người có năng khiếu!
Do đó, thứ bạn cần làm đầu tiên là phải gạt bỏ niềm tin “mình viết kém, mình tệ Văn” sang một bên, dù điểm Văn trên lớp của bạn đang, hoặc đã từng dở tệ; dù mỗi lần cầm bút bạn chẳng biết viết gì; dù mỗi lần nghĩ tới việc viết thôi, bạn đã bủn rủn chân tay. Hãy viết câu “Tôi có thể giỏi Văn, tôi có thể Viết tốt” thật nắn nót, và dán ở chỗ nào đó dễ thấy mỗi ngày!
Audio giúp ngủ ngon, cài đặt niềm tin tích cực, giúp bạn tự tin hơn khi thức dậy – The Confident Seeds |
Làm sao giỏi Văn #2 – Rất ít nhà văn viết vì tiền mà hay, bạn cũng hãy dừng lại việc viết vì điểm.
“Đừng học vì điểm!” Ngày bé, ai cũng khuyên tôi như thế. Nhưng rồi cuối kỳ không hiểu sao ai cũng hỏi “Được mấy điểm?” chứ chẳng thấy ai hỏi “Bạn học được gì từ môn Văn?” Làm sao giỏi văn ư? Nếu không có một lý do để làm, sẽ có sẵn hàng trăm lý do để không làm!” do đó bạn cần một lý do trở nên để giỏi Văn, tốt đẹp hơn là chuyện điểm số.
Với tôi, học Văn là học cách sống. Một tác phẩm Văn học, là một câu chuyện, mà ở đó bạn được tiếp xúc với cuộc sống của các nhân vật, cách họ phản ứng với hoàn cảnh. Học hỏi từ họ giúp ta tránh nhiều sai lầm trong cuộc sống. Thật tuyệt, nhưng nếu thế thì sách giáo khoa Văn phải là Best-Seller chứ? Vì toàn trích đoạn những tác phẩm hay kinh điển cơ mà?

Khi xem phim, nếu chỉ trích duy nhất một đoạn cho bạn xem, liệu bạn có thể thấy hay không? Khá là khó đấy. Bất cứ một đoạn phim nào hay, là vì trước đó đã có rất nhiều tình tiết để chuẩn bị cho cái hay đó (kể cả Trailer phim cũng không bao giờ chỉ có một cảnh). Tương tự, làm sao bạn hiểu hết cái hay của cả tác phẩm, khi chỉ đọc một trích đoạn?
Và một khi bạn đã không thấy hay, thì có nghe ai ca ngợi tới mấy, bạn cũng rất khó bị thuyết phục. Đó là lý do nhiều bạn mong chờ tới giờ Văn để… ngủ. Do vậy, hãy đọc bản đầy đủ của các tác phẩm được giới thiệu trong sách Văn của bạn (bạn có thể tìm chúng tại đây). Hãy thưởng thức như xem một bộ phim, rồi bạn sẽ thấy chúng hay thực sự.
Bên cạnh đó, bộ não chúng ta học qua bắt chước rất giỏi, nên đọc sách cũng là cách giúp bạn gián tiếp nâng cao khả năng viết lách sau này. Hơn nữa, khi vào năm học, trong lúc bạn bè đọc trích đoạn không hiểu gì, bạn có thể tự đưa ra các phân tích như một nhà phê bình văn học (trong mắt tụi bạn).
Làm sao giỏi Văn #3 – Đơn giản là viết và… lách, rồi bạn sẽ vượt qua các thử thách: Lý bí và Lủng củng.
Lời nói gió bay, nhưng lời văn trên giấy sẽ ở lại mãi mãi (tất nhiên, gió cũng sẽ cuốn nó đi nếu tờ giấy quá nhỏ). Với tôi, viết lách không chỉ là cách giúp tâm hồn thư thái khi trút được hết các suy nghĩ bộn bề ra giấy (giờ là laptop), mà còn là cách kết nối với cuộc đời, và làm quen với những người bạn mới.
Một kinh nghiệm của bạn khi nói ra, có thể giúp ích được ai đó và bạn bè của họ. Còn khi kinh nghiệm đó được đúc kết thành bài viết trên Blog, nó có thể đến với cả thế giới. Và phần quà thú vị nhất dành cho bạn sẽ là những lời cảm ơn từ mọi miền đất nước, có thể khiến bạn cười sung sướng suốt cả ngày. Nhưng làm sao giỏi văn? Làm sao viết hay?

Bí quyết là mỗi khi viết, hãy viết như thể bạn đang nói chuyện, đang chia sẻ với một người bạn yêu quý, tin tưởng. Và sau đó, viết lại, viết lại, viết lại một lần nữa, cho tới khi nó thật hay. Bộ não bạn không chỉ có khả năng tự học hỏi rất nhanh, mà còn có thể tự chỉnh sửa rất tuyệt vời. Hãy tin tưởng, hãy cho phép nó thử sai, thử sai, thử lại một lần nữa. Đơn giản vậy thôi!
Có thể bạn nghĩ cách trên rất hợp với viết Blog, hay sáng tác truyện. Còn những bài kiểm tra Văn trên lớp thì sao? Đâu có được viết đi viết lại? Mà cho dù tập viết ở nhà cũng đâu có đủ thời gian mà viết đi viết lại nhiều lần? Có quá nhiều thứ để học, mà lại quá ít thời gian để luyện.
Hãy nhớ, có thể bạn sẽ không có đủ thời gian để luyện tất cả, nhưng bạn luôn có đủ thời gian để luyện những kỹ năng quan trọng nhất. Khi viết lách, tôi thấy có hai vấn đề. Một là chàng Lý, họ Bí, vì anh ấy mà bạn không biết viết gì. Hai là chị Lủng, họ Củng, vì chị ấy mà bạn bị phê câu cú lủng củng, không rõ ý.
Làm sao giỏi văn? Cách hạ bệ chàng Lý Bí, tuôn trào ý tưởng
Với văn phân tích, nếu thuộc lòng dàn ý của thầy cô, bạn sẽ luôn biết mình phải viết gì. Nếu muốn đạt điểm cao, bạn cần hiểu sâu về tác phẩm để có thể đưa ra chính kiến của mình, cũng như liên hệ được với các tác phẩm khác. Nếu bạn đã đọc đầy đủ cả tác phẩm dưới ba lần, điều này sẽ không khó, bạn sẽ luôn có ý tưởng để viết.
Với dạng văn chủ đề cuộc sống, việc cập nhật tin tức hàng ngày cũng tốt, song không nhất thiết. Điều quan trọng nhất là bạn biết cách đặt những câu hỏi mở để bộ não phải làm việc. Giả sử đề thi yêu cầu viết về lợi ích của việc bơi lội. Thì tôi sẽ lấy nháp, vẽ một cái hồ bơi, rồi đặt câu hỏi như “Tại sao mình lại thích đi bơi?” “Một con chuột sẽ nghĩ gì về việc bơi lội?”
Bên cạnh đó, mỗi dạng văn sẽ thường có cấu trúc chung. Thuộc các cấu trúc sẽ giúp bạn luôn biết cần phải viết gì ở mở bài, thân bài, từng đoạn trong thân bài, kết bài. Nhiều bạn không thuộc cấu trúc chung, mà chỉ thuộc máy móc dàn ý của thầy cô đưa cho nên khi bị quên một ý là “đơ” luôn. Hãy thuộc cấu trúc để tránh trở thành một chú gấu trúc đi lạc nhé!
Ngoài ra, một cách để dạt dào ý tưởng là bạn luyện một trí nhớ và khả năng tưởng tượng tốt. Khả năng ghi nhớ tốt sẽ giúp bạn liên kết mọi thứ đã biết lại với nhau, từ đó tạo ra các ý tưởng mới. Chi tiết hơn bạn hãy đọc hành trình khám phá Numagician.

Làm sao giỏi văn? Cách vượt ải chị Lủng họ củng, diễn đạt trôi chảy
Sự thật là càng viết nhiều, bạn sẽ càng viết siêu. Càng chơi chữ nhiều, cách bạn dùng từ sẽ càng vần điệu. Nhưng chẳng ai cho bạn cơ hội làm lại bài thi của mình đâu. Do đó bạn cần phải dành thời gian luyện tập, nhưng một bài văn rất dài, làm sao luyện viết nhiều lần được?
Có thể bạn không đủ thời gian để tập viết một bài Văn thêm lần nữa, nhưng bạn luôn có đủ thời gian để viết phần Mở bài và Kết bài vài lần. Nếu sắp thi, hãy lấy tất cả các đề thi năm trước, luyện viết phần mở bài kết bài. Nếu rảnh rỗi, hãy lấy tất cả các bài kiểm tra văn của bạn trước đây, viết lại phần mở bài kết bài.
Môn Văn, hay bất cứ môn nào cũng thế, phòng thi là nơi thể hiện kỹ năng đã hoàn thiện sau bao tháng ngày rèn luyện, nhưng nhiều người lại cứ biến nó thành nơi… luyện tập, để rồi tự hỏi không hiểu sao điểm mình lại thấp. Nếu bạn viết mở bài, kết bài thường xuyên, bạn sẽ thấy vào phòng thi mình có thể bắt tay vào viết ngay mà không cần nghĩ suy.
Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng hay gặp em họ của chị Lủng Củng là cô Rườm Rà. Để xử lý, hãy dùng kỹ thuật “Ngắn dài ngược xuôi”. Ví dụ cùng một ý “Hôm qua mẹ em đi ra chợ”, bạn hãy viết ra ba câu:
- Một câu ngắn hơn nhưng vẫn đủ ý, vd. Hôm qua mẹ đi chợ;
- Một câu dài hơn, vd. “Hôm qua trời đẹp mẹ em xách giỏ đi ra chợ huyện”;
- Một câu đảo các ngược lại, “Hôm qua chợ đông, mẹ em đi ra mua đồ.”
Khi bạn có thể viết ngắn dài ngược xuôi một cách thành thục, bạn sẽ diễn đạt được ý mình muốn với lượng từ tuỳ thích.
Tóm lại làm sao Giỏi Văn?
Tôi nghĩ quan trọng nhất không phải là bạn đạt điểm cao môn Văn, mà là trong quá trình học Văn bạn đã trưởng thành hơn như thế nào, khả năng diễn đạt của bạn được cải thiện ra sao. Bởi vì những thứ ấy sẽ là thứ đi theo, giúp ích cho đời, cho người, thậm chí mang lại thu nhập nếu bạn trở thành nhà văn hay một người viết lách chuyên nghiệp.
Còn điểm số ư? Hết 12 năm học, chúng sẽ nằm đâu đó trong hộc tủ (hoặc trong gánh hàng của bà ve chai) mà thôi. Để giỏi Văn, không cần phải có khiếu. Ba thứ bạn cần là:
- Một niềm tin mạnh mẽ rằng bạn có thể viết lách tốt.
- Một lý do ý nghĩa để học Văn.
- Một tinh thần rèn luyện kỹ năng viết lách mọi lúc mọi nơi.
Bật mí, trước khi bắt đầu sự nghiệp viết lách, tôi đã có trên dưới 1000 giờ chát Yahoo, và để lại hàng ngàn comment trên các diễn đàn có tiếng ngày xưa như Học mãi, Vươn tới thành công… và bạn có thể áp dụng ngay mẹo này bằng cách comment chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, thậm chí khó khăn của bạn khi học Văn, dù chỉ một câu :)
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa làm sao giỏi văn hoặc làm sao giỏi văn fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, cuộc đời thật đáng sống. Và sẽ là tiếc nếu bạn đã có những trải nghiệm tuyệt vời, mà không thể chia sẻ nó cho người khác. Dù thế nào, bạn luôn có thể cho đi, luôn có thể viết hay hơn, thậm chí xuất bản những cuốn sách truyền cảm hứng cho cả thế hệ.
Từng tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm môn Văn, hiện tôi là tác giả hơn 10 cuốn sách đã xuất bản, 3 trong số đó luôn nằm trong top sách bán chạy nhiều năm với hàng trăm review 5 sao. Nếu tôi làm được, thì bạn cũng có thể.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là phương pháp để biến bất cứ ý tưởng nào (hoặc bản thảo đang dang dở) thành sách 5 sao mà thôi!
ĐỌC THỬ EBOOK » | FREE 52 BÍ QUYẾT » |
474 thoughts on “Làm sao giỏi Văn, giỏi Viết lẫn Lách”
Wow, đã có (474) Awesome Comments!
trước đây đối với em môn văn chỉ là một môn học để tôi có được đểm số khiến bố mẹ, thầy cô vui lòng.Nhưng khi nghe bài viết của anh, em chợt nhận ra , môn văn sinh ra không chỉ tồn đọng bên những bài thi, trang sách mà nó còn cho ta cách sống, cách giao tiếp sao cho phải. vì thế vượt qua nỗi sợ em tin rằng ” tôi có thể giỏi văn, tôi có thể viết tốt”
hẹn gặp lại bạn khi tôi đã thành công.
Cảm ơn vì bài này rất hay
e viết văn 1 là cữ bị lan man hai là phân tích không đúng theo luận điểm khi viết đầu cữ bay lâng lâng không hiểu vì sao
a có cách nào hiệu quả không ạ