16034 views
|
Kỹ Năng Lắng Nghe Và 21 Mẹo Cần Nhớ Tới Già...
Nếu có một thứ giúp bạn thành công ở bất cứ lãnh vực nào, thì tôi tin rằng đó là kỹ năng lắng nghe. Biết lắng nghe trong giao tiếp sẽ giúp bạn được yêu quý hơn, và tránh được những mâu thuẫn không đáng có. Biết lắng nghe chính bản thân sẽ giúp bạn rõ ràng hơn, tiến tới đích nhanh hơn. Biết lắng nghe cuộc sống sẽ giúp bạn thấu hiểu hoàn cảnh hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn.
Song để rèn luyện được kỹ năng lắng nghe không hề đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn, mà còn là sự dũng cảm và trí tuệ sáng suốt để có thể vượt qua cái “tôi muốn nói”, hoặc “tôi muốn nói mãnh liệt”. Để biết cái tôi đó mạnh mẽ tới mức nào, hãy bắt đầu hành trình khám phá kỹ năng lắng nghe hôm nay với Fususu bằng một câu chuyện nhé.
Câu chuyện về kỹ năng lắng nghe: Một ngày làm bồ tát.
Một chàng lang thang vào chùa thì thấy có vị Bồ Tát ngồi trên đài sen, xung quanh mọi người nườm nượp cúng bái khiến chàng rất ngưỡng mộ. Một ý muốn nảy sinh, chàng đợi mọi người về hết rồi tiến tới đảnh lễ vị Bồ Tát.
“Thưa ngài,” chàng hỏi. “Tôi có thể ngồi chỗ của ngài được không?”
“Được chứ,” vị Bồ Tát mỉm cười. “Miễn là anh không mở miệng, ta sẽ cho anh ngồi đây nguyên một ngày.”
Chỉ vậy thôi sao? Anh chàng lang thang đồng ý và ra về trong sung sướng. Sáng hôm sau, chàng kiếm một bộ y phục giống vị Bồ Tát hôm qua và ngồi lên Đài Sen. Cả ngày hôm đó người ta tới cầu xin, khấn vái, một bầu không khí ồn ào hỗn loạn vô cùng khiến chàng bức xúc, chàng muốn nói lắm, nhưng vì đã hứa nên đành ngồi im.
Cuối ngày, một phú ông tới cầu mình có được đức tính tốt. Lạy xong, ông ta làm rớt chiếc ví. Chàng muốn mở miệng nhắc, nhưng nhớ ra lời hứa nên đành thôi. Tiếp đến, một bà lão ăn xin tới cầu có tiền chữa bệnh cho người thân và nhặt được chiếc ví, bà ta mừng quýnh, “Trời ơi, Bồ Tát hiển linh!”
Chàng cảm thấy khó chịu lắm, định mở miệng nói nhưng đành phải nhịn. Sau bà lão ăn xin là một bác ngư dân, bác tới cầu mong sự bình an cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ngay khi bác vừa đảnh lễ xong, thì phú ông lúc nãy hớt hải chạy tới, mặt nóng bừng, tóm lấy cổ bác ngư dân và quát tháo, đổ oan cho bác ngư dân.
Mặc kệ bác ngư dân phân trần, phú ông vẫn mắng xối xả đòi tiền. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi phú ông bắt đầu đánh bác ngư dân. Lúc này không thể nhịn được nữa, chàng mở miệng, “DỪNG LẠI!”
Sau khi nghe chàng nói ra sự thật, phú ông lập tức đuổi theo bà lão ăn xin lúc nãy để đòi tiền, mọi việc được giải quyết ổn thỏa. Sau một ngày nghe hết người này người kia nói, cuối cùng chàng cũng đã được nói, và lời nói của chàng đã giải quyết được một vụ ẩu đả, chàng vui lắm, khi gặp vị Bồ Tát, chàng đã kể lại hết sự tình.
“Nhà ngươi vui lắm sao?” Vị Bồ Tát nói. “Nếu như ngươi giữ lời hứa không mở miệng, thì bà lão ăn xin đã có thể cứu được người thân, phú ông kia sẽ học được hạnh buông bỏ, còn bác ngư dân sẽ không ra khơi và thoát khỏi một cơn bão lớn.”
Chàng lang thang im lặng, lủi thủi ra về. Trên đường, mây giông kéo đến, phía xa xa, đúng là có một cơn bão đang hình thành. Nghĩ về bác ngư dân, chàng rất hối hận, chàng thề rằng mình sẽ nhớ mãi bài học về kỹ năng lắng nghe này tới già, rồi chạy ra ngoài biển với hi vọng kịp cảnh báo cho bác ấy.
=== Hết chuyện người ta, giờ là chuyện của chúng ta ===
Thế đấy, nhiều khi cứ tưởng lời nói của mình sẽ giải quyết được vấn đề, ai dè lại làm nó tệ hơn. Có khi nào bạn rơi vào tình huống tương tự không? Đôi khi, hãy cứ để yên, rồi mọi thứ sẽ ổn theo cách riêng của nó. Song vì thói quen cố hữu, mà người đời thường hay thêm dầu vào lửa. Vậy phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe như thế nào?
Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp
So với kỹ năng lắng nghe cuộc sống, hay lắng nghe chính bản thân, thì kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp người khác lại khá dễ rèn luyện. Vì tất cả những gì bạn cần làm là tập trung, kiên nhẫn. Bạn có thể áp dụng ngay những thói quen nhỏ mà có võ dưới đây cho lần giao tiếp sắp tới của bạn:
1. Trước khi bắt đầu giao tiếp, hãy chuyển điện thoại sang chế độ rung (hoặc rung cực mạnh)
2. Trong khi giao tiếp, hãy nghe hết câu của người nói, trước khi bạn nói, hoặc muốn ngắt lời.
3. Nếu muốn ngắt lời, bạn có thể giơ một cánh tay lên, rồi xin phép, chứ tránh “nhảy” vào miệng họ.
4. Nếu không biết nói gì tiếp, thay vì hỏi “Nói gì bây giờ” hãy tự hỏi “Mình sẽ hỏi họ điều gì bây giờ?“
5. Nên có một cuốn sổ, ghi chép lại ngay những điều người nghe nói, nếu bạn xác định sẽ học hỏi từ họ.
6. Nếu có gì chưa rõ, hãy hỏi lại xem mình hiểu như vậy đã đúng chưa, trước khi bắt đầu một cuộc khẩu chiến.
7. Nếu có ai đó góp ý cho bạn, hãy đón nhận và chủ động hỏi thêm giải pháp cụ thể để cải thiện.
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài, thì kỹ năng lắng nghe còn được thể hiện thông qua việc bạn quan tâm tới cảm xúc của người nói, đặc biệt là khi khẩu chiến đang diễn ra. Thay vì đấu đá, hãy hỏi xem họ cảm thấy gì khi nói hoặc đưa ra ý tưởng như vậy. Khi bạn biết được mong muốn tốt đẹp bên dưới mỗi lời nói, sự mâu thuẫn dường như tan biến.
Kỹ năng lắng nghe chính bản thân mình
Đã bao giờ bạn nói ra một ý tưởng mà bạn cho là rất hay, và sau đó nhận lại những lời phán xét vùi dập nó chưa? Cảm giác thật tệ phải không nào? Song đó cũng là điều mà nhiều người làm với chính bản thân họ. Nhiều khi nảy ra một ý tưởng mới, họ tự vùi dập ý tưởng của chính mình, đây là một biểu hiện của kỹ năng lắng nghe bản thân không tốt.
Dù bạn có chấp nhận hay không, thì đây là sự thật: Hàng ngày, chúng ta tự giao tiếp với bản thân mình rất nhiều. Một điều ít ai biết đó là thành công, hạnh phúc của chúng ta, phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn đã và đang giao tiếp với chính bản thân mình như thế nào. Hãy áp dụng các mẹo dưới đây, để cho tiếng nói bên trong ngày càng tích cực và mạnh mẽ.
1. Khi nảy ra một ý tưởng nào đó, đừng phán xét vội, hãy ghi nó xuống đâu đó.
2. Khi bên trong bạn có nhiều sự phân vân, hãy viết xuống tất cả suy nghĩ của mình.
3. Đừng hứa với bản thân những điều mà bạn nghĩ là mình sẽ không thực hiện.
4. Tương tự, nếu đã hứa với bản thân một điều gì đó, hãy thực hiện tới cùng.
5. Tốt nhất là trước khi hứa với bản thân, hãy tự hỏi câu này 3 lần, “Liệu mình có thực sự muốn làm nó không?”
6. Cuối ngày, trước khi ngủ, hãy tự hỏi “Hôm nay tôi đã làm được điều gì tốt đẹp?”
7. Hãy tìm hiểu về thiền, để có thể lắng nghe được những điều sâu kín nhất bên trong bạn.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy kỹ năng lắng nghe bản thân đòi hỏi bạn cần ghi ra suy nghĩ của mình. Nếu có ai đó ghi chép lại những thứ bạn nói, bạn cảm thấy thế nào? Thật tuyệt, họ rất chú tâm tới những gì mình nói. Tương tự, tiếng nói bên trong cũng vậy, nó cũng muốn được tôn trọng như thế.
Kỹ năng lắng nghe cuộc sống
Có lẽ đây là lần đầu tiên bạn nghe tới kỹ năng lắng nghe cuộc sống phải không? Nếu ví cuộc sống cũng biết nói, thì những sự kiện xảy ra, chính là câu hỏi của cuộc sống dành cho bạn. Còn hành động của bạn chính là câu trả lời đáp lại. Hãy phản hồi với sự khôn ngoan, chứ đừng phản ứng theo bản năng vội vã. Bạn có thể tham khảo các mẹo sau:
1. Khi có một tình huống khó khăn xảy ra, hãy bình tâm và tự nhủ: “Rồi cũng sẽ qua”
2. Khi gặp một thất bại, hãy tự hỏi “Bài học mình rút ra là gì?”
3. Khi thấy một ai đó thất bại, hãy động viên, đồng thời học hỏi từ thất bại của họ.
4. Khi đạt được thành công, hãy khiêm tốn và tự hỏi “Ai đã giúp mình thành công?”
5. Khi thấy một ai đó thành công, hãy vui cùng với niềm vui của họ, và học hỏi từ họ.
6. Khi thấy một ai đó cần sự giúp đỡ, hãy giúp đỡ họ, dù ít dù nhiều, cũng là giúp đỡ.
7. Khi thấy bản thân mình cần giúp đỡ, đừng im lặng, hãy cất tiếng, cuộc sống sẽ lắng nghe bạn.
Bản chất của kỹ năng lắng nghe cuộc sống là bạn hiểu được chính xác điều gì đang thật sự diễn ra ở bên ngoài, bằng cách giữ cho tâm trí mình bình an, từ đó khách quan nhìn nhận lại, và đưa ra lựa chọn khôn quan, sáng suốt nhất. Bạn còn có ý tưởng nào giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng lắng nghe không? Hãy comment nhé!
P.s. Bật mí cho bạn, kỹ năng thuyết trình trông như bạn nói rất nhiều, nhưng thật ra lại rất cần kỹ năng lắng nghe khán giả đấy ^^!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa kỹ năng lắng nghe hoặc kỹ năng lắng nghe fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
19 thoughts on “Kỹ Năng Lắng Nghe Và 21 Mẹo Cần Nhớ Tới Già”
Wow, đã có (19) Awesome Comments!
Cảm ơn FuSuSu!
Dear Fususu !
Cảm ơn bạn vì những món quà ý nghĩa mỗi ngày ^^ !
câu “6. Khi thấy một ai đó cần sự giúp đỡ, hãy giúp đỡ họ, dù ít dù nhiều, cũng là giúp đỡ.” có ngược vs câu chuyện trên k ạ
Chuyện trên là mình nhập vai bồ tát, còn giờ thoát vai rồi bạn :)))
Vậy cho em hỏi,
Nếu như mình biết được một người đang ngoại tình, vợ của người đó hỏi mình biết đc những gì, theo Anh mình phải xử lý thế nào? Nên im lặng hay nói ra sự thật?
Anh nghĩ trong mọi trường hợp, thì nói ra sự thật sẽ giúp tâm mình thanh thản.