![]() |
Tự tin thuyết trình với 3000đ...
– Susu à, người hướng nội như mình thì làm sao để tự tin thuyết trình?
– Ông nội hay bà ngoại không liên quan. Bạn có 3K đó không?
– Ba tờ 1000đ thì mình có ^^!
– Tốt lắm. Hãy lấy bút và viết chữ K vào mỗi tờ.
– Xong rồi. Mà để làm gì?
– Vậy là có 3K rồi. Mỗi chữ K là một kinh nghiệm xương máu của mình, sẽ giúp bạn tiết kiệm hàng năm trời rèn sai phương pháp, và hàng ngàn đô học thuyết trình mà vẫn không hiệu quả…
– Thế hả? (mắt sáng rực) (tay hì hụi ghi lên luôn tờ tiền)
Có một nguyên nhân làm ta mất tự tin, nhưng rất ít người biết và thừa nhận, cho tới khi quá muộn. Đó cũng chính là chữ K đầu tiên.
Kiến thức Chuyên môn
Người ta nói, “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại.” Nhưng hãy xem cách mà đa số mọi người chuẩn bị cho bài thuyết trình. Họ góp nhặt một mớ thông tin trong sách hoặc trên mạng, nhồi thành những slide chi chít chữ, rồi thêm chút ảnh minh họa. Họ cho rằng thế là xong!
Với cách đó, khi lên sân khấu điều gì xảy ra? Một là họ run quá và chẳng biết nói gì. Vì sự thật, họ làm gì có kiến thức gì là của mình? Toàn là sao chép, cóp nhặt… hoặc tranh thủ thuộc lòng cách đó vài hôm. Hai là họ đọc nguyên xi slide và ru ngủ khán giả. Vì sự thật, nếu người ta có thể chụp ảnh lại cái slide của bạn, thì việc gì phải nghe bạn đọc! (trừ phi giọng bạn hay như ca sĩ hát, hoặc hấp dẫn như kể chuyện ma)
Cả hai tình huống trên đều khẳng định một sự thật, họ chưa vững kiến thức chuyên môn. Nếu lý giải THUYẾT TRÌNH là TRÌNH bày lý THUYẾT một cách dễ hiểu, thì làm sao có thể giúp người khác hiểu nếu bản thân ta còn chưa hiểu?
Để vững kiến thức chuyên môn, không còn cách nào khác là bạn phải kiên trì tích lũy. Thay vì đứng núi này trông núi nọ, hãy lên ít nhất một đỉnh núi. Hãy thật vững một lãnh vực nào đó thôi, cho tới mức khi một người hỏi, bạn có thể thao thao bất tuyệt về nó. Bạn nói say sưa, nói không mệt mỏi, nói mà chẳng để ý là đã có thêm người tới nghe tự lúc nào, nói mà chẳng để ý bạn đang từ nói chuyện một người, đã trở thành nói chuyện trước cả đám đông!

Do vậy, nếu bạn muốn thuyết trình đầy tự tin, đơn giản là chỉ nói về lãnh vực mà bạn tự tin nhất, với mục đích giúp người nghe hiểu những thứ bạn đang hiểu. Nếu làm được như vậy thì chẳng cần slide, bạn vẫn tỏa sáng hơn cả cái máy chiếu xịn nhất.
Có thể bạn thắc mắc, “Đồng ý với Susu là khi nói về thứ mình tự tin, tất nhiên sẽ tự tin. Nhưng còn những bài thuyết trình trên lớp hoặc theo yêu cầu thì sao?”
Đó là lý do ta cần chữ K thứ hai. Chữ K đầu tiên có thể giúp bạn trở thành “giáo sư” trong mắt mọi người và có nhiều điều bổ ích để chia sẻ nhưng thế vẫn chưa đủ.
Như bạn thấy đó, nhiều giáo sư kiến thức rất uyên thâm, nhưng cứ mở miệng là bà con bên dưới cũng ngoác miệng ra (để nói chuyện, hoặc ngáp). Ngược lại có những người trẻ, học không rộng, biết không nhiều, nhưng cứ mở miệng là anh em ngoác mồm sung sướng. Điều này được lý giải bởi chữ K thứ hai.
Kỹ năng Trình bày
Một bài thuyết trình cũng giống như một cuốn sách, được đặt trên kệ cùng hàng trăm cuốn khác. Dù nội dung sách hay tới mấy nhưng nếu không ai để ý thì cũng đâu bán được. Hoặc có người để ý cầm lên xem bìa nhưng lại bỏ xuống. Bạn đứng đó thầm trách, “Thật là tệ. Họ không hiểu hết giá trị của cuốn sách.” Nhưng sự thật là bìa sách thiết kế cẩu thả, đâu lột tả hết giá trị của cuốn sách?
Nếu bạn không tạo điều kiện để người ta hiểu giá trị của mình, thì chỉ có trời mới hiểu được. Do vậy, kỹ năng trình bày – hay năng lực diễn đạt những gì bạn hiểu một cách sinh động là rất cần thiết. Chữ K thứ hai này lý giải tại sao lại có hiện tượng giáo sư và người trẻ bên trên.

Vậy làm sao để có kỹ năng trình bày? Làm sao xây dựng cấu trúc bài nói chặt chẽ? Làm sao thu hút ngay từ đầu? Làm sao để người ta há miệng ra cười, và nhét thông điệp sâu vào bụng họ? Làm sao dùng Slide hiệu quả? V.v…
Trong phạm vi bài viết, mình không thể trình bày chi tiết. Song mình hứa ở cuối sẽ có những mẹo hay bạn có thể ứng dụng ngay vào bài thuyết trình sắp tới. Còn về lâu dài, kỹ năng trình bày là một kỹ năng, bạn cần phải học, phải rèn luyện.
Nhưng tìm được thầy giỏi sách hay, cũng giống như bạn có trong tay khẩu tốt, nếu không dùng sớm muộn cũng bị rỉ sét, tới khi cần bắn thì tịt nòng. Bạn có kiến thức và kỹ năng, nhưng chẳng bao giờ dùng thì sớm muộn cũng mai một. Bạn cần chữ K thứ ba.
Kinh nghiệm Chinh chiến
Kinh nghiệm đơn giản là KINH qua, rồi NGHIỆM lại.
Bất cứ kỹ năng nào, từ cọ nhà vệ sinh cho tới thuyết trình, đều cần có sự rèn luyện.
Việc bạn thi thoảng lau cái bồn rửa mặt, cũng sẽ gia tăng một chút kỹ năng cọ nhà vệ sinh. Nhưng để chuyên nghiệp tới mức kiếm tiền được, có lẽ bạn phải nộp đơn vào công ty vệ sinh môi trường để được rèn luyện mỗi ngày. Do vậy, việc bạn tự rèn cũng tốt, nhưng một môi trường phù hơp để luyện tập, sẽ chắp cánh cho năng lực của bạn.
Với kỹ năng thuyết trình thì thành thật với bạn là việc thi thoảng xung phong phát biểu, hay thuyết trình trước lớp cũng tốt, nhưng chưa đủ. Việc bạn tham gia một khóa học thuyết trình vài ngày, hay vài tuần, vẫn chưa đủ. Bạn cần một môi trường rèn luyện dài hạn hơn, nơi bạn được chia sẻ những giá trị của mình, đồng thời trau truốt kỹ năng trình bày ngày càng sắc bén.

Lý tưởng nhất là một công việc đòi hỏi bạn buộc phải nói trước nhiều người.
Cá nhân mình có thói quen ghi lại số giờ nói chuyện trước đám đông. Trong suốt 3 năm sinh viên, số giờ mình nói trước đám đông khoảng 150 giờ. Nhưng từ khi tham gia dạy khóa học Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế! chỉ trong 3 năm mình đã có 1500 giờ, GẤP 10 LẦN. Mình vẫn còn giữ clip mình thuyết trình trước đây, lúc đạt mốc 150 giờ, và nói thật là chỉ dám xem lại một lần. 1500 giờ và 150 giờ, không chỉ khác nhau về lượng, mà còn về chất nữa.
Cách đơn giản hơn, là chạy (chứ đừng đi bộ) tới ngay một câu lạc bộ thuyết trình và đăng ký sinh hoạt trọn đời ở đó hàng tuần. Có thể số giờ của bạn sẽ chưa tăng nhanh, nhưng việc duy trì tuần nào cũng thuyết trình, chắc chắn sẽ khác nhiều so với những người chỉ nghĩ tới nói trước đông người thôi là ngại!
Trước khi tổng kết thì như đã hứa, dưới đây là những gợi ý hay, làm được ngay. Rất bổ ích cho hành trình tự tin hơn của bạn sắp tới :
- Trong bài thuyết trình sắp tới của bạn, hãy thuộc & hiểu nội dung tới mức không cần mang theo giấy nhớ. Đừng nhìn thầy cô giáo hay slide quá nhiều, hãy để dành ánh mắt của bạn cho những khán giả cười tươi nhất (hoặc xinh đẹp nhất). Để thuộc được như vậy, bạn có thể tham khảo bí quyết Thuộc nhanh nhớ chuẩn.
- Bất cứ bài thuyết trình nào, hãy bắt đầu ngay bằng một câu hỏi, một câu đố, một câu chuyện, một hình ảnh lạ, một clip độc đáo… bất cứ thứ gì thú vị, nhưng đừng bao giờ bắt đầu bằng “chào bạn, tớ đang rất run, cho tớ tràng pháo tay được không?”
- Khán giả luôn nhớ nhất những gì ở đầu và ở cuối. Nếu trong bài thuyết trình của bạn có phần hỏi đáp (Q&A), hãy nói “Trước khi tổng kết, có bạn nào có câu hỏi không?” và tổng kết sau khi Q&A. Đây là mẹo của Craig Valentine, mình dùng rất hiệu quả.
- Đăng ký tham gia các câu lạc bộ thuyết trình, như ACI Toastmasters Online.
- Kiếm ebook/sách/audio v.v… nói về thuyết trình. Gợi ý : Sách của Craig Valentine (vô địch diễn thuyết 1999)
Tóm lại, nếu áp dụng đúng đắn chiến thuật 3K :
- Kiến thức Chuyên môn : Đào sâu một lãnh vực.
- Kỹ năng Trình bày : Học hỏi từ người giỏi.
- Kinh nghiệm Chinh chiến : Rèn luyện liên tục.
Cũng như các gợi ý trên, đảm bảo sự tự tin thuyết trình của bạn chỉ có thể tăng lên mà thôi!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa thuyết trình hoặc thuyết trình fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
4 thoughts on “Tự tin thuyết trình với 3000đ”
Wow, đã có (4) Awesome Comments!
Nhờ những hướng dẫn trong trang mà em có thể đứng trước lớp để thuyết trình Và em cảm thấy hạnh phúc lắm Một lần nữa cảm ơn anh Su
Ừ, kết quả thứ 2 trong trang thứ 2.
Wish you all the best.
trang số 2 đấy :)
Hì, chào anh!
em mới biết trang này vào ngày hôm qua.
Thật sự rất ấn tượng.
Em tò mò muốn biết, có thật anh là người hướng nội?
Em nghĩ mình cũng là người hướng nội.
Thật vui khi biết trang này. Vì chủ nhân là người hướng nội mà rất thành công!