![]() |
Cách Xưng Hô Trong Thuyết Trình Tự Tin Cuốn Hút...
Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị bước lên sân khấu, bên dưới là hàng trăm quý vị phụ huynh đáng kính, trong đó có cả những bác đầu tóc bạc phơ, đáng tuổi ông tuổi chú bạn. Lúc ấy, bạn thắc mắc không biết cách xưng hô trong thuyết trình với họ thế nào cho phải phép đây.
May quá, trước khi bạn lên, sẽ có một vị MC nói trước để giới thiệu bạn. Trông anh ta cũng có vẻ giàu kinh nghiệm, chắc anh ấy biết cách xưng hô trong thuyết trình. Bạn thấy MC mở mic và bắt đầu nói:
“Kính thưa các cô, các bác, các dì, các chú. Cảm ơn các cô, các bác, các dì, các chú đã có mặt trong chương trình ngày hôm nay. Nơi các cô, các bác, các dì, các chú sẽ được gặp gỡ một vị diễn giả, sẽ giúp các cô, các bác, các dì, các chú…”
Bạn thở dài. Bạn tự hỏi nếu áp dụng cách xưng hô trong thuyết trình dài dòng ấy, bài nói của mình sẽ thảm hại như thế nào. Một câu chào đơn giản mà mất tận 56 chữ, trong đó 32 chữ là “các cô, các bác, các dì, các chú”. Người ta sẽ nhớ những gì được lặp đi lặp lại, vậy thì điều gì sẽ đọng lại trong đầu họ sau bài nói, ngoài những chữ ấy???

Tại sao phải biết cách xưng hô trong thuyết trình?
Nếu tham gia buổi Zoosusu nói về thuyết trình, bạn sẽ biết bí mật “Nói với một, nhìn tất cả” của Craig Valentine. Bạn sẽ hiểu sâu sắc rằng khi cố nói với tất cả mọi người, bạn đang chẳng nói chuyện với ai cả. Các nhà vô địch luôn biến bài nói của họ thành cuộc trò chuyện một một.
Không có ai họ là Tất, tên là Cả trong khán phòng. Không có ai họ là Mọi tên là Người trong khán phòng. Nên họ ít khi chào “tất cả mọi người”, mà cách xưng hô trong thuyết trình của họ thường chỉ là duy nhất một cặp “tôi và bạn”. Nhờ thế, mà dù hội trường cả ngàn người, nhưng họ kết nối được với từng người, và ai cũng sẽ có cảm giác mình được quan tâm.
Chỉ có một vấn đề là nếu bạn thuyết trình trong tiếng Anh, thì việc áp dụng tuyệt chiêu ấy vô cùng đơn giản. Vì dù người trước bạn có vị thế hay độ tuổi thế nào, cũng luôn chỉ có I và You. Còn với truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới của Việt Nam, thì chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt hàng loạt lựa chọn: Cháu và Bác, Con và Cô, Em và Anh, v.v…
Nếu chọn không khéo, bạn có thể phật ý một ai đó trong khán phòng. Bạn có thể làm mình trở nên “bề trên” khi lựa chọn xưng anh và gọi các bạn học sinh ở dưới là em, bạn cũng có thể làm mình “lép vế” khi xưng con/cháu với các bô lão ở dưới. Trong thuyết trình, điều quan trọng nhất là kết nối với khán giả, và cả hai cách trên đều không giúp bạn làm điều đó.

Cách xưng hô trong thuyết trình trịnh trọng với người lớn tuổi?
Bạn còn nhớ câu chuyện tưởng tượng ở đầu Blog này chứ, thật ra nó là một tình huống có thật mà Fususu nhiều lần đối mặt những năm 2011-2015, khi làm Trainer cho khóa học Tôi Tài Giỏi. Cuối mỗi khóa, tôi đều phải thuyết trình trước cả trăm vị phụ huynh như vậy, chưa kể họ còn dắt theo con cháu theo nữa. Cách xưng hô trong thuyết trình cuốn hút là gì?
Lúc đó, tôi đơn giản là bước lên sân khấu và hỏi, “Kính thưa các quý vị phụ huynh, hãy giơ tay nếu bạn thấy con em của mình đã có sự thay đổi sau 3 ngày vừa qua?”
Và trong cả buổi đó, tôi xưng tôi và gọi các phụ huynh ở dưới là bạn. Tất nhiên, là khi ai đó giơ tay hỏi thứ gì đó và đối thoại với một mình họ, thì tôi vẫn gọi cô/chú/bác tùy người. Còn khi đứng trên sân khấu, khi nói với cả đám đông, tôi sử dụng cách xưng hô trong thuyết trình là tôi và bạn.
Và bạn đoán xem? Chẳng có ai để ý chuyện xưng hô đó cả, vì họ mải mê với những nội dung tôi nói từ đầu tới cuối. Vậy bí quyết ở đây là gì? Đó là bạn có thể dùng kính ngữ và nói với tất cả mọi người lúc đầu, nhưng ngay sau đó cho tới cuối chương trình hãy xưng hô như là nói chuyện với một người mà thôi.
Nếu bạn muốn trịnh trọng hơn, thì có thể dùng quý vị. Còn trong hầu hết các trường hợp, Fususu sẽ dùng bạn. Hãy xem thêm một vài ví dụ dưới đây.
“Kính thưa toàn thể bà con cô bác. Tôi có một câu hỏi. Đã bao giờ quý vị…”
“Xin chào tất cả các bạn. Tôi có một câu hỏi cho bạn, đã bao giờ…”
“Tuyệt lắm, cảm ơn các anh chị. Chúng ta sẽ sang phần tiếp theo, phần này bạn sẽ được bật mí bí mật để…”
Tóm lại, cách xưng hô trong thuyết trình với đối tượng lớn tuổi mà ngắn gọn cuốn hút là câu đầu tiên bạn sử dụng kính ngữ nói chuyện với tất cả, và mọi câu sau đó bạn dùng bạn/quý vị để nói chuyện với một người và biến bài thuyết trình thành cuộc trò chuyện một một như các nhà vô địch.

Cách xưng hô trong thuyết trình khi nói chuyện với nhiều đối tượng
Còn có một trường hợp nữa cũng rất khó xử. Cách đây không lâu, Fususu có Coaching thuyết trình cho một anh hội trưởng phụ huynh. Trong bài thuyết trình của mình trước sân trường, anh ấy thường xuyên phải nói chuyện với một đối tượng tổng hợp: Học sinh, phụ huynh, giáo viên, các vị quan khách, v.v… thì cách xưng hô trong thuyết trình hiệu quả là gì?
Câu trả lời là bạn hoàn toàn có thể áp dụng nguyên tắc bên trên. Kính ngữ đi trước, sau đó trò chuyện một một. Anh ấy có thể bắt đầu bài thuyết trình của mình về ngày 20/11 như sau:
“Kính thưa các thầy cô, các phụ huynh, các quan khách, và các em học sinh. Đã bao giờ quý vị nghe câu nói rất hay này về người thầy chưa?”
Đó là lúc nói chuyện với toàn bộ đám đông. Còn trong bài nói, sẽ có những ý nói cho học sinh, có những ý nói cho phụ huynh thì sao? Đơn giản là bạn chỉ cần có một câu để xác định đối tượng mình cần nói chuyện là ổn.
“Là một phụ huynh, đã bao giờ quý vị tự hỏi tại sao con mình càng lớn càng bớt nghe lời?”
“Là một học sinh, đã bao giờ bạn tìm hiểu xem bố mẹ và thầy cô có những lo lắng gì cho mình?”
“Kính thưa các quan khách, quý vị thấy phụ huynh và học sinh trường ta tuyệt vời không ạ?”
Làm như vậy, dù đối tượng như thế nào, thì họ cũng sẽ luôn có cảm giác thoải mái, và đặc biệt là bạn sẽ kết nối với từng người trong đám đông, và bài nói của bạn sẽ trở nên ấn tượng.

Cách xưng hô trong thuyết trình khi nói về bản thân?
Với các tuyệt chiêu trên, tôi tin rằng bạn đã biết gọi khán giả rồi, còn khi nói về bản thân thì sao? Xưng em, xưng anh, xưng con, xưng tôi, hay là xưng tên mình là hiệu quả nhất???
Nếu bạn cao tuổi hơn khán giả, và bạn xưng anh/chị và gọi họ là em/con, bạn có thể cảm thấy thoải mái, nhưng sẽ có người trong khán phòng không thoải mái, và cảm giác đang bị khuyên bảo. Bạn sẽ mất kết nối với họ.
Nếu bạn thấp tuổi hơn khán giả, bạn gọi họ là anh/chị/cô/gì/chú/bác và xưng em/con/cháu, thì có thể họ cảm thấy thoải mái, nhưng bạn sẽ đánh mất đi sự tự tin của mình, và thông điệp sẽ khó mà tác động tới họ.
Do vậy, có một quy tắc rất đơn giản: Bạn luôn luôn xưng tôi hoặc tên của mình. Tôi và bạn, tôi và anh chị, tôi và quý vị. Phương và bạn, Fususu và quý vị, v.v… còn mọi cách xưng hô khác sẽ đều có hệ quả nhất định.
Một lưu ý quan trọng về cách xưng hô trong thuyết trình
Các cách xưng hô trong thuyết trình trên Blog này chỉ áp dụng khi bạn đứng trên sân khấu nói chuyện với cả đám đông. Còn trong khi nói chuyện với một khán giả cụ thể, như một người giơ tay đặt câu hỏi cho bạn, thì bạn hãy trò chuyện xưng hô với họ như bình thường: Anh/Chị/Cô/Bác tùy độ tuổi, song bạn vẫn nên tự xưng là tôi hoặc tên của mình.
Bạn có kinh nghiệm hay băn khoăn nào về cách xưng hô trong thuyết trình không? Hãy chia sẻ để chúng ta cùng học hỏi nhau thêm nhé!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách xưng hô trong thuyết trình hoặc cách xưng hô trong thuyết trình fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
9 thoughts on “Cách Xưng Hô Trong Thuyết Trình Tự Tin Cuốn Hút”
Wow, đã có (9) Awesome Comments!
Một bài học rất hữu ích, cảm ơn Phương Nam
ngay đúng nỗi boăn khoăn của rất nhiều người
Cảm ơn anh Fususu đã hóa giải băn khoăn của em về cách xưng hô khi thuyết trình.
Vậy em tự xưng là “mình” được không anh? Đó là thói quen khi giao tiếp của em.
Được nhé e, song chú ý độ tuổi. “mình” thường dùng ngang hàng hoặc người ta ít tuổi hơn. Còn lớn hơn thì nên xưng tôi.
Vd. “tôi và các cụ” nghe nó vẫn xuôi hơn là “mình và các cụ” =))
Tuyệt vời đây là điều tôi cần và học lúc này . Cám ơn Fususu
Muốn thành công cần sự trải nghiệm và bứt phá khỏi vùng an toàn.
Cảm ơn Fususu đã chia sẻ rất chi tiết. Cho mình hỏi thêm trường hợp 1 nhân viên thuyết trình trong phạm vi phòng ban của mình hay trong phạm vi trước toàn thể cbcnv thì nên xưng hô như thế nào cho phù hợp ạ. Cảm ơn Fususu!
Bạn có thể dùng kính thưa v.v… ở đoạn đầu, và sau đó dùng “quý vị” nhé.
Kính thưa ban giám đốc, đã bao giờ quý vị tự hỏi…
Kính thưa toàn thể CBCNV, đã bao giờ quý vị tự hỏi…
P.s. theo Wiki thì “quý vị” là cách gọi lịch sự cho cả đàn ông/đàn bà ^^!
https://vi.wiktionary.org/wiki/qu%C3%BD_v%E1%BB%8B#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t
Cảm ơn chia sẻ của Phương rất đơn giản, hệ thống và hiệu quả.
Blog này đứng đầu rồi anh ơi. Anh fususu viết bài hay quá