![]() |
Kỹ Năng Thuyết Trình Là Gì Với Các Nhà Vô Địch...
Tiếng Việt thật phong phú. Khi hỏi kỹ năng thuyết trình là gì, có người hiểu đó là bạn bật slide lên và nói, hoặc là bạn đứng phát biểu trước đám đông hoành tráng như Obama trong lễ nhậm chức. Vậy kỹ năng thuyết trình là gì với các nhà vô địch diễn thuyết? À đấy, lại còn diễn thuyết nữa, nó khác như thế nào với thuyết trình?
Hãy cùng Fususu xóa tan đám mây mù này để tài hùng biện của bạn ngày càng tiến xa!
Ủa, hùng biện là gì vậy? Tiếng Việt thật là giàu và đẹp bạn nhỉ!
Dù mục tiêu của bạn là gì khi tới Blog này, đừng để vấn đề ngữ nghĩa cản trở con đường thành công của bạn. Hãy đọc một lần và dẹp bỏ mãi mãi mọi băn khoăn, để có thể hành động và tiến tới mục tiêu.

Trước khi đến với định nghĩa kỹ năng thuyết trình là gì với các nhà vô địch, hãy cùng khám phá…
(1) Diễn giả hay Public Speaker là gì?
Rất nhiều người tưởng nhầm đây là một nghề hoành tráng và ao ước trở thành diễn giả tài ba. Sự thật, diễn giả trong tiếng Anh là Public Speaker, nếu bạn dùng Google Translate thì sẽ có kết quả là… cái loa công cộng.

Thực ra về đặc tính thì đúng là như vậy. Diễn giả là danh từ dùng để chỉ một người cầm micro đứng nói trước một đám đông. Do vậy, cách thực hiện ước mơ trở thành diễn giả thật đơn giản, bạn chỉ cần cầm loa phường ra đường nói thứ gì đó, ha ha!
Nói vui vậy, chứ diễn giả là một từ trang trọng, dành cho những người được mời lên sân khấu, chia sẻ về một chủ đề trước đám đông. Song điều đó có nghĩa là ai cũng có thể trở thành diễn giả, chỉ cần bạn có hiểu biết đủ sâu về một lãnh vực cụ thể.
(2) Diễn thuyết hay Public Speaking là gì?
Khái niệm diễn thuyết hay public speaking đã có từ thời La Mã và Hy Lạp cổ đại. Cách đây 2.500 năm, các vĩ nhân như Aristote, Plato, v.v… đã làm chủ nó, và biến diễn thuyết trở thành một nghệ thuật giúp họ chinh phục đám đông, lấy lòng dân chúng.
Cách đây tận 2.500 năm ư? Nên nếu bây giờ bạn mới nghe nói tới các khái niệm diễn thuyết hay thuyết trình là gì, có lẽ cũng hơi muộn. Đừng lo lắng, Fususu có quà cuối Blog giúp bạn làm chủ kỹ năng này rất sớm thôi. Tóm lại, diễn thuyết là gì?
Nếu diễn giả là danh từ, chỉ một người đứng nói trước đám đông. Thì diễn thuyết là động từ chỉ hành động của diễn giả.
Có một câu giúp bạn nhớ hai khái niệm này: “Một diễn giả, đang diễn thuyết!”
(3) Thế còn hùng biện thì sao?
Tài hùng biện, tiếng latin là eloquentia, có nghĩa là năng lực diễn thuyết trước đám đông trôi trảy, hùng hồn, đầy sức thuyết phục. Nên để đơn giản, bạn có thể coi nó là một tên gọi ngắn gọn (và hổ báo) cho khả năng diễn thuyết hùng hồn.
(4) Thuyết trình hay Presenting là gì?
Theo Fususu nghiên cứu, thì khái niệm thuyết trình và diễn thuyết cũng có nhiều nét tương đồng. Bạn đều phải hiểu khán giả của mình là ai, mục tiêu của bạn là gì, cấu trúc bài nói ra sao, minh họa thế nào cho ấn tượng, và làm sao để thu hút họ?

Vậy sự khác biệt của kỹ năng thuyết trình là gì?
Về mặt bối cảnh, thuyết trình thường được dùng phổ biến hơn, trong bối cảnh nhỏ hơn.
Bạn thuyết trình trước lớp về một chủ đề trong bài học, bạn thuyết trình trước sếp một đề án nào đó, thậm chí thuyết trình trước bố mẹ để xin thêm tiền ăn sáng. Do là nhóm nhỏ nên trong quá trình ấy có thể sự trao đổi hai chiều đễ dàng.
Còn diễn thuyết sử dụng trong bối cảnh lớn hơn, đám đông cũng lớn hơn, nên nếu có sự tương tác thì diễn giả sẽ nói và hỏi theo kiểu khá một chiều chứ khó mà tương tác trực tiếp. Ví dụ, “Hãy giơ tay nếu bạn từng diễn thuyết?”
Về mặt nội dung, thuyết trình thường tập trung tới việc cập nhật, chia sẻ thông tin, học hỏi về một chủ đề nào đó. Còn diễn thuyết thường mang tính truyền cảm hứng, lay động người nghe, thúc đẩy bạn hành động.
Do đó, các bài diễn thuyết thường nhiều câu chuyện, còn các bài thuyết trình thường nhiều slide. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã khiến hai khái niệm này hòa trộn, mà bạn sẽ hiểu rõ hơn khi bàn về kỹ năng thuyết trình là gì với nhà vô địch.

Kỹ năng thuyết trình là gì với Fususu?
Nếu theo sự phân biệt kỹ năng thuyết trình là gì bên trên, bạn sẽ thấy nếu chuẩn thì nói phải là các nhà vô địch diễn thuyết trước công chúng, chứ không phải thuyết trình. Tuy nhiên, nếu bạn xem bìa cuốn World Class Speaking của Craig Valentine, nhà diễn thuyết vô địch thế giới 1999, bạn sẽ thấy tên đầy đủ của sách là:
“World Class Speaking: The Ultimate Guide to Presenting, Marketing and Profiting Like a Champion”
Tạm dịch: “Diễn Thuyết Đẳng Cấp Quốc Tế: Hướng Dẫn Tuyệt Đỉnh Về Thuyết Trình, Marketing và Đạt Lợi Nhuận Như Nhà Vô Địch.”
Điều đó có nghĩa là ngay cả Craig Valentine, cũng sử dụng cùng lúc 2 khái niệm diễn thuyết (Public Speaking) và thuyết trình (Presentation) trong sách của ông.
Theo Fususu thì lý do là thứ nhất, hai khái niệm này đều phổ biến, nên Craig đặt làm tên sách để tốt cho S.E.O (tối ưu hóa từ khóa). Lý do thứ hai, dù là thuyết trình hay diễn thuyết thì để tạo ra một bài nói cuốn hút, bạn đều cần khai thác điểm mạnh của cả hai kỹ năng này, và đó là điều mà Craig hướng tới.
Vậy chúng ta nên định nghĩa lại ra sao dùng từ nào cho đơn giản?
Sau khi đầu tư 2.500 đô để học trực tiếp từ Craig Valentine, kết hợp với 10 năm kinh nghiệm nói trước đám đông, Fususu tặng bạn một câu trả lời cực kỳ đơn giản và dễ nhớ cho câu hỏi kỹ năng thuyết trình là gì:
THUYẾT TRÌNH là THUYẾT và TRÌNH.
Bạn TRÌNH bày ý tưởng, một cách THUYẾT phục.
Đó là THUYẾT TRÌNH.
Trình bày ý tưởng một cách thuyết phục, định nghĩa này bao hàm cả diễn thuyết lẫn thuyết trình, và cũng rất dễ nhớ. Nên Fususu sử dụng nó làm tiêu đề cuốn sách mới nhất của mình là T.N.T – Bí quyết thuyết trình từ nhà vô địch.

Bất cứ khi nào bạn cần TRÌNH bày ý tưởng một cách THUYẾT phục, là bạn đang THUYẾT TRÌNH, và bạn hoàn toàn có thể áp dụng các bí quyết T.N.T.
Kỹ năng thuyết trình là gì và không phải là gì với các nhà vô địch?
Khi bạn đã hiểu thông suốt và thống nhất khái niệm kỹ năng thuyết trình là gì, đã tới lúc khám phá hòm kho báu thực thụ. Đó là 7 tư duy của các nhà vô địch về kỹ năng thuyết trình, từ đó bạn sẽ thấy thuyết trình thực ra không khó như bạn nghĩ.
(1) Hầu hết mọi người nghĩ rằng thuyết trình là nói trước đám đông. Đám đông càng lớn thì họ càng run. Các nhà vô địch tin ngược lại: Đó là một cuộc trò chuyện một một. Do vậy họ luôn tự tin, và đó cũng là lý do bạn luôn có cảm giác họ đang nói chuyện với bạn.
(2) Hầu hết mọi người nghĩ rằng thuyết trình là phải chuẩn bị slides. Các nhà vô địch tin rằng “Khi slide tỏa sáng, bạn sẽ tối thui.” Do vậy họ chỉ sử dụng slide khi thực sự cần thiết mà thôi. Và trong hầu hết mọi trường hợp, họ không cần dùng tới nó.
(3) Hầu hết mọi người nghĩ rằng bài nói kết thúc khi khán giả đứng dậy và vỗ tay. Các nhà vô địch tin rằng bài nói của họ sẽ chỉ kết thúc khi nào khán giả quên áp dụng những điều họ nói trong cuộc sống.
(4) Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc soạn bài nói cần bắt đầu từ mở bài, thân bài, kết luận. Các nhà vô địch tin rằng một bài nói hoàn hảo khi có một phần kết hoàn hảo, họ xây dựng bài nói từ phần kết đầu tiên.
(5) Hầu hết mọi người nghĩ rằng để mọi người lắng nghe mình, bạn cần phải có những thành quả tuyệt vời. Các nhà vô địch tin rằng sự tin tưởng đến từ việc khán giả cảm thấy họ giống bạn ra sao, chứ không phải bạn hoành tráng thế nào.
(6) Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ chẳng có chuyện gì hay để kể, nên để hài hước hơn, để thuyết phục hơn, họ sử dụng các câu chuyện sưu tầm trên mạng. Còn các nhà vô địch “khai quật hài hước” trong chính câu chuyện của mình.
(7) Hầu hết mọi người nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi thuyết trình là sự tự tin và nội dung hấp dẫn. Các nhà vô địch tin rằng điều quan trọng nhất khi thuyết trình là sự kết nối của bạn với khán giả.
Những tư duy này tuy đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, mà nếu áp dụng tốt bạn sẽ thấy kỹ năng thuyết trình của mình được cải thiện đột biến. Đó là lý do Fususu đã viết gần 300 trang để giúp bạn áp dụng hiệu quả trong cuốn sách T.N.T – Bí quyết thuyết trình từ nhà vô địch.

Bạn còn băn khoăn kỹ năng thuyết trình là gì nữa không?
Hi vọng qua Blog này, Fususu đã giúp bạn hóa giải băn khoăn về kỹ năng thuyết trình là gì, và có những ý tưởng mới để cải thiện kỹ năng thuyết trình của bản thân. Nếu bạn có bất cứ ý tưởng hay băn khoăn nào, hãy comment nhé. Hẹn gặp bạn trong sách, hoặc trong buổi Zoom giao lưu độc giả gần nhất, để trả lời câu hỏi của bạn!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa kỹ năng thuyết trình là gì hoặc kỹ năng thuyết trình là gì fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
3 thoughts on “Kỹ Năng Thuyết Trình Là Gì Với Các Nhà Vô Địch”
Wow, đã có (3) Awesome Comments!
cho em hỏi bữa em có nghe bài 3 dám của anh trong thuyết trình. giờ em muốn tìm lại mà không được ạ
E có nhớ đó là bữa nào không? Trên Podcast hay Zoom?
rát tuyệt vời, rất hữu ích