![]() |
Các Ý Tưởng Sáng Tạo Đột Phá Và Cách Để Mọi Người Ủng Hộ...
Nói về các ý tưởng sáng tạo đột phá, đã bao giờ bạn gặp tình huống này chưa? Bạn nảy ra một ý tưởng sáng tạo, nó làm bạn háo hức, mất ăn mất ngủ, bạn tràn ngập khí thế ngay cả lúc tắm, bạn muốn thực hiện nó lắm. Tuy nhiên, khi bạn chia sẻ với mọi người, họ đều bảo nó không khả thi. Bạn bắt đầu nghĩ nó cũng hơi viển vông thì phải, và sau một hồi đấu tranh nội tâm, giờ ý tưởng đang nằm ở xó nào?

Nếu bạn đã gặp tình huống trên với các ý tưởng sáng tạo, xin chúc mừng!
Tôi chúc mừng vì bạn có khả năng sáng tạo, ít nhất bạn cũng từng nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ. Chỉ đơn giản là bạn đang phải đối mặt với một thói quen cố hữu của nhân loại: Vùi dập những ý tưởng “viển vông” bằng các ý tưởng cũ kĩ mà “thực tế”. Đôi khi cách vùi dập cũng rất tinh tế, họ tỏ ra thích thú các ý tưởng sáng tạo của bạn, nhưng tới lúc lựa chọn thì cố thay thế nó bằng các ý tưởng “thực tế” hơn.
Nếu bạn có thể triển khai các ý tưởng sáng tạo của bạn một mình thì không sao cả, bạn cứ việc “im lặng mà làm, rồi để cho thành công lên tiếng”. Tuy nhiên, nếu bạn ở trong một tập thể, và việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo là một phần công việc của bạn, thì bạn cần phải học cách khả thi hóa các ý tưởng sáng tạo. Tin vui, đây là một kỹ năng, bạn hoàn toàn có thể học được!

Làm thế nào để không chỉ tạo ra các ý tưởng sáng tạo đột phá, mà còn có tính khả thi?
Trong khi đang quay cuồng với mớ câu hỏi đó, cùng những cảm xúc tiêu cực khi các ý tưởng sáng tạo của mình bị người ta “ghẻ lạnh”. Tôi đã được nhận một “cú đánh thức tỉnh trí sáng tạo.” Thật ra đó cũng là tên muốn cuốn sách rất hay, mà tác giả Roger von Oech đã phang vào tôi 2 câu chuyện có thực, giúp bạn nhận ra một “thực tế” ít ai biết: “Viển vông” + “Thực tế” = “Sáng tạo đột phá”.
Câu chuyện về các ý tưởng sáng tạo #1 – Sơn tường nhà bạn
Như bạn biết, nước sơn sau vài năm sẽ tróc ra và cần cạo đi để sơn mới, song việc cạo sơn khá vất vả. Một kỹ sư đã nảy ra một ý tưởng “viển vông” là trộn thuốc nổ vào sơn tường, sau đó muốn tróc ra hết thì chỉ một mồi lửa là xong! Một ý tưởng rất thú vị, song cũng rất phi thực tế. Chẳng hạn ai đó hứng chí quệt tàn thuốc lá vào tường, bạn sẽ có nhà mới!
Song khi ý tưởng sáng tạo đó được nêu ra, một công ty đã nhìn vào khía cạnh tích cực của nó. Một câu hỏi được đặt ra, “Liệu có cách nào đó khiến sơn tự động bong ra không?” và họ đã nghiên cứu một chất phụ gia trộn vào sơn, khi có một chất phụ gia khác quết lên lớp sơn đó, phản ứng hóa học xảy ra, lớp sơn cũ tự bong. Bạn thấy đó, một ý tưởng “viển vông” đã mở đường cho một phát minh “thực tế”!

Câu chuyện về các ý tưởng sáng tạo #2 – Trả tiền nhặt rác
Một thành phố của Hà Lan từng gặp vấn đề rác thải, ban quản lý phải họp lại và nhiều giải pháp được đưa ra. Từ việc tăng gấp đôi tiền phạt, cho tới đẩy mạnh công tác tuần tra phát hiện vi phạm. Đặc biệt có một ý tưởng lạ lùng: trả tiền cho những người nhặt rác bỏ vào thùng. Tất nhiên ý tưởng này là phi thực tế, vì nếu làm như thế chắc chắn thành phố sẽ phá sản sau một đêm!
Tuy nhiên, nó đã mở ra một hướng mới. Thay vì phạt người xả rác lung tung, chúng ta sẽ thưởng cho người chấp hành quy định. Sau đó, họ đã nghiên cứu phát triển một loại thùng rác điện tử, mỗi lần bạn bỏ rác vào nó lại tạo ra một phần thưởng. Có thể là một bản nhạc, hoặc một mẩu chuyện cười, từ đó thành phố sạch sẽ hơn hẳn. Một lần nữa, ý tưởng “viển vông” đã mở đường cho phát minh “thực tế”!

Bí quyết để tạo ra các ý tưởng sáng tạo và khả thi: Phải phân tách rõ “sáng” và “tạo”
Khi bị “đánh” 2 cú liên tiếp đó, tôi ngẫm lại tất cả những lần chia sẻ ý tưởng trước đây, và phát hiện ra một sai lầm phổ biến trong những cuộc thảo luận liên quan tới các ý tưởng sáng tạo. Mặc dù trên bàn họp, chúng tôi có đủ cả những người thích “viển vông” như tôi, và những người “thực tế”, hai yếu tố để tạo ra các ý tưởng sáng tạo đột phá, nhưng vẫn không làm được.
Lý do ở chỗ chúng tôi đã không nhận ra “viển vông” và “thực tế” là hai giai đoạn khác nhau của quá trình sáng tạo đột phá. Sai lầm của hầu hết mọi người là nhập chúng vào làm một. Thế là người “viển vông” thì cố gắng bay lên cao, còn người “thực tế” thì cứ thế kéo họ xuống, hậu quả là lơ lửng tại chỗ, chẳng đi tới đâu cả, lãng phí thời gian, công sức.
Tất nhiên, khi khái niệm BrainStorm vào Việt Nam thời đó. Chúng tôi có áp dụng thử, dành 5-10 phút để viết ra mọi ý tưởng, sau đó bắt đầu đánh giá chọn lựa. Song kết quả cũng ít khi có được các ý tưởng sáng tạo đột phá. Nguyên nhân ở chỗ nếu như tránh được sai lầm khi nhập “viển vông” và “thực tế” vào làm một, thì lại vô tình tách rời hai quá trình đó quá xa nhau, không có sự kết nối.
Sau khi “viển vông” với nhiều ý tưởng, thì trong quá trình “thực tế” họ tập trung loại bỏ những ý tưởng phi thực tế. Kết quả cuối cùng là chỉ còn những ý tưởng khá thực tế, song không có chút đột phá nào. Vậy thì giải pháp ở đây là gì? Làm sao để tạo ra các ý tưởng sáng tạo đột phá mà khả thi? Kết hợp với nghiên cứu về của Roger Von, cùng với kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi đã rút ra công thức:
Cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi TẠO!
Cách để tạo ra các ý tưởng sáng tạo đột phá mà khả thi, là tuân theo một quy trình 3 bước rõ ràng:
Bước 1 – “cần SÁNG TẠO”
Một ý tưởng, một sáng kiến, cho dù đột phá đến mấy mà không bắt nguồn từ một nhu cầu rõ ràng thì cũng chẳng đi tới đâu cả. Hãy làm rõ nhu cầu bằng cách viết ra tất cả những băn khoăn, những vấn đề cần giải quyết dưới dạng câu hỏi thật rõ ràng, sao cho tất cả đều có thể nhìn thấy. Tôi đang cần giải quyết vấn đề gì cụ thể? Khách hàng gặp khó khăn gì? Mọi người muốn gì?
Bước 2 – “hãy SÁNG”
Hãy nhớ không có gì là hoàn hảo, nên những ý tưởng mới đưa ra thường chưa hoàn thiện, song chúng có thể là tia sáng cuối đường hầm, là cánh cửa mở ra một hướng đi hoàn toàn mới mà trước đó chưa ai từng khai phá. Do vậy, hãy trân trọng tất cả những ý tưởng đưa ra, dù là “viển vông” nhất. Để có những ý tưởng khác biệt và “viển vông” nhất có thể, có một số gợi ý cho bạn.
1 – Nhập vai vào nhân vật khác và đặt câu hỏi. Ví dụ :
– Một đứa nhóc 7 tuổi sẽ nghĩ những gì trong tình huống này?
– Mr.Bean sẽ có những cách nào để giải quyết vấn đề này?
– Một khách hàng khó tính sẽ nghĩ những gì về điều này?
2 – Tìm đến một sự vật hay hiện tượng thiên nhiên và tự hỏi có gì liên quan. Ví dụ :
– Cách bố trí các vân trên lá cây có sẽ giúp được chúng ta những gì?
– Một cái phễu thì có những gì liên quan tới vấn đề chúng ta đang đối mặt?
– Những con kiến trong tổ kiến sẽ gặp những khó khăn nào giống chúng ta?
3 – Phân tích và liên kết sáng tạo từ khóa.
Tôi có viết hẳn một Blog đầy đủ hướng dẫn chi tiết cách thực hiện. Sau khi đọc xong Blog này, bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Nếu để ý bạn sẽ thấy trong các câu hỏi bên trên có rất nhiều từ “những”. Đây là một nguyên tắc để tạo ra các ý tưởng sáng tạo. Cách đặt câu hỏi “có những cách nào? có những gì?” sẽ tạo cơ hội giúp bạn tiếp cận với nhiều hướng suy nghĩ hơn.
Một lưu ý đặc biệt là để tránh sa lầy vào một luồng tư tưởng cá nhân nào đó, ở giai đoạn “hãy SÁNG” này hãy dành cho mỗi người ít nhất 3-5 phút TĨNH LẶNG để suy nghĩ và viết ra những ý tưởng lóe lên trong đầu mình.
Sau đó mọi người có thể chia sẻ những ý tưởng mà mình đã viết ra giấy.
Bước 3 – “rồi TẠO”
Hãy nhớ rằng mục đích của các ý tưởng mới nảy sinh, không phải là để trở thành hiện thực ngay. Hầu hết chúng đóng vai trò chính là những cánh cửa mở ra hướng đi mới, nhiệm vụ của bạn bây giờ là thử xem chúng sẽ dẫn tới đâu. Hãy xem xét lại từng ý tưởng và liên tục đặt những câu hỏi:
– Ý tưởng này có giá trị như thế nào?
– Ý tưởng này mở ra một hướng suy nghĩ nào khác biệt?
– Ý tưởng này sẽ dẫn chúng ta tới những ý tưởng nào khác?
Cử thử đi và bạn sẽ ngạc nhiên bởi những sáng kiến tuyệt vời được mở đường từ những ý tưởng đôi khi rất ngộ nghĩnh, thậm chí là viển vông nhất. Tóm lại ở bước này, chúng ta sẽ tận dụng mọi ý tưởng trước đó, để TẠO ra các cánh cửa dẫn tới các hướng đi mới hơn, mà vẫn thực tế.
Mẹo nhỏ Nếu bạn cần chia sẻ ý tưởng sáng tạo với ai đó, mà không muốn bị vùi dập. Hãy bắt đầu bằng cú pháp “Bạn nghĩ sao nếu … (ý tưởng của bạn) …” tin tôi đi, mẹo này sẽ giúp ý tưởng của bạn được chào đón dễ dàng hơn nhiều đấy. Chi tiết hãy đọc thêm Blog Cách nói chuyện thuyết phục nhé!
Tóm lại để có các ý tưởng sáng tạo đột phá mà khả thi: “cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi, TẠO!”
Hãy để cho mọi người có chung một tầm nhìn rõ ràng, thì các ý tưởng tạo ra có thể “viển vông”, song vẫn thực tế vì nếu thực hiện được, thì sẽ giải quyết được vấn đề. Hãy cho phép mọi người có không gian để SÁNG, và trân trọng mọi ý tưởng. Sau đó đừng phán xét các ý tưởng, hãy coi chúng là nguyên liệu để TẠO ra những cánh cửa, mở ra một cách mới. Từ đó, bạn sẽ có các ý tưởng sáng tạo đột phá mà khả thi!
Ngoài ra một việc rất quan trọng để có các ý tưởng sáng tạo đột phá, là bạn cũng phải có một bộ não có khả năng ghi nhớ, liên kết mạnh mẽ, thì mới “hấp dẫn” được các ý tưởng đột phá ở tần số tương ứng. Đó là lý do mà trên Blog này Fususu có viết rất nhiều về cách rèn luyện trí não, bạn hãy tận hưởng và khám phá nhé. Đặc biệt đừng bỏ qua chương trình giúp bạn nhớ 1000 số Pi và “kinh hoàng” về bộ não của chính mình!
Note: Fususu có thiết kế một chương trình gồm Clip hướng dẫn bạn chi tiết từng bước nhớ 1000 số Pi rất độc đáo, bạn có thể đọc tại đây nhé.

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa các ý tưởng sáng tạo hoặc các ý tưởng sáng tạo fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, kết quả cuộc đời là do thói quen của bạn mỗi ngày, mọi thứ bạn biết sẽ chỉ giúp bạn thành công khi bạn biến chúng thành thói quen. Nói thì dễ, làm toàn quên, hoặc trì hoãn. Đã bao lần bạn hào hứng để thay đổi, rồi song cuối cùng đâu lại vào đấy?
Sau hơn 10 năm vật lộn với việc thay đổi bản thân, hết lần thề này tới thốt lần khác. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sai lầm lớn mà tôi, cũng như hầu hết mọi người đều mắc phải khi thay đổi bản thân.
Thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, CN, làm gì có thứ nào là “thứ mai”? Trước khi quá muộn, trước khi căn bệnh “để mai làm” tái phát, hãy khám phá ngay bí quyết thay đổi bản thân không phụ thuộc động lực, tạo bất cứ thói quen nào bạn muốn, hoặc xóa bỏ thói quen xấu đeo bám dai dẳng bạn nhé.

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
7 thoughts on “Các Ý Tưởng Sáng Tạo Đột Phá Và Cách Để Mọi Người Ủng Hộ”
Wow, đã có (7) Awesome Comments!
hơi vô lí nhưng rất thuyết phục
Hay quá! Quy trình rất rõ ràng thuyết phục!
ua sao anh lam dai the
Rất tuyệt. Đặc biệt là những bản nhạc nền ở dưới. Nó tiếp thêm cho em rất nhiều sức mạnh và thư giãn nữa.
Hay lắm. Làm theo những gợi ý này sẽ tuyệt lắm đây.
cảm ơn bài viết của anh.:D
Cách tốt nhất để có 1 ý tưởng hay là có thật nhiều ý tưởng.
Nhiều khi thấy mình hay suy nghĩ theo lối mòn mà ko hề đột phá sáng tạo. Phải rèn luyện, rèn luyện!