![]() |
Sơ Đồ Tư Duy Là Gì Và 3 Nguyên Tắc Ít Biết...
Cách đây hơn 10 năm, tôi còn chưa biết tới khái niệm thế nào là sơ đồ tư duy. Lúc ấy, nếu bạn hỏi sơ đồ tư duy là gì, có lẽ tôi sẽ trả lời bạn rằng: Đó là một cái sơ đồ, thể hiện tư duy của bạn.
Hiện tại, dù từng có cả trăm giờ đào tạo về sơ đồ tư duy trong khóa học Tôi Tài Giỏi (Adam Khoo) từ 2011 tới 2015, và thậm chí xuất bản sách về tư duy và trí nhớ, tôi vẫn sẽ trả lời bạn:
Sơ đồ tư duy, là sơ đồ thể hiện tư duy của bạn.
Vì tôi thích mọi thứ thật đơn giản!

Sơ đồ tư duy là gì và không phải là gì?
Đã là tư duy của bạn, thì nó là của bạn, do bạn làm chủ. Ấy vậy mà nhiều người đưa ra hàng loạt các nguyên tắc phức tạp để vẽ sơ đồ tư duy. Thậm chí có những bạn còn nói với Fususu, “Em thấy sơ đồ tư duy phức tạp quá, thà quay về cách học cũ còn hơn anh ạ!”
Tôi tin rằng nếu Tony Buzan, cha đẻ của sơ đồ tư duy mà còn sống, có lẽ ông sẽ buồn lắm khi nghe câu nói ấy. Sơ đồ tư duy là sơ đồ thể hiện tư duy của bạn. Do vậy, khi bạn thấy việc vẽ sơ đồ tư duy phức tạp, thì có nghĩa là cách bạn tư duy về nó đang hơi bị phức tạp.
Hãy nhớ…
Sơ đồ tư duy được tạo ra để đơn giản hóa vấn đề, chứ không phải làm cho vấn đề trở nên phức tạp.
Sơ đồ tư duy giúp bạn ghi chép sáng tạo hơn, chứ không phải gò bó bạn trong một khuôn khổ nào đó.
Mặc dù khả năng ghi nhớ có tăng khi sử dụng sơ đồ tư duy, nhưng nó vốn không phải là công cụ ghi nhớ, mà là công cụ ghi chép. Nếu bạn muốn nhớ nhanh thứ gì đó, bạn cần áp dụng các kỹ thuật ghi nhớ. Nếu bạn đưa nó vào sơ đồ tư duy, lúc đó sơ đồ tư duy mới giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.
Tất nhiên, bạn không nên mất công phát minh lại cái bánh xe. Để tạo ra sơ đồ tư duy hiệu quả, bạn cũng nên tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Và đây là 3 nguyên tắc quan trọng nhất, giúp bạn vẽ sơ đồ tư duy linh hoạt, hiệu quả, và đúng với bản chất sơ đồ tư duy.

Nguyên tắc #1 – Phải linh hoạt
Nếu được hỏi bước đầu tiên để vẽ sơ đồ tư duy là gì, bạn sẽ trả lời sao?
Thực tế đào tạo của Fususu cho thấy hầu hết mọi người sẽ trả lời rằng bước đầu tiên là vẽ hình trung tâm, sau đó vẽ tới các nhánh, bô lô, ba la. Tôi chỉ lắc đầu, và thương tiếc cho họ.
Làm vậy, họ sẽ vừa tốn thời gian trang trí cái hình trung tâm, vốn chẳng có mấy tác dụng cho việc ghi nhớ, vừa gò bó mình vào một dạng sơ đồ duy nhất với hình trung tâm ở giữa, có thể phá vỡ cấu trúc bài đọc, khiến việc ghi nhớ khó khăn hơn.
Fususu luôn dặn học viên của mình bước đầu tiên để vẽ sơ đồ tư duy cho một bài đọc là… đừng vẽ gì cả. Bạn tìm ra từ khóa, kết nối chúng lại, và tự nhiên một sơ đồ tư duy đích thực sẽ hiện ra ngay trước mắt.
Thông thường thông tin bạn tiếp nhận sẽ ở hai dạng.
Dạng tiếp nối: Các ý có sự liên tiếp nhau, ý này dẫn tới ý kia, giúp bạn hiểu một điều gì đó. Chẳng hạn một bài đọc lịch sử, gồm nhất nhiều các sự kiện tiếp nối nhau. Nếu bạn dùng sơ đồ tư duy với hình trung tâm ở giữa, thì sẽ vô tình đánh mất đi sự tiếp nối của các sự kiện.
Dạng song song: Các ý độc lập với nhau, có thể không liên quan tới nhau, hoặc bổ trợ cho một ý chính nào đó. Chẳng hạn bài đọc mô tả 5 đặc điểm của sông Hồng, hay 10 đặc điểm địa lý của Việt Nam, thì sơ đồ tư duy với hình trung tâm ở giữa sẽ phù hợp.
Do đó bạn cần phải linh hoạt. Hãy tìm từ khóa, hiểu bài đọc, và định dạng sơ đồ tư duy của bạn trước khi bắt tay vào vẽ. Bạn sẽ không chỉ tiết kiệm thời gian hơn, mà sơ đồ tư duy bạn tạo ra còn thể hiện chính xác hơn tư duy của người viết ra bài đọc ấy. Từ đó giúp bạn tiếp thu hiệu quả hơn.

Nguyên tắc #2 – Hình tự chế
Một rào cản thứ hai thường thấy khiến rất nhiều người ngại động tới sơ đồ tư duy là họ ngại vẽ. Đối với họ, một sơ đồ tư duy hiệu quả phải là một sơ đồ tư duy thật là đẹp!
Đó là một sai lầm.
Tôi đã từng thấy có những bạn vẽ sơ đồ tư duy rất đẹp, nhưng khi hỏi lại kiến thức thì bạn chỉ nhớ mỗi những hình bạn ấy vẽ, còn từ khóa trên đó quan trọng hơn thì không nhớ. Ngược lại, có những bạn sau khi vẽ xong, sơ đồ trông cũng bình thường, nhưng khi hỏi tới đâu thì lại nhớ tới đó.
Sự khác biệt là gì?
Nếu bạn đã đọc Blog Sơ đồ tư duy 1 ảo tưởng 2 sai lầm 3 giải pháp, bạn sẽ được xem một Clip giúp bạn hiểu được sở thích của bộ não. Có thể bạn thích nhìn những hình ảnh đẹp, nhưng thực tế những hình ảnh mà bộ não ghi nhớ, lại là những hình ảnh đơn giản và ấn tượng.
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Clip trên có thể tóm gọi lại bằng một câu dễ nhớ: Hình tự chế, nhớ siêu dễ. Bộ não sẽ có xu hướng nhớ những gì bạn tự vẽ ra, và miễn là bạn cảm thấy vui vẻ trong quá trình vẽ, thì dù nó có xấu tới mấy thì bạn vẫn sẽ nhớ.
Do vậy khi sử dụng hình ảnh trên sơ đồ tư duy mà muốn chúng hỗ trợ việc ghi nhớ, bạn hãy sử dụng những hình tự chế đơn giản, mang phong cách của riêng bạn. Còn việc sử dụng sơ đồ trên máy tính, và copy-paste hình trên mạng vào, nói thật là chỉ có tác dụng minh họa bạn nhé!
Tiếng Việt rất giàu và đẹp, nên phong cách đuổi từ bắt chữ được Fususu rất ưa sử dụng trong các sơ đồ tư duy của mình. Chẳng hạn “nhân cách”, Fususu vẽ một dấu nhân và ký hiệu dấu cách, “tư cách” là số 4 và dấu cách. Thậm chí “cách cách” là hai dấu cách.
Làm như vậy, bạn sẽ có những giây phút rất thoải mái khi vẽ sơ đồ tư duy, mà lại ghi nhớ rất lâu. Một lần nữa hãy nhớ: Cái gì tự bạn tạo ra, thì bạn sẽ yêu thích và nhớ siêu lâu. Hình tự chế, nhớ siêu dễ.

Nguyên tắc #3 – Vẽ nhiều lần
Kinh nghiệm 10 năm viết lách nói chung, cũng như xuất bản sách nói riêng của Fususu cho thấy: Một tác phẩm hay nhất, là một tác phẩm mà vị tác giả đã đầu tư nhiều tâm sức nhất, viết đi viết lại, sửa đi sửa lại nhiều lần nhất.
Tương tự, một sơ đồ tư duy cũng cần được vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới đảm bảo tính hiệu quả trong việc hỗ trợ ghi nhớ. Ấy vậy mà, hầu hết mọi người thường chỉ vẽ nó một lần. Đơn giản là do họ đã không thực hiện nguyên tắc #1 và #2, dẫn tới việc vẽ ra một sơ đồ tư duy rất mất công, đừng nói tới việc vẽ lại.
Nếu bạn hiểu bản chất sơ đồ tư duy là gì, cũng như tuân theo đúng nguyên tắc linh hoạt và hình tự chế, bạn sẽ thấy càng vẽ càng nhanh, càng vẽ càng thích. Để hiệu quả, bạn nên vẽ ít nhất 3 lần.
Lần đầu tiên, đừng vẽ gì cả.
Một họa sĩ chuyên nghiệp, trước khi vẽ họ luôn phác thảo đường ngang nét dọc, rồi sau đó dựa vào đấy để vẽ chi tiết, chứ ít khi có ai bắt tay vào vẽ chi tiết luôn.
Sau khi tìm xong từ khóa, bạn hãy đưa hết tất cả từ khóa lên một tờ giấy, rồi vẽ đường ngang nét dọc để tìm mối quan hệ giữa chúng. Việc này sẽ giúp bạn định hình được kết cấu của sơ đồ tư duy mình định vẽ.
Lần thứ hai, vẽ bằng bút chì.
Nhiều bạn nghe nói khi sử dụng bút màu sẽ khiến cho sơ đồ tư duy trở nên sinh động dễ nhớ hơn, chính xác. Tuy vậy, đặc điểm của bút màu là một khi viết ra, rất khó mà sửa chữa.
Do đó, trừ khi bạn có trí tưởng tượng tuyệt vời, bạn khả năng hình dung ra sao thì vẽ y như vậy, thì bạn mới nên dùng bút màu ở bước này. Còn không, hãy cứ dùng bút chì để vẽ chi tiết.
Với bút chì, trong quá trình vẽ, bạn có thể thay đổi, chỉnh sửa thoải mái. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn về sau, mà sơ đồ tư duy chắc chắn cũng sẽ cân đối, sáng tạo hơn.
Lần thứ ba, vẽ bằng bút màu.
Nhiều khi chúng ta tham, muốn tiết kiệm thời gian nên dùng bút màu vẽ luôn. Thực ra, bạn sẽ tốn thêm thời gian nếu cần chỉnh sửa gì đó, hoặc muốn thêm bớt gì đó mà thôi, và tệ nhất là vẽ xong thấy muốn vẽ lại.
Cũng giống như một bức vẽ, từ những đường nét đầu tiên, đường nét chi tiết, cho tới tô màu. Cách vẽ một sơ đồ tư duy hiệu quả cũng nên trải qua ba bước như vậy. Từ khóa, bút chì, bút màu.

Vậy là bạn đã nắm được sơ đồ tư duy là gì rồi, bạn còn băn khoăn gì không, hãy comment nhé!
Tóm lại, sơ đồ tư duy là gì? Đó là một cái sơ đồ, thể hiện tư duy của bạn. Nên bạn càng linh hoạt, sơ đồ sẽ càng sáng tạo. Bạn càng dùng hình tự chế, sơ đồ sẽ càng dễ nhớ. Bạn càng vẽ nhiều lần, thì nó sẽ càng đẹp hơn, càng hiệu quả hơn. Đơn giản như vậy thôi!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa sơ đồ tư duy là gì hoặc sơ đồ tư duy là gì fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung, học hành, làm việc, ra quyết định… dù làm gì bạn cũng phải dùng tới não. Thượng đế ban cho bạn, cho tôi, cho mỗi người bộ não thiên tài, chỉ tiếc là ngài quên gửi hướng dẫn sử dụng mà thôi.
Nếu một người trí nhớ “cá vàng”, tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm Văn như tôi có thể nhớ dãy Pi dài 1000 số, đạt 28/30 thi đại học, xuất bản tới 9 cuốn sách, thì không có gì là bạn không thể.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là chìa khóa để giải phóng sức mạnh não bộ! Hãy sẵn sàng để đánh thức phù thủy trí nhớ trong bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
6 thoughts on “Sơ Đồ Tư Duy Là Gì Và 3 Nguyên Tắc Ít Biết”
Wow, đã có (6) Awesome Comments!
Chào anh.e rất vui khi đoc đc những chia sẻ của anh.e cần anh giúp con e có hướng học tập siêu hiệu quả giống anh.hãy giúp e. Hãy gửi tin nhắn vào email cho e.
Fususu có viết khá nhiều Blog về phương pháp học tập, em cần học giỏi môn nào cứ google từ khóa môn đó + fususu là ra nhé, ví dụ “giỏi toán Fususu”
Cảm ơn nhiều!
Thật tuyệt vời, mặc dù là mình chưa vận dụng được hết khả năng mà FUSUSU chia sẽ và trao cho. Nhưng nói thật mỗi lần đọc những tin mà FUSUSU gửi luôn cho mình năng lượng tích cực, cảm giác rất phấn khởi, hiiii.
cảm ơn và biết ơn FUSUSU rất nhiều.
chúc FUSUSU gặt hái được thành công hơn nữa và mọi sự bình an.
Rất hay và ý nghĩa
Giúp em gỡ mắc rất nhiều điều
Vẽ tỉ mỉ thế mất thời gian lắm anh ạ TvT