Có khi nào bạn băn khoăn không biết nên nói gì hay không nên nói gì trong bài thuyết trình sắp tới? Hãy cùng khám phá cách thuyết trình ấn tượng với bí mật “Thông điệp chốt hay, hốt ngay khán giả” mà Fususu học được từ Craig Valentine, nhà vô địch thuyết trình thế giới 1999, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo và Coaching các diễn giả hàng đầu thế giới.
Cách thuyết trình ấn tượng với thông điệp chốt là gì?
Theo bạn thì thuyết trình là gì? Nếu tham gia một buổi Zoom Fususu nói về cách thuyết trình ấn tượng, bạn chắc chắn sẽ nhớ một định nghĩa cực kỳ đơn giản về THUYẾT TRÌNH: Đó là bạn TRÌNH bày một ý tưởng sao cho THUYẾT phục.
Để trình bày ý tưởng của mình, thông thường hầu hết mọi người sẽ dùng toàn bộ những gì họ có trong đầu để diễn giải, với hi vọng người nghe hiểu được ý họ muốn nói.
Cách làm này rất dễ dẫn tới tình trạng lan man, người nói có thể sướng mồm, còn người nghe cảm thấy bồn chồn. Vậy làm sao để bạn nói sướng mồm, mà khán giả vẫn sướng tai, cách thuyết trình ấn tượng là gì?
Nếu đã xem hiểu Clip mà Fususu đặt ở đầu Blog, bạn sẽ thấy Craig Valentine khuyên bạn luôn phải có một thông điệp chốt trước khi kể bất cứ câu chuyện nào, hay nói bất cứ điều gì (đó là lý do bạn nên làm phần kết bài trước)
 | Blog hay & liên quan 3 Cách Kết Thúc Bài Thuyết Trình Ấn Tượng Từ Nhà Vô Địch... |

Thông điệp chốt không chỉ là câu nói hay đọng lại trong tâm trí của khán giả, mà còn là kim chỉ nam giúp bạn loại bỏ những phần thừa trong bài nói, giúp nó ngày càng gọn gàng hơn, sâu sắc hơn.
Khi ấy bạn sẽ không phải nói lan man hay diễn giải dài dòng để mọi người cùng hiểu một thứ gì đó. Mà đơn giản là bạn có một thông điệp rõ ràng muốn gửi gắm, và toàn bộ bài nói của bạn để minh họa cho thông điệp ấy trở nên sâu sắc.
Đó là sự khác biệt, đó là cách thuyết trình ấn tượng của các nhà vô địch.
Thế nào là một thông điệp chốt ấn tượng?
Nếu xem các bài thuyết trình của Craig Valentine, bạn sẽ được nghe nhiều thông điệp chốt là những câu nói hay mà cực kỳ vần điệu, dễ nhớ:
No phrase, no stage (không có thông điệp, đừng cố diễn).
Your dream is not for sale (ước mơ không phải để bán).
Speak to one but look to all (nói với một, nhưng nhìn tất cả).
You master what you measure (bạn làm chủ những gì bạn đo lường).
If you can see it, you can do it (nếu thấy được, bạn sẽ làm được).
Theo Craig Valentine, thông điệp chốt ấn tượng thường đảm bảo 3 yếu tố:
(1) Ngắn gọn (dưới 10 chữ)
(2) Dễ nhớ (vần điệu)
(3) Tập trung vào người nghe (có chữ You)
Lưu ý: Tiếng Anh là ngôn ngữ của sự hiệu quả, nó có thể diễn giải một câu dài trong tiếng Việt bằng vài chữ. Cho nên Craig khuyên bạn 10 chữ là dùng cho tiếng Anh, còn tiếng Việt thì Fususu khuyến nghị tối đa 14 chữ.
Sau khi đã có những thông điệp chốt ấn tượng, thì việc soạn bài nói của bạn rất đơn giản. Bạn chỉ cần liệt kê ra tất cả những ý tưởng mình có liên quan tới chủ đề ấy, và cái nào liên kết được tốt hay minh họa được tốt cho thông điệp chốt thì bạn giữ lại, còn những gì không liên quan thì loại nó ra!

Làm sao để có thông điệp chốt ấn tượng?
Cách đơn giản nhất để tìm ra thông điệp chốt là bạn viết ra những gì mình định nói với khán giả. Sau đó khoanh tròn các từ khóa, rồi bạn sẽ có nhiều cách để tìm ra thông điệp chốt.
(1) Bạn cứ kiên trì chơi chữ, cứ viết đi viết lại câu nói đó theo những cách khác nhau, kiểu gì cũng sẽ tìm ra một thông điệp chốt vần điệu. Đây là thế mạnh của tiếng Việt rồi, việc đọc nhiều những bài thơ cũng sẽ giúp bạn luyện khả năng gieo vần và tìm ra những thông điệp vần điệu như Fususu đã làm được:
Bộ não thiên tài, phải xài thông minh.
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài.
Cứ thay thói quen, sẽ đổi cuộc đời.
(2) Bạn Google các câu nói hay liên quan tới từ khóa đó. Bạn sẽ tìm thấy nhiều câu trích dẫn, nhưng hãy đọc chúng để học hỏi, rồi rút ra một câu nói cho riêng bạn. Chẳng hạn khi tìm ý tưởng về việc đầu tư cho bản thân, tôi tìm được câu nói của Warren Buffet. Và trong buổi Zoom tôi nói:
“Nếu Warren Buffet từng nói: Đầu tư cho bản thân, là khoản đầu tư không bao giờ lỗ. Thì Fususu nói: Đầu tư cho bộ não, là khoản đầu tư mãi mãi sinh lời.”
(3) Bạn làm giống như Craig chia sẻ trong Clip, bạn đem những gì mình định nói tới một CLB thuyết trình hoặc chia sẻ nó với một người bạn, chắc chắn sự tương tác sẽ giúp bạn tạo ra ý tưởng thông điệp hay.
Chẳng hạn vào thứ 5 tuần sau (21/1), một đồng nghiệp của Fususu có một buổi Zoom chia sẻ về nghệ thuật xây dựng các mối quan hệ. Chúng tôi đã có một cuộc họp, và cùng nảy ra ý tưởng thông điệp, cũng là một bí quyết tạo dựng mối quan hệ:
Tin tưởng trước, bước sẽ qua!
 | Blog hay & liên quan 10 câu nói truyền cảm hứng nhất và Poster tạo động lực (song ngữ)... |

Áp dụng cách thuyết trình ấn tượng này hằng ngày?
Tạo ra những thông điệp vần điệu dễ nhớ cũng là một kỹ năng, bạn cần có sự luyện tập hàng ngày thì nó mới trở thành bản năng, và bạn sẽ áp dụng được cách thuyết trình ấn tượng này mà không cần suy nghĩ.
Có thể là chơi đùa với những câu chữ, đọc những câu nói hay, hoặc mỗi ngày đăng một câu nói nào đó lên Facebook cá nhân và tập giải thích như Fususu vẫn làm tại đây.
Dù thế nào đi nữa, hãy luyện tập hằng ngày trong cuộc sống. Hãy tìm ra những “thông điệp chốt hay, hốt ngay khán giả” trong cuộc sống. Khi bạn đã “diễn thật” như vậy, thì “diễn giả” chỉ là chuyện nhỏ!
 | Blog hay & liên quan Cách Thuyết Trình Hài Hước Tự Nhiên Từ Nhà Vô Địch... |
Hãy comment và tôi sẽ đích thân phản hồi bạn trong vòng... 86400 giây!