![]() |
Top 5 cách để quyết đoán hơn mỗi ngày chỉ cần 5 phút!...
Đã bao giờ vì không quyết đoán mà bạn bỏ lỡ cơ hội nào đó? Đã bao giờ bạn trì hoãn mà không ra được quyết định? Hoặc lời nhận xét của ai đó làm bạn “nhột” và phải tìm cách để quyết đoán hơn? Chắc hẳn là có, nên bạn có mặt trên Blog Fususu lần này, nơi bạn sẽ được khám phá 5 thói quen đơn giản mà hiệu nghiệm này.

Cách để quyết đoán hơn mỗi ngày #1 – Sử dụng ngôn từ mạnh mẽ
Các nhà nghiên cứu hàng đầu về NLP (Neuro-Linguistic Programming, lập trình ngôn ngữ tư duy) đều khẳng định rằng ngôn từ mà bạn sử dụng hằng ngày sẽ tạo nên tính cách của bạn. Quyết đoán không nằm ngoài số đó, nên một trong những cách để quyết đoán hơn nhanh nhất là thay đổi thói quen sử dụng ngôn từ của bạn.
Chẳng hạn khi được hỏi, “Bạn nghĩ sao về vấn đề này?” bạn có bắt đầu bằng cụm từ “Theo tôi thì…” hoặc “Theo ý kiến cá nhân của tôi…” không? Ủa, họ đang hỏi ý kiến của bạn, bạn là người nói duy nhất, vậy “theo tôi” ở đây là theo ai nữa? Thật ra cách nói này không chỉ dài dòng, mà còn dần khiến bạn trở nên dè dặt, không quyết đoán.
Những người quyết đoán thường tự tin, dám chịu trách nhiệm với những tuyên bố chắc chắn của mình. Do vậy, cách để quyết đoán hơn là bạn hãy nói thẳng “Tôi nghĩ là…”, còn trong trường hợp bạn cần thời gian để nghĩ, thì bạn có thể nói, “Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi nghĩ rằng…”
Để áp dụng ngay cách để quyết đoán hơn này, hãy tham khảo một số cụm từ thường gặp và cách biến nó trở nên mạnh mẽ hơn dưới đây:
Thay vì nói “Có lẽ chúng ta nên…”, hãy nói “Tôi nghĩ chúng ta cần…”
Thay vì nói “Tôi dự định sẽ…”, hãy nói “Tôi sẽ…”.
Thay vì nói “Tôi sẽ làm vào ngày mai…”, hãy nói: “Tôi sẽ hoàn thành trước 12h ngày mai.”
Thay vì nói “Tôi hi vọng nó sẽ xảy ra…”, hãy nói: “Nếu nỗ lực hết mình, nó chắc chắn sẽ xảy ra.”
Thay vì nói “Tôi sắp xong rồi…”, hãy nói “Tôi sẽ xong trong vòng 15 phút…”
Bạn có ý tưởng nào nữa không? Lát nữa hãy comment nhé!

Cách để quyết đoán hơn mỗi ngày #2 – Xây dựng “bộ luật cá nhân”
Nhắc tới sự quyết đoán, không ngẫu nhiên mà người ta sử dụng biểu tượng là chiếc búa trong phiên tòa. Hãy tưởng tượng một quốc gia không có luật lệ, thì các phiên tòa sẽ phải khó khăn như thế nào khi đưa ra những quyết định xét xử? Tương tự, bạn sẽ khó mà ra quyết định nếu không có một “bộ luật cá nhân”.
Chẳng hạn, nếu trong bộ luật cá nhân của bạn ghi rằng “Tôi không bao giờ lãng phí thời gian cho những cuộc trò chuyện vô ích”, mà có ai đó rủ bạn Cafe nói chuyện với một mục tiêu không rõ ràng, bạn có thể dễ dàng từ chối ngay lập tức mà chẳng cần phải đắn đo nhiều.
Việc xây dựng một bộ luật cá nhân có thể khiến bạn cảm giác mình hơi nguyên tắc, cứng nhắc thì phải. Song đó là điều cần thiết để bạn trở thành một người quyết đoán. Đâu có nhà lãnh đạo, đâu có con người quyết đoán nào mà không có những nguyên tắc của riêng mình cơ chứ?
Tất nhiên, một bộ luật hiệu quả cần phải có thời gian xây dựng và phát triển. Bạn có thể bắt đầu viết một cuốn “Nhật ký ra quyết định”. Mỗi lần ra quyết định gì đó, hãy viết xuống đôi dòng về nó. Rồi sau đó xem lại, đánh giá quyết định đó, học hỏi từ chính quyết định của mình, là cách để bạn có thể ra quyết định tốt hơn.

Cách để quyết đoán hơn mỗi ngày #3 – Đặt điều kiện hoặc hẹn giờ cho quyết định
Nếu như bạn bị đánh giá là ra quyết định chậm chạp, thì thói quen này sẽ lập tức cải thiện ngay tình trạng đó.
Đồng ý là sẽ có những tình huống bạn có thể ra quyết định dễ dàng, như hôm nay mình sẽ mặc áo gì (hình như đối với một số người, thì đây cũng là một quyết định lớn, ha ha); Song cũng có những tình huống mà bạn chưa thể ra quyết định ngay. Vậy cách để quyết đoán hơn trong những trường hợp thế này là gì?
Đó là bạn đưa ra một điều kiện nào đó mà nếu thỏa mãn, bạn sẽ quyết định luôn khỏi lăn tăn.
Chẳng hạn, nếu bạn cần thêm thông tin để xác định xem lựa chọn nào sẽ hơn, hãy nói “Tôi sẽ ra quyết định sau khi biết rằng…”, “Tôi sẽ ra quyết định sau khi hỏi ý kiến của…” Còn nếu bạn chưa chắc lắm về điều kiện của quyết định, bạn có thể nói “Tôi cần thời gian cân nhắc, tôi sẽ ra quyết định muộn nhất là vào lúc… giờ, ngày…”
Bằng cách này, bạn không chỉ trở thành người ở thế chủ động, mà còn thể hiện rằng những quyết định của bạn đều được cân nhắc kỹ lưỡng và có cơ sở, chứ không phải một dạng “quyết rồi đoán” (tức là cứ quyết bừa, rồi đoán già đoán non xem mọi thứ sẽ thế nào).
Một thói quen nhỏ giúp bạn áp dụng cách để quyết đoán hơn này, là hãy chuẩn bị một đồng xu, và hẹn giờ cho mọi quyết định của bạn. Nếu quyết định đơn giản, thì hẹn 5 phút, còn nếu quyết định cần thêm thông tin, thì hẹn từ vài giờ, cho tới vài ngày. Điều tiên quyết là tới giờ đó, nhất định bạn phải ra được quyết định.
Sức mạnh của thời hạn sẽ làm gia tăng động lực, thúc đẩy bạn tìm đủ mọi điều kiện để ra quyết định. Và tới lúc đồng hồ reo rồi, mà bạn vẫn băn khoăn không biết nên lựa chọn thế nào, thì bạn biết phải làm gì rồi đấy. Hãy tự nhủ,”Khi mình không biết lựa chọn nào tốt hơn, có nghĩa là chọn cái nào cũng được,” rồi tung đồng xu.

Cách để quyết đoán hơn mỗi ngày #4 – Dành 4 phút tìm hiểu về quyết đoán mỗi ngày
Bạn có liệt kê ra được 5 người quyết đoán nhất mà bạn từng biết không?
Nếu không, thì bạn biết nguyên nhân tại sao bạn không quyết đoán rồi đấy. Tại sao bạn biết nói, biết đi thuần thục? Cơ chế học hỏi của bộ não là bắt chước, nếu như trước đây bạn rất ít tiếp xúc với những người quyết đoán, thì bộ não sẽ khó mà hình dung được thế nào là quyết đoán, và giúp bạn trở thành một người như vậy.
Bạn sẽ trở thành những gì mà bạn suốt ngày suy nghĩ. Nếu như bạn suốt ngày băn khoăn tại sao mình không quyết đoán mà không tìm giải pháp, thì bạn biết điều gì xảy ra rồi đấy, luật hấp dẫn sẽ khiến bạn ngày càng trì hoãn hơn. Do vậy, hãy chủ động kích hoạt luật hấp dẫn, hãy dành 4 phút mỗi ngày tìm hiểu về quyết đoán.
4 phút mỗi ngày là đủ để bạn đọc một câu chuyện về một nhà lãnh đạo tài ba, rồi hình dung tới một ngày mình sẽ quyết đoán được như họ. Làm như vậy mỗi ngày, chỉ cần 4 phút, sớm hay muộn, sự quyết đoán của bạn kiểu gì cũng sẽ được gia tăng tới mức bạn không thể nào ngờ được.

Cách để quyết đoán hơn mỗi ngày #5 – Tập kiểm soát tâm trí, làm chủ cảm xúc
Chẳng ai biết trước tương lai, nên rất khó để biết chắc một quyết định nào hoàn toàn đúng đắn. Fususu tin rằng không có quyết định nào là sai hay đúng, chỉ có những quyết định mà sau đó bạn có hối hận hay không mà thôi. Và thường thì những quyết định khiến bạn hối hận, là những quyết định mà lúc đó tâm trí bạn không sáng suốt.
Nếu như một quyết định được đưa ra, dựa trên một tâm bình an, với đầy thiện chí, đầy tình thương, với mong muốn điều tốt lành nhất đến với mọi người, thì dù kết quả thế nào bạn cũng sẽ ít khi phải hối hận. Còn một quyết định đưa ra mà lúc đó tâm bạn đầy ham muốn, thù hằn, nóng giận, thì khi bình tâm trở lại, kiểu gì bạn cũng sẽ hối hận.
Đó chính là lý do bạn cần phải học cách làm chủ tâm trí, để có thể bảo vệ mình khỏi những khoảnh khắc cảm xúc lấn át lý trí, và đưa ra những quyết định hấp tấp. Khi có một tâm trí sáng suốt, bạn cũng sẽ dễ dàng ý thức được những giá trị của bản thân, và ra quyết định dựa trên những giá trị đó nhanh chóng, và sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Làm sao để làm chủ tâm trí, khi mà nó cứ như một con khỉ lăng xăng, hết nhảy từ cành này sang cành khác đây? Đó là một thói quen lớn, cần một hành trình dài mà Fususu có làm hẳn một khóa học 21 ngày để giúp bạn, song bạn có thể bắt đầu bằng một thói quen nhỏ.
Mỗi tối, ngay sau khi đánh răng, hãy viết xuống 5 thành công nhỏ, hay còn gọi là nhật ký thành công.
Bằng cách này, bạn không chỉ luyện tập việc điều hướng tâm trí của mình tập trung tới những điều tích cực, mà còn có một giấc ngủ ngon. Về lâu dài, khi bạn quen với việc điều khiển tâm trí, bạn có thể tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định. Chi tiết cách viết nhật ký thành công, hãy xem tại đây.
Vậy là bạn đã biết 5 cách để quyết đoán hơn mỗi ngày rồi! Hãy hành động ngay, hãy comment thêm cách nữa mà bạn biết!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách để quyết đoán hơn hoặc cách để quyết đoán hơn fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, kết quả cuộc đời là do thói quen của bạn mỗi ngày, mọi thứ bạn biết sẽ chỉ giúp bạn thành công khi bạn biến chúng thành thói quen. Nói thì dễ, làm toàn quên, hoặc trì hoãn. Đã bao lần bạn hào hứng để thay đổi, rồi song cuối cùng đâu lại vào đấy?
Sau hơn 10 năm vật lộn với việc thay đổi bản thân, hết lần thề này tới thốt lần khác. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sai lầm lớn mà tôi, cũng như hầu hết mọi người đều mắc phải khi thay đổi bản thân.
Thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, CN, làm gì có thứ nào là “thứ mai”? Trước khi quá muộn, trước khi căn bệnh “để mai làm” tái phát, hãy khám phá ngay bí quyết thay đổi bản thân không phụ thuộc động lực, tạo bất cứ thói quen nào bạn muốn, hoặc xóa bỏ thói quen xấu đeo bám dai dẳng bạn nhé.

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
7 thoughts on “Top 5 cách để quyết đoán hơn mỗi ngày chỉ cần 5 phút!”
Wow, đã có (7) Awesome Comments!
top 1 trên google sau khi search
blog này em tra thì chỉ đứng thứ 2 sau trang wikihow thôi ạ ^^
1. Lúc bạn em rủ chơi game? Em không chắc lát có rảnh không vì lúc đó tối rồi em muốn đọc sách và em nhắn là : “Nam không biết nữa nếu lát nữa rảnh thì Nam chơi.” thì như vậy có được gọi là không quyết đoán k anh?
2. Giờ em mới để ý,mỗi khi em comment đều tầm 10-15ph mới xong. Phải dò đi dò lại, nghĩ đi nghĩ lại xem thế này có được chưa, có vô duyên k, hỏi câu này có được k… ^^!! Không biết đó có phải là do không quyết đoán hay là do cẩn thận vậy anh?
3. Thay vì nói ” Chắc là vậy!” em sẽ nói “Tôi nghĩ vậy”
1. Em cứ nhắn rõ ý định của em thôi: Cám ơn, tối nay tôi bận mất rồi. Chứ đừng nhắn là ko biết nữa… Là biểu hiện thiếu quyết đoán.
2. Đấy là do tính cẩn thận quá. Em có thể tập thói quen bấm giờ. Vd dành 3 phút để đọc lại, rồi hết 3p thì đăng nhé.
3. Chuẩn rồi em!
Blog rất hữu ích đó bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều. Mình thích nhất câu “Fususu tin rằng không có quyết định nào là sai hay đúng, chỉ có những quyết định mà sau đó bạn có hối hận hay không mà thôi. Và thường thì những quyết định khiến bạn hối hận, là những quyết định mà lúc đó tâm trí bạn không sáng suốt” và “Khi mình không biết lựa chọn nào tốt hơn, có nghĩa là chọn cái nào cũng được”
^^ Bài viết rất hay ạ, em muốn hỏi là việc phát biểu ý kiến trong lớp là quyết định đúng hay sai ạ :( Nhiều khi em thấy đúng nhưng em vẫn không thể giơ tay lên :(. Trong lớp em không quen ai trừ bạn kế bên ạ( do chuyển lớp ). Nên em cứ có cảm giác lo lo
E có thể nghĩ là nếu giơ tay mà trả lới đúng thì tốt, còn sai thì ít nhất mình cũng tự tin hơn. Nên giơ tay là có lợi:) lúc nào cũng đúng.