![]() |
Viết Văn Không Tốt Liệu Có Viết Được Sách Hay?...
Nếu bạn là người bận rộn, không có nhiều thời gian đọc hết Blog này, với kinh nghiệm từ tốt nghiệp trung bình vì 4 điểm Văn, cho tới lúc xuất bản tới 7 cuốn sách, Fususu trả lời luôn: Viết văn không tốt, hay dốt văn từ nhỏ, thật ra chẳng ảnh hưởng gì tới việc viết sách sau này của bạn.
Văn trên trường là một môn học, và điểm văn cao hay không nhiều khi phụ thuộc người chấm, nên khó dùng nó để đánh giá bạn có trở thành tác giả hay không.
Lý do sâu xa hơn, hãy cùng Fususu khám phá 3 lý do thú vị trong Blog này nhé. Bạn sẽ không chỉ tự tin hơn, mà còn biết bắt đầu từ đâu cho ước mơ viết sách của mình đấy!
Lý do #1 – Nhiều nhà văn nổi tiếng hóa ra… dốt từ nhỏ.
Bạn biết tác phẩm Chiếc Lược Ngà hay Quán Rượu Người Câm chứ? Cái tên Nguyễn Quang Sáng đã quen thuộc với biết bao thế hệ học trò. Nhiều tác phẩm của ông xuất hiện trong sách giáo khoa, và thậm chí được biên kịch thành phim, nhưng ít ai biết rằng ông dốt văn từ nhỏ, và thật ra lại giỏi các môn tự nhiên hơn.

Sự thật là khả năng viết văn của ông từng lập kỷ lục về điểm số (thấp), chỉ đạt có 0.5/20 điểm. Nhiều bạn bè của Nguyễn Quang Sáng sau này khi nghe tin ông trở thành nhà văn đã đều phải thốt lên,”Thằng Sáng mà cũng viết được văn, kỳ vậy ta?”
Có vẻ như dốt Văn đã nằm trong gen di truyền. Sau này khi họp phụ huynh, ông cũng hay bị giáo viên quở trách, “Ông là nhà văn mà sao con ông viết văn dở ẹc!” Chuyện này xảy ra nhiều lần tới mức ông phải vặn lại, “Con tôi viết văn theo ý cô hay ý nó? Viết theo ý cô thì giỏi, còn theo ý nó thì dở hả?”


Rồi một điển hình khác là Di Li, nữ tác giả của nhiều tiểu thuyết trinh thám ăn khách, đã ký gần chục hợp đồng tái bản, bản quyền sách, chuyển thể phim. Gần đây cô đã công khai học bạ dốt đều các môn của mình, trong đó có môn Văn để động viên các phụ huynh đang quá lo lắng về điểm số của con mình.
Không chỉ ở Việt Nam, mà điều này cũng xảy ra với nhiều nhà văn nước ngoài.
Điển hình là F. Scott Fitzgerald, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển Gatsby Vĩ Đại, từng được chuyển thể thành phim với sự góp mặt của nam tài tử Leonardo DiCaprio. Năm 12 tuổi, nhà văn này từng bị đuổi ra khỏi lớp vì lười làm bài tập. Bên cạnh đó, ông còn mắc chứng khó đọc.
Sau này khi trưởng thành, F. Scott Fitzgerald cũng gặp trắc trở nhiều trong viết lách. Sau khi đọc bản thảo đầu tiên chứa đầy lỗi chính tả của ông, The First Side of Paradise, một nhà phê bình đã nhận xét, “Đây là một trong những cuốn sách thiếu tính văn học nhất từng được xuất bản.”


Nếu tìm hiểu bạn cũng nhiều tấm gương khác tương tự. Chẳng hạn, Agatha Christie, người được mệnh danh là nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng trên thế giới, thuở nhỏ bà cũng phải vật lộn với các môn học trên trường, gặp khó khăn khi phát âm và viết chữ.
Rồi còn nhiều nhà văn tên tuổi khác từng gặp khó khăn khi học hành trên trường như William Faulkner, 2 lần đạt giải Pulitzer (1 giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới cho lãnh vực báo chí và văn học), hay W.B Yeats, từng đạt giải Nobel Văn học năm 1923, v.v…
Ngoài Fususu ra, từng đó “tấm gương” đã đủ để bạn thấy việc viết sách với môn Văn học trên trường là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau chưa? Lý do sâu xa hơn nữa là gì? Hãy cùng đọc tiếp.

Lý do #2 – Không phải cứ viết văn giỏi mới viết được sách.
Bạn còn nhớ ai đó thời học sinh giỏi Văn hơn mình không? Bây giờ họ ra sách chưa?
Rất ít người, thậm chí không có đúng không? Sự thật thú vị mà Fususu phát hiện ra đó là:
Không phải ai giỏi Văn cũng trở thành tác giả, và ngược lại, không phải tác giả nào cũng giỏi Văn.
Nhà văn nổi tiếng Ernest Heminway từng nói, “The first draft of anything is shit.” Tạm dịch: Bản thảo đầu tiên của bất cứ thứ gì đều như… cờ. Do đó, thật ra một cuốn sách hay là một cuốn sách được được viết đi viết lại rất nhiều lần, trong nhiều năm, cho tới khi hoàn thiện.

Bản thân tác phẩm Harry Potter của nữ nhà Văn J.K Rowling nổi tiếng, cũng từng bị từ chối 12 lần bởi các nhà xuất bản. Tương tự, series Chạng Vạng (Twilight) cũng bị từ chối tới 14 lần. Sau mỗi lần từ chối, đương nhiên các tác giả sẽ suy nghĩ, tìm cách cải thiện cho lần sau, tới khi được chấp thuận.
Còn một bài Văn trên trường thì sao?
Bạn không được biết trước đề, cũng không được viết lại, chưa kể phải làm dưới áp lực thời gian ngắn nữa chứ!!! Do vậy nói thật, nếu ai điểm cao Văn, thì một là có năng khiếu trời ban, hai là viết đúng ý người chấm. Thế thôi, chứ không liên quan gì tới viết sách.
Suy cho cùng sách là gì?
Đó là một phương tiện để bạn truyền tải ý tưởng của mình đến với những người mà bạn không thể gặp trực tiếp. Nhờ nắm được bí mật này, mà rất nhiều người đã trở thành tác giả sách bán chạy, mà không cần dùng tới ngôn ngữ bóng lộn của văn chương.

Lý do #3 – Bí mật ít biết của những cuốn sách bán chạy.
Bên cạnh sách truyện tiểu thuyết kinh điển, thì bắt đầu từ thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến sự lên ngôi của một dòng sách phát triển bản thân (Self-help), chia sẻ kinh nghiệm thành bại trong cuộc sống, trong đó không thể không kể đến Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, Nghĩ Giàu Làm Giàu của Napoleon Hill, v.v…
Đặc điểm chung của những cuốn sách self-help bán chạy là cách viết cuốn hút, truyền cảm hứng cho người đọc. Ngoài ra còn một điểm nữa ít biết là nếu bạn mở những cuốn sách trên, để ý phần tôi đóng khung màu đỏ, bạn sẽ thấy tác giả dùng ngôn ngữ hoàn toàn là văn nói, tạo cảm giác như họ đang trò chuyện với bạn.






Đây cũng là điều mà Fususu hay chia sẻ cho các học viên trong khóa học viết sách của mình, đó là 1 tư duy của các tác giả 5 sao, giúp họ tạo ra những cuốn sách thôi thúc hành động mạnh mẽ, giúp thay đổi cuộc đời hàng triệu người:
Cả cuốn sách là cuộc trò chuyện, mỗi chương sách là bài thuyết trình.
Thực ra để tạo ra một cuốn sách học như vậy không khó, chỉ cần bạn có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong một lãnh vực nào đó cụ thể, là đã có thể bắt đầu viết sách về nó được rồi. Trong quá trình viết lách, bạn có thể học hỏi đào sâu thêm, chứ không liên quan gì tới khả năng viết văn thời phổ thông của bạn.
Tóm lại, viết văn dốt không đồng nghĩa với viết sách không tốt!
Mà thật ra nó còn tùy thuộc vào thể loại bạn viết.
Nếu bạn viết sách truyện, tiểu thuyết, thì có thể khả năng viết văn, sử dụng câu chữ bay bổng sẽ ảnh hưởng chút đỉnh, nhưng không quyết định tất cả.
Theo kinh nghiệm Fususu từng tìm tòi học hỏi về tiểu thuyết, và xuất bản 1 cuốn. Tôi thấy nó phụ thuộc vào trí tưởng tượng, khả năng đạo diễn câu chuyện của bạn để dẫn dắt cảm xúc độc giả, chứ viết văn không phải là vấn đề. Bạn có thể tìm đọc 10 bước viết tiểu thuyết theo phương pháp hoa tuyết của Randy Ingermanson.
Còn nếu bạn muốn viết sách học, thì nói thật là bạn chỉ cần có một mong muốn giúp đỡ mọi người, thì cứ hãy hình dung mình đang trò chuyện với độc giả và viết thôi. Bạn có thể tham khảo Blog 7 bước viết sách toàn não bộ Fususu mới đăng hôm trước để biết mình cần bắt đầu từ đâu. Hẹn gặp bạn trên bìa sách của bạn!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày 07/01/2024)
Suy cho cùng, cuộc đời thật đáng sống. Và sẽ là tiếc nếu bạn đã có những trải nghiệm tuyệt vời, mà không thể chia sẻ nó cho người khác. Dù thế nào, bạn luôn có thể cho đi, luôn có thể viết hay hơn, thậm chí xuất bản những cuốn sách truyền cảm hứng cho cả thế hệ.
Từng tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm môn Văn, hiện tôi là tác giả hơn 10 cuốn sách đã xuất bản, 3 trong số đó luôn nằm trong top sách bán chạy nhiều năm với hàng trăm review 5 sao. Nếu tôi làm được, thì bạn cũng có thể.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là phương pháp để biến bất cứ ý tưởng nào (hoặc bản thảo đang dang dở) thành sách 5 sao mà thôi!
ĐỌC THỬ EBOOK » | FREE 52 BÍ QUYẾT » |
Chín bút. Hẹn gặp bạn trong các Blog liên quan...
Wow, hãy là người đầu tiên comment bạn nhé!