small_logo 1735 views
5
(8)

Học Viết Sách Với 7 Bước Viết Lách Toàn Não Bộ...

Thật tiếc nếu bạn đã sống 1 cuộc đời đáng nhớ, mà không để lại 1 cuốn sách đáng đọc. Bạn nghĩ sao hỡi đồng nghiệp tương lai của tôi? Có lẽ vì bạn đồng ý, hoặc có trong đầu một ý tưởng cuốn sách nào đó, nên mới xuất hiện ở Blog nói về học viết sách này đúng không?

Mà sách của bạn vẫn khỏe chứ? Nếu khỏe thì thật là tuyệt. Còn nếu chưa ra đời, thì cũng khó mà trách được bạn. Vì nếu bạn lên Google nhập từ khóa “How many authors in US”, và “How many people in US”, rồi làm một phép tính, bạn sẽ thấy ở Mỹ, thì cứ 10.000 người, may ra mới có 1 người là tác giả, tỉ lệ 0,01% bạn ạ!

Việc học viết sách và trở thành tác giả khó khăn thế đấy.

Tuy nhiên, từ lúc quyết định trở thành chuyên gia đào tạo viết sách vào ngày 15/5 và mở buổi Zoom đầu tiên để chia sẻ 6 bí quyết viết sách, tới nay là hơn 3 tháng 3 tuần, đồng hành với hơn 30 học viên, Fususu đã có thêm 3 đồng nghiệp đầy tự hào, chuẩn bị in cuốn sách đầu tay của họ:

Tác giả Đạt Đinh với sách “Tuổi trẻ, Sống Đừng Quên Cảm Nhận.” Vào thời điểm sắp in đã có hơn 300 đơn đặt sách cùng hàng trăm cảm nhận tích cực của độc giả nhờ bản đọc thử.

Tác giả Hưng Tươi với sách “Làm Bạn Cảm Xúc, Làm Chủ Hạnh Phúc”, cũng đã có hơn 200 đơn đặt trước khi sách giấy xuất bản, bạn có thể đọc thử sách tại đây.

Tác giả Tuyết Tinh Sương (Tuyết Trinh), với sách “Thay Kính Đổi Cách Nhìn” đã được Alpha Books đồng ý xuất bản ngay khi Trinh gửi bản thảo, hiện sách đã được in và sẽ ra mắt độc giả toàn quốc trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, Trinh đã và đang viết cuốn sách tiếp theo.

3/30, có thể nói tỉ lệ 10% tuy không cao đối với những ai thích sự hoàn hảo. Tuy nhiên, đó là một con số đáng khích lệ… so với 0.01% đấy chứ, làm tôi cứ tưởng mở khóa dạy viết sách xong, thì 10.000 người học viết sách, mới có 1 học viên ra sách cơ. Người Việt Nam mình giỏi quá, haha!

Thật ra, đó là còn chưa kể tới nhiều tác giả tương lai khác như Coach Đỗ Thị Mai, Nhà Thơ Xuân Thủy, Huyền LD v.v… cũng đã xong bản thảo hàng chục ngàn chữ, điều đáng nói là trong số đó có bạn từng không tin là mình chỉ nói tốt thôi, còn viết sách thì… (thở dài).

Ngoài ra, tôi cũng rất hâm mộ các tác giả ham học hỏi như Cấn Mạnh Linh (tác giả sách “Tiktok Giành Thiên Hạ”), hay Trúc Lê (tác giả sách “Trúc Nghịch Mùa” sắp ra mắt), v.v… đã bắt tay vào viết cuốn thứ hai, thậm chí bạn Linh gần đây đã xong bản thảo cuốn 2.

Tất nhiên, để ra được những cuốn sách giá trị, bản thân các tác giả đã phải nỗ lực nhiều năm trước đó để tích lũy kinh nghiệm, tôi chỉ góp phần chỉ đường dẫn lối, giúp quá trình ra sách từ ý tưởng tới lúc cầm sách trên tay được suôn sẻ hơn, nhanh chóng hơn, chất lượng hơn.

Và dưới đây là 7 bước viết sách đang được tôi hướng dẫn cho bất cứ ai muốn học viết sách, và đặc biệt là các học viên trong khóa Viết Sách Thực Chiến cùng Fususu. Các bước này được trích dẫn trong sách Viết Sao Cho Hay Sách Sao Bán Chạy, đã được đăng ký bản quyền với cục sở hữu trí tuệ.

7 bước này được tôi đúc rút tổng hợp từ các tiểu thuyết gia, các nhà vô địch thuyết trình thế giới, và cả các đạo diễn Hollywood, kết hợp với 10 năm viết lách, và xuất bản tới 7 cuốn sách trong 6 năm qua. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng để thấy việc học viết sách trở nên dễ dàng hơn.

Học viết sách Bước #1 - Mô tả sách trong 3 câu

Học viết sách bước #1 – Mô tả sách trong 3 câu

Nhà khoa học Albert Einstein từng nói, “Nếu bạn không thể giải thích vấn đề cho một đứa bé 6 tuổi, thật ra bạn chẳng hiểu gì cả.” Fususu tôi cũng có câu, “Nếu bạn không thể mô tả sách trong 3 câu, thật ra bạn chẳng hiểu gì về… chính cuốn sách của bạn.”

Học viết sách là bạn đang học cách truyền đạt ý tưởng của mình đến với mọi người. Nếu bạn ghi 3 câu này lên bìa sách, thì không chỉ nhà xuất bản, công ty phát hành sách, và ngay cả độc giả cũng có thể dễ dàng giới thiệu sách của bạn đến với bạn bè họ.

Vậy sách của bạn sẽ giúp ích cho những ai? Giúp họ cụ thể như thế nào? Và nó có gì khác biệt? Đó là 3 câu hỏi gợi ý cơ bản giúp bạn tạo ra 3 câu mô tả sách, và cũng là tiền đề cho bước viết sách tiếp theo, mà khi hoàn tất nó, bạn sẽ có một nguồn cảm hứng dạt dào.

Học viết sách Bước #2 - Đặt tên sách ấn tượng

Bước #2 – Đặt tên sách ấn tượng

Người ta vẫn hay đặt tên cho con trước khi nó chào đời, vậy tại sao bạn không đặt tên cho sách trước khi nó được viết ra? Nghe thật lạ, song đây là điều bạn nên làm sau khi đã mô tả được cuốn sách của mình, sau khi bạn đã có một bức tranh rõ ràng về cuốn sách.

Bộ não rất thích những gì cụ thể. Việc bạn nghĩ, “Tôi sẽ viết một cuốn sách” sẽ rất khác so với việc bạn nghĩ, “Tôi sẽ viết một cuốn sách tên là X”. Đó là lý do Fususu hay nói với học viên của mình, “Đích đến rõ ràng, bước đi dễ dàng.”

Hơn nữa, sau khi có tên sách, bạn có thể bắt đầu thiết kế bìa sách, in ra, dán ở góc làm việc, và biến nó trở thành một kích hoạt đầy cảm hứng, nhắc nhở bạn dành thời gian cho ước mơ mỗi ngày, trước mọi việc khác, trước khi trì hoãn xuất hiện.

Làm sao để có tên sách ấn tượng? Cách nhanh nhất là bạn lên Amazon hoặc Tiki, hay các trang bán sách, tìm tới mục sách bán chạy và tham khảo các cái tên, sau đó đảm bảo bạn sẽ có rất nhiều ý tưởng cho tên sách của mình đấy.

Học viết sách Bước #3 - Lời chia tay sâu sắc

Học viết sách bước #3 – Lời chia tay sâu sắc

Nhiều người người khi viết sách, thường bắt đầu viết phần lời mở đầu trước, và đó là lý do hầu hết mọi người cũng chỉ dừng lại ở phần mở đầu. Tại sao tôi biết ư? Vì tôi cũng đã từng như vậy, và viết mãi 5 năm mới chỉ suýt xong cái phần mở đầu!!!

Bộ não của bạn có một sở thích là điền vào…

Bạn có thắc mắc não mình thích điền vào cái gì không?

Đó chính là khoảng trống. Bạn vừa điền vào khoảng trống bên trên bằng câu hỏi trên đúng không?

Các học viên học viết sách theo phong cách Fususu đều bắt đầu cuốn sách của họ từ phần kết, phần tổng hợp thông điệp cốt lõi của cuốn sách. Vì khi bạn bắt đầu từ phần kết, bộ não như có một cái đích đến rõ ràng, nó sẽ bắt đầu hoạt động, và tìm mọi ý tưởng minh họa cho các thông điệp bạn muốn truyền tải.

Bạn muốn sau khi gập sách lại, điều mà độc giả sẽ ghi nhớ nhất là gì?

Hãy bắt đầu từ phần kết, và mọi việc sẽ suôn sẻ hơn. Thật đấy!

Bước #4 - Lời mở đầu ấn tượng

Bước #4 – Lời mở đầu ấn tượng

Học viết sách từ Fususu ngộ nghĩnh nhỉ, tạo bìa sách, viết lời kết chán chê rồi mới bắt đầu… viết lời mở đầu. Tuy thế, đằng sau ấy là những nguyên lý của khoa học hành vi đấy. Bạn đừng quên Fususu là một trong những học trò Việt Nam đầu tiên của giáo sư Bj Fogg, ĐH Stanford, tác giả cuốn sách bán chạy Tiny Habits.

Sau khi có phần mở và phần kết, bạn sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong não bộ. Và rồi, bộ não thiên tài của bạn bắt đầu điền vào chỗ trống, bắt đầu hình dung ra được sẽ có những gì để kết nối hai phần này lại với nhau, giống như là chúng ta một cây cầu vậy!

Ở phần này, bạn cần tạo ấn tượng cho độc giả, truyền cảm hứng cho họ đọc hết cuốn sách. Cách nhanh nhất là bạn sử dụng câu chuyện, đơn giản là chia sẻ chính hành trình mà bạn đã trải qua để cho ra đời cuốn sách này, cũng như những kiến thức trong sách đã giúp bạn ra sao, và sẽ giúp độc giả thế nào.

Học viết sách Bước #5 - Mô tả từng chương

Học viết sách bước #5 – Mô tả từng chương

Tin tôi đi, sau khi đã trải qua 4 bước trên, thì bức tranh về cuốn sách sẽ trở nên rất rõ ràng. Lúc này, bạn đã sẵn sàng cho công đoạn quan trọng nhất: Cấu trúc sách, tạo mục lục. Tại sao nó quan trọng? Vì đây giống như là một tấm bản đồ giúp bạn không bị lạc đường trong quá trình viết, và cũng giúp độc giả dễ theo dõi.

Tùy từng loại sách mà sẽ có cấu trúc khác nhau, song có 1 nguyên tắc chung giúp bạn tạo ra bản đồ hiệu quả. Đó là nguyên tắc xuất phát từ tâm. Đây là 3 câu hỏi vàng giúp bạn tạo bản đồ viết sách. Bạn có thể áp dụng nó cho cả cuốn sách, hoặc cho mỗi chương trong sách.

1) Bạn muốn nói với độc giả những điều gì?
2) Để đọc giả tin vào những điều đó họ cần biết những gì?
3) Tại sao bạn tin vào những điều mà bạn đang biết?

Tư duy của tác giả 5 sao là giúp người đọc hiểu được những gì bạn đang hiểu, tin những điều bạn đang tin, làm những điều bạn đang làm, và tạo ra kết quả mong muốn. Và 3 câu hỏi trên sẽ giúp bạn đào sâu vào những trải nghiệm của mình, từ đó giúp độc giả bắt đầu có góc nhìn giống bạn.

Trong khóa học thực chiến với nhiều thời gian hơn, Fususu sẽ phân tích kỹ cho bạn từng thể loại sách, và cách kết cấu chúng sao cho hiệu quả nhất, thậm chí có cả Template viết sách, bạn chỉ cần điền vào chỗ trống, trả lời câu hỏi chi tiết hơn là ra bản đồ sách ưng ý.

Bước #6 - Viết gối đầu

Bước #6 – Viết gối đầu

Làm sao bạn có thể có kho báu nếu chỉ trưng bày tấm bản đồ trên tủ kính, mà chẳng bao giờ chịu bắt đầu hành trình? Ước mơ vẫn mãi chỉ là mơ ước nếu bạn không bắt tay vào hành động mỗi ngày. Nên ở bước này, bạn đơn giản là triển khai các ý ở phần mô tả từng chương thành sách thôi.

Có bao giờ bạn đang viết mà bí ý tưởng không? Kỹ thuật viết gối đầu sẽ giúp bạn khắc phục điều đso.

Viết gối đầu là gì? Đơn giản là trước khi viết chương mới, bạn hãy đọc lại chương cũ, thậm chí chỉnh sửa lại một chút. Giống như vận động viên Olympic trước khi bắt đầu thi đấu, họ cần khởi động. Bạn có thể coi đây như một cách làm nóng bộ não, giúp bạn tạo đà viết tiếp.

Đặc biệt, đôi khi bạn chỉ cần dành 30 giây mở bản thảo là đủ, hãy xem tác giả Tuyết Tinh Sướng nói gì về bí mật thú vị này…

10s 00:00 / 00:00
x1
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .
Học viết sách Bước #7 - Viết, viết nữa, đừng viết mãi

Học viết sách Bước #7 – Viết, viết nữa, đừng viết mãi

Mỗi ngày viết một chút, một chút, kiên trì khoảng 2-3 tháng, thường bạn sẽ ra được bản thảo đầu tiên. Sau đó phải làm gì tiếp theo?

Tác giả nổi tiếng Ernest Hemingway từng nói, “The first draft of anything is shit.” Tạm dịch: Bản thảo đầu tiên của bất cứ thứ gì đều như c*t. Thế nên, ông viết đi viết lại sách của mình nhiều lần, cho tới khi hoàn thiện.

Tương tự, sau khi viết xong bản thảo đầu tiên, bạn hãy cho phép mình nghỉ ngơi khoảng 1 tuần để “tách rời” ra khỏi bản thảo, sau đó bạn quay trở lại viết lại từ đầu thôi. Bài nói hay nhất là bài nói được nói đi nói lại nhiều lần nhất, cuốn sách hay nhất cũng vậy thôi!

Và hãy yên tâm là khi viết lại, sửa lại, thường sẽ nhanh hơn rất nhiều so với lúc bạn viết bản thảo lần 1. Nếu lần 1 mất 2 tháng, thì lần 2 có thể chỉ mất 6 tuần, lần 3 là 4 tuần, lần 4 là 2 tuần, lần 5 là 1 tuần, lần 6, lần 7 chỉ vài ngày. Vì về nguyên tắc, bạn càng viết đi viết lại, sách càng hoàn thiện mà!

Và tất nhiên là không có gì hoàn hảo, nên Fususu thường viết đi viết lại sách khoảng 7 lần (tầm 9 tháng 10 ngày) rồi xuất bản thôi. Nếu có phát hiện ra sai sót… thì lấy đó làm động lực năm sau tái bản. Hoàn thành đi trước, hoàn hảo tiếp bước mà bạn!

7 bước viết sách toàn não bộ, bản quyền Fususu

Vậy là bạn đã nắm được 7 bước viết sách toàn não bộ, đã giúp Fususu ra sách mỗi năm một cuốn, và cũng đã giúp nhiều đồng nghiệp của Fususu hoàn thiện cuốn sách của họ nhanh hơn, chất lượng hơn.



Mong tin tốt lành!

Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )

Bạn cảm thấy sao?

5 / 5. Bình chọn: 8

Hãy là người đầu tiên

Share vui sẻ sướng...

Thật ư?

Thế giới cần những người như bạn!

Làm sao để bài viết này hay hơn?

Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa học viết sách hoặc học viết sách fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

4 thoughts on “Học Viết Sách Với 7 Bước Viết Lách Toàn Não Bộ


Wow, đã có (4) Awesome Comments!



  1. Biết ơn Thầy Phương đã chia sẻ 7 Bước Viết Lách Toàn Não Bộ tại buổi Zoom của học viện Ai trong buổi tối ngày hôm nay. Kính chúc Thầy luôn thật nhiều sức khỏe, để ngày càng giúp đỡ được nhiều tới cộng đồng!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *