10957 views
|
10 Bước Viết Tiểu Thuyết Với Bí Kíp Snowflake...
Đã bao giờ bạn kể chuyện mà mọi người ở dưới lắng nghe chăm chú chưa? Dù có hay chưa thì bạn cũng không nên cạnh tranh với tôi những năm 2013. Lúc đó, dù từng tốt nghiệp với 4 điểm Văn, nhưng tôi vẫn học đòi viết tiểu thuyết và còn kể nó với mọi người, hậu quả là tôi đã có những trải nghiệm đau đớn.
Tôi còn nhớ mãi hôm ấy dạy kỹ năng cho một lớp 50 học sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Lúc cuối giờ còn ít thời gian rảnh, tôi tranh thủ đọc trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết mình đang viết dở. Sau 30 giây kể chuyện, cả lớp bắt đầu nhao nhao nói chuyện riêng, chỉ có duy nhất một bạn chú ý!
Sự nghiệp viết tiểu thuyết của tôi tạm dừng thế nào?
Sau đó, tôi không bỏ cuộc, tôi vẫn miệt mài viết tiểu thuyết và khoảng 1 năm sau thì bản thảo đầu tiên đã được hoàn tất. Tôi đã hào hứng gửi nó tới một nhà xuất bản, cũng là một công ty phát hành có tiếng. Mặc dù cũng có quen biết với cả chị giám đốc bên đó hẳn hoi, song sau một thời gian xét duyệt, họ vẫn từ chối.
“Sách của bạn rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc, vì thể loại này hơi lạ.”
Không bỏ cuộc là tốt, song đôi khi bạn vẫn cần một khoảng dừng. Mỗi lần viết tiểu thuyết thời gian đều tính bằng nhiều tháng (mà tôi lại sắp thất nghiệp) nên lúc ấy tôi đã đặt dấu chấm cho sự nghiệp viết tiểu thuyết của mình, và chuyển sang viết sách chia sẻ kinh nghiệm (sách học).
Năm 2015, tôi xuất bản cuốn sách đầu tay Numagician và nó đã lọt top sách bán chạy. Sau đó là 21 Cách Học Tiếng Anh Du Kích, và Thay Thói Quen Đổi Cuộc Đời, hiện vẫn thường xuyên nằm trong top sách bán chạy trên Tiki. Tôi nghĩ mình hợp với viết sách học, sách giúp người ta học được một thứ gì đó, hơn là tiểu thuyết.
Hành trình viết tiểu thuyết lại bắt đầu!
Năm 2019, tôi phát hiện ra một điều thú vị khi đọc lại cuốn sách sách nói về cách viết tiểu thuyết của Randy Ingermanson, cha đẻ của phương pháp viết tiểu thuyết Snowflake, đã giúp ông xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết đạt giải, giúp hàng chục ngàn tiểu thuyết gia thành công trên thế giới.
Điều thú vị đó là do trình độ tiếng Anh của tôi lúc ấy đã khác, giúp tôi nhận ra mình đã bỏ sót rất nhiều chi tiết hay trong lần đọc trước đây, thậm chí đã áp dụng sai nhiều chỗ (có lẽ đó là lý do NXB từ chối). Nhờ thế mà tôi hăm hở viết lại một lần nữa cuốn tiểu thuyết dang dở khi xưa, con chữ cứ thế tuôn trào.
Đầu năm 2020, đèn đã bật, tôi đã xuất bản được cuốn tiểu thuyết đầu tay: Bật Đèn.
Tôi đơn giản coi nó là một lời hứa khi xưa cần thực hiện, và việc viết tiểu thuyết cũng rất thú vị, tôi đã có những khoảng thời gian thư giãn, nên cũng không có quảng cáo hay mong nó bán chạy gì cả. Ấy vậy mà gần đây, tự nhiên Tiki thông báo Bật Đèn nằm trong top đầu trong danh sách 1000 truyện giả tưởng, phiêu lưu, huyền bí bán chạy.
Chưa kể là tôi nhận được những phản hồi rất tích cực về sách, trong đó tôi ấn tượng một chị có chia sẻ trên Tiki rằng chị rất ngạc nhiên khi bé nhỏ nhà mình lần đầu tiên đọc hết một cuốn sách hơn 500 trang chỉ trong 2 ngày, sau đó còn đòi mẹ mua tiếp tập 2.
Nếu một người từng tốt nghiệp 4 điểm Văn, và từng nghĩ nghiệp viết tiểu thuyết của mình sẽ không bao giờ thành như tôi có thể làm được, thì bạn cũng có thể. Hãy thử áp dụng cách viết tiểu thuyết Snowflake này, và bạn sẽ thấy mọi thứ đều có thể, vấn đề là phương pháp!
Hôm trước, trong lúc tìm lại phần mềm Snowflake của Randy để giúp tôi viết tiếp phần 2 của Bật Đèn, tôi được biết Randy hiện đang cho tải miễn phí phần mềm này cho các độc giả của ông (thông tin cuối Blog). Tôi đã gửi thư cảm ơn Randy, và được ông cho phép lược dịch bài viết 10 bước Snowflake cực kỳ giá trị bên dưới tặng bạn.
Trong viết tiểu thuyết với Snowflake thì điều gì là quan trọng nhất?
Một cuốn tiểu thuyết hay không phải tự nhiên sinh ra, mà nó được “thiết kế”. Bạn có thể làm phần thiết kế trước rồi mới bắt tay vào viết tiểu thuyết, hoặc bạn viết tiểu thuyết trước rồi sau đó chỉnh sửa lại. Randy đã làm cả hai và nhận ra nếu bạn “thiết kế” trước thì kết quả sẽ tốt hơn và cũng tiết kiệm thời gian hơn.
Tạo ra bản thiết kế cho tiểu thuyết là một công việc rất khó nếu bạn không có những chỉ dẫn đúng đắn. Câu hỏi thiết yếu ở đây là: Làm sao để bạn “thiết kế” được một cuốn tiểu thuyết? Hãy đến với một thí nghiệm, bạn nghĩ liệu mình có thể vẽ được hình hoa tuyết (snowflake) dưới đây với nhiều chi tiết tỉ mỉ như thế không?
Trong nhiều năm, Randy là một kỹ sư phần mềm, chuyên tham gia các dự án phần mềm lớn vô cùng lớn. Kết hợp với niềm đam mê tiểu thuyết, ông phát hiện ra rằng việc viết tiểu thuyết cũng tương tự như viết phần mềm, đều có thể sử dụng phương pháp hoa tuyết (snowflake) này. Đó là gì vậy? Hãy nhìn hình dưới trong một vài giây.
Bạn thấy đấy, nếu biết cách thì việc tự vẽ tay bông hoa tuyết phức tạp trên cũng không khó lắm. Bản chất là bạn bắt đầu từ một hình tam giác đơn giản ban đầu, sau đó thêm vào các hình tam giác khác đan xen vào một cách thích hợp, cứ thế kiên trì làm vậy kiểu gì cũng thành hình.
Randy khẳng định với bạn rằng viết tiểu thuyết hay thiết kế ra cả một tác phẩm lớn cũng tương tự. Bạn khởi đầu nhỏ, sau đó thêm thắt vào các tình tiết và câu chuyện sẽ dần hình thành. Sự sáng tạo vẫn là của bạn, chỉ là những con chữ sẽ được tuôn sẽ tìm được vị trí của nó trong một cấu trúc chắc chắn.
Nếu giống hầu hết mọi người, có thể bạn đã dành rất nhiều thời gian nghĩ về cuốn tiểu thuyết của mình trước khi bắt tay vào viết nó. Bạn có thể đã nghiên cứu về chủ đề mình định viết, hay suy nghĩ câu chuyện sẽ diễn ra thế nào, các nhân vật sẽ nói gì với nhau, rồi thông điệp sâu sắc mà bạn định gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết là gì, v.v…
Việc viết tiểu thuyết thì mỗi người mỗi khác, nên Randy giả định rằng bên trong bạn đã có sẵn một câu chuyện tuyệt vời. Và trước khi viết tiểu thuyết hàng trăm trang, bạn nên có một bản thiết kế. Bởi vì trí nhớ là thứ không đáng tin tưởng, nếu bắt tay vào viết tiểu thuyết ngay, sẽ có rất nhiều lỗ hổng. Vì thế mà Randy đã khám phá ra 10 bước vừa giúp bạn thiết kế tiểu thuyết, vừa giúp bạn kích thích sự sáng tạo tối đa!
Bước 1 viết tiểu thuyết: Tóm truyện trong một câu
Hãy dành một giờ để viết ra một câu có thể tóm lại cả cuốn tiểu thuyết của bạn. Giống như trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Randy, một câu đó là: “Một nhà vật lý du hành ngược thời gian để giết giáo đồ Paul.”
Câu tóm gọn này rất quan trọng, nó giống như một công cụ giúp bạn giới thiệu cuốn tiểu thuyết của mình tới bất cứ ai chỉ trong 10 giây. Nó giống như là hình tam giác đầu tiên trong mô hình snowflake bạn thấy bên trên.
Sau này, khi bạn giới thiệu tiểu thuyết của mình cho nhà xuất bản, thì câu chốt này cũng sẽ xuất hiện rất sớm trong bản giới thiệu, tạo ấn tượng với mọi người từ biên tập viên, đội ngũ đánh giá, cho tới chủ tiệm sách, và cuối cùng là độc giả. Nên trước khi viết tiểu thuyết, hãy tạo ra một câu chốt tốt nhất có thể.
Một vài gợi ý để có câu chốt hay:
1) Càng ngắn càng tốt. Dưới 15 chữ thì tốt (đó là với tiếng Anh, còn với tiếng Việt Fususu thấy dưới 30 chữ là ok)
2) Không cần có tên nhân vật. Thay vì “Jane Doe” hãy viết “một nghệ sĩ đu xà tàn tật”.
3) Nhân vật nào trong tiểu thuyết của bạn có nhiều thứ để mất nhất? Và điều mà họ muốn nhất là gì?
Viết ra câu chốt hay cho tiểu thuyết của bạn cũng là một nghệ thuật, bạn có thể tham khảo các câu tóm tắt sách trong top sách bán chạy New Your Times.
Bước 2 viết tiểu thuyết: Tóm truyện trong một đoạn
Hãy dành thêm một giờ nữa để biến câu chốt đó thành một đoạn miêu tả rõ hơn về câu chuyện: Bối cảnh thế nào? Các tình tiết chính? Và kết thúc ra sao? Đây chính là công đoạn hai trong mô hình hoa tuyết.
Randy rất thích cấu trúc “tam đoạn”. Trong câu chuyện sẽ có 3 thảm họa (một điều gì đó cản trở mục tiêu của nhân vật chính), mỗi thảm họa chiếm 1/4 cuốn tiểu thuyết, và cuối là kết thúc. Nếu bạn cũng tin tưởng cấu trúc này, thì có thể chia sách làm 3 Act.
Từ đầu tới cuối Act 1 là giới thiệu bối cảnh, nhân vật, và kết thúc bằng một “thảm họa”, điều gì đó xảy ra ở bên ngoài khiến cho nhân vật không thể đạt được mục tiêu của mình, nhân vật đã làm gì đó dẫn tới hậu quả là thảm họa tiếp theo ở giữa Act 2, và dẫn sang Act 3.
Randy khuyên bạn nên để thảm họa đầu tiên là do hoàn cảnh bên ngoài, còn hai thảm họa sau đó là hệ quả của việc nhân vật chính cố gắng khắc phục hậu quả, và khiến cho mọi việc ngày càng trở nên tồi tệ, thế nên mới có chuyện hay để kể, ha ha.
Nếu nhà xuất bản hỏi bạn tiểu thuyết của bạn nói về cái gì, thì bạn có thể gửi cho họ đoạn giới thiệu này. Lý tưởng nhất là có 5 câu:
1) Mô tả bối cảnh câu chuyện, nhân vật, mục tiêu.
2) 3) 4) Mỗi câu mô tả một thảm họa nào đó.
5) Mô tả phần kết.
Một lưu ý là bạn đừng nhầm lẫn đoạn tóm truyện này với phần giới thiệu đằng sau bìa sách. Đoạn này tóm tắt toàn bộ câu chuyện một cách chân thực nhất để bạn hiểu câu chuyện của mình, còn bìa sau sách thường chỉ tóm phần đầu tiên, và viết để khơi gợi sự tò mò của độc giả.
Bước 3 viết tiểu thuyết: Mô tả nhân vật
Sau các bước trên, bạn đã có một bức tranh tổng quan về cuốn tiểu thuyết của mình. Bước viết tiểu thuyết tiếp theo là bạn cần có bức tranh tổng quan về mỗi nhân vật.
Nhân vật là yếu tố quan trọng nhất trong tiểu thuyết, bạn càng đầu tư nhiều thời gian để thiết kế họ tỉ mỉ, thì bạn càng tiết kiệm nhiều thời gian khi bắt tay vào viết tiểu thuyết của mình.
Với mỗi nhân vật chính, Randy khuyên bạn hãy dành một giờ dể viết một bản mô tả tóm tắt về họ, bao gồm:
1) Tên nhân vật
2) Một câu tóm tắt về nhân vật.
3) Động lực. Mục đích hay mong muốn của họ là gì? (thường là những thứ trừu tượng: hạnh phúc, giàu có, v.v..)
4) Mục tiêu. Họ muốn đạt kết quả nào cụ thể, nhìn thấy được?
5) Mâu thuẫn. Điều gì ngăn cản họ đến với mục tiêu?
6) Sự thay đổi. Khi tới hồi kết, nhân vật sẽ học được gì hay thay đổi ra sao?
7) Một đoạn tóm tắt về nhân vật (5 câu).
Lưu ý quan trọng: Sau phần này, bạn có thể sẽ quay lại bước 1 và 2 để sửa lại câu chuyện. Không sao cả, điều này có nghĩa là chính nhân vật trong truyện đang gợi ý cho bạn những gì thực sự diễn ra. Việc quay lại các bước trước để chỉnh sửa và hoàn thiện hơn là tất yếu. Mọi chỉnh sửa bạn thực hiện ở những bước đầu này, sẽ giúp bạn tiết kiệm cả tấn thời gian khi phải chính sửa bản thảo 400 trang sau này!
Một lưu ý quan trọng khác: Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo. Mục đích của mỗi bước trong quy trình này, là giúp bạn tiến tới bước sau và hoàn tất bản thảo đầu tiên của bạn càng nhanh càng tốt. Bạn luôn có thể quay lại một bước nào đó để hoàn thiện cho câu chuyện hay hơn. Và chắc chắn bạn sẽ như thế, trừ khi bạn thông minh hơn Randy, thì sẽ ít phải chỉnh sửa nhiều.
Bước 4 viết tiểu thuyết: Tóm truyện trong 1 trang.
Thường tới bước này, bạn sẽ nắm được cấu trúc chung của cuốn tiểu thuyết của mình, mà chỉ cần đầu tư 1-2 ngày, cùng lắm là một tuần. Và bạn sẽ tránh được tới 500 giờ chỉnh sửa lại bản thảo đầu tiên mệt mỏi khi không có bản thiết kế này.
Ở bước này, bạn hãy tiếp tục mở rộng mỗi câu trong 5 câu ở bước trước thành một đoạn dài hơn. Ở cuối mỗi đoạn kết thúc bằng một thảm họa. Và đoạn cuối cùng sẽ mô tả phần kết. Đây là phần rất thú vị, và sau khi xong bạn sẽ có 1 trang tóm tắt toàn bộ cuốn tiểu thuyết của mình (khoảng 400-500 chữ).
Nếu bạn vượt quá một trang thì cũng không sao cả, điều quan trọng nhất là bạn đã biến những ý tưởng của mình trở thành câu chuyện cụ thể, các mâu thuẫn được phát triển. Và với bản mô tả một trang này, bạn có thể tự tin giới thiệu nó cho các nhà xuất bản (thật ra thì có một thứ hay hơn bạn có thể gửi cho họ).
Bước 5 viết tiểu thuyết: Tóm nhân vật trong 1 trang.
Hãy dành 1 tới 2 ngày tiếp theo để viết ra một trang mô tả câu chuyện của mỗi nhân vật chính, và nửa trang mô tả cho mỗi nhân vật phụ. Hãy nhớ, dù là anh hùng hay phản diện, ai cũng muốn là nhân vật chính trong câu chuyện của mình, nên bất cứ nhân vật nào xuất hiện trong tiểu thuyết của bạn cũng đều cần có một câu chuyện riêng của họ.
Và phần tóm truyện của mỗi nhân vật này sẽ kể cho bạn nghe cuốn tiểu thuyết theo góc nhìn của nhân vật đó. Một lần nữa, hãy cảm thấy thoải mái sau khi thực hiện xong phần này, mà bạn phải quay lại để chỉnh sửa tiếp các phần ở bước trước.
Randy rất thích phần này, vì các nhân vật sẽ thường tiết lộ cho bạn biết những điều thú vị, giúp cho câu chuyện của bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Thường thì Randy sẽ gửi phần này cho nhà xuất bản, vì ông biết những biên tập viên rất thích phần mô tả xoay quanh nhân vật cụ thể, nhiều hơn là mô tả chung chung câu chuyện của bạn.
Bước 6 viết tiểu thuyết: Tóm truyện trong 4 trang.
Tới bước này, bạn đã có một cấu trúc khá chắc chắn với nhiều tuyến chuyện của mỗi nhân vật. Bây giờ hãy dành một tuần để phát triển phần tóm truyện 1 trang của bạn thành 4 trang. Cũng không khó lắm đâu!
Về cơ bản là bạn sẽ phát triển mỗi đoạn ở bước 4 thành một trang mà thôi. Đây là phần rất thú vị, vì bạn sẽ khám phá ra sự logic của câu chuyện ở một tầng cao hơn, cũng như đưa ra các quyết định mang tính mấu chốt.
Chắc chắn tới bước này, bạn sẽ muốn quay trở lại để chỉnh sửa và hoàn thiện tiếp những gì ở bước trước đó, vì bạn đã có sự hiểu biết rất sâu sắc về chính câu truyện của mình, cũng như các ý tưởng đột phá sẽ xuất hiện!
Bước 7 viết tiểu thuyết: Xây dựng từ điển nhân vật
Hãy dành thêm một tuần nữa để làm một bản mô tả chi tiết về mọi thứ mà bạn biết về mỗi nhân vật. Từ ngày tháng năm sinh, ngoại hình, xuất thân, động lực, mục tiêu… và quan trọng nhất là nhân vật này sẽ thay đổi ra sao khi tới cuối truyện.
Đây là phần mở rộng của bước 3, và nó sẽ giúp bạn khám phá rất nhiều thứ về nhân vật của mình. Và bạn sẽ một lần nữa, có thể phải quay lại bước từ 1-6 để chỉnh sửa hoàn thiện. Vì lúc này, nhân vật đã trở nên “rất thật”, và bắt đầu hình thành tính cách, và có thể tự đưa ra quyết định (thay cho bạn!!!) trong cuốn tiểu thuyết.
Điều này rất tốt, vì một cuốn tiểu thuyết hay thường được dẫn dắt bởi nhân vật (không ai có thể đoán được quyết định của họ, kể cả bạn). Hãy dành càng nhiều thời gian cho phần này càng tốt, vì bạn đang giúp mình tiết kiệm thời gian trong tương lai.
Sau khi hoàn thành bước 7 này (thường là 1 tháng kể từ bước 1), bạn đã có đầy đủ mọi thứ để có thể gây ấn tượng với nhà xuất bản. Nếu bạn đã xuất bản vài cuốn trước đó, bạn sẽ có thể tự tin viết một bài giới thiệu và “bán” tiểu thuyết của mình cho độc giả ngay trước khi bạn hoàn thành.
Còn nếu bạn là tác giả mới, thì nên bắt tay vào viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay đã. Trời ơi, mất công vậy ư? Cuộc sống vốn mất công bằng mà, và trong lãnh vực viết tiểu thuyết thì lại càng mất công bằng như thế đấy, ha ha.
Bước 8 viết tiểu thuyết: Danh sách phân cảnh
Có thể nguồn cảm hứng dâng trào đã khiến bạn bắt tay vào viết tiểu thuyết chi tiết tới từng chữ ở các bước trên rồi. Randy khuyên bạn nên thực hiện bước này để cho bản thảo đầu tiên được suôn sẻ hơn. Đó là bạn hãy lấy phần tóm truyện trong 4 trang ở bước 6, và tạo ra một danh sách các phân cảnh trong truyện.
Hiệu quả nhất là bạn tạo ra một file Excel, mà mỗi dòng là một phân cảnh. Cột đầu tiên là POV (Point of View), tức là góc nhìn của nhân vật, trong phân cảnh đó ai sẽ là người chứng kiến, nhân vật nào đang kể lại. Cột thứ hai là nội dung cảnh phân cảnh, mô tả điều gì diễn ra. Cột tiếp theo bạn có thể là thông tin như số trang dự kiến.
Thường thì danh sách của Randy có khoảng 100 dòng, mỗi dòng là 1 phân cảnh. Trong lúc viết tiểu thuyết chi tiết, Randy thường xuyên cập nhật tình hình thực tế vào đây. Điều này sẽ rất hữu ích cho quá trình phân tích câu chuyện sau này. Thường sẽ cần khoảng 1 tuần để xong danh sách này, và sau đó bạn có thể thêm cột phân chia số chương.
Bước 9 viết tiểu thuyết: Lên kế hoạch cho phân cảnh
Với mỗi một phân cảnh trong danh sách ở bước 8, bạn hãy viết một đoạn mô tả cho cho cảnh đó. Bạn có thể ghi chú vào đây những ý tưởng câu thoại hay của nhân vật, liệt kê ra những mâu thuẫn trong đoạn đó. Nếu không có mâu thuẫn, bạn nên đầu tư thêm hoặc la cắt bỏ phân cảnh đó. Vì xung đột là nguyên liệu làm nên sự hấp dẫn của mọi trang sách.
Nếu bạn đã đọc sách của Randy hoặc sử dụng phần mềm Snowflake, bạn sẽ biết thêm thường có hai loại phân cảnh, đan xen nhau trong tiểu thuyết, giúp người đọc lật trang liên tục.
Phân cảnh chủ động gồm: Mục tiêu, Xung đột, Thất bại.
Phân cảnh phản ứng: Phản ứng, Khó xử, Quyết định.
Không có tiêu chuẩn nào về số lượng chữ trong một phân cảnh, nó có thể có vài trăm chữ cho tới 5000 chữ, song Randy thường để khoảng 1000 chữ cho một phân cảnh. Chi tiết cách thiết kế phân cảnh thế nào cho hiệu quả bạn hãy đọc sách của Randy sẽ nắm rõ hơn nhé.
Bước 10 viết tiểu thuyết: Bắt tay vào viết chi tiết
Ở bước này, đơn giản là ngồi xuống và bắt tay vào viết chi tiết bản thảo đầu tiên của bạn. Đảm bảo bạn sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì tốc độ những con chữ cứ thế tuôn ra ào ào đấy.
Randy từng thấy những tiểu thuyết gia tăng tốc gấp 3 lần ngay sau một đêm, mà vẫn tạo ra những bản thảo đầu tiên chất lượng hơn nhiều lần những bản thảo được viết tới 3 lần trước đây, mà không có bản thiết kế nào.
Có thể bạn nghĩ tạo ra bản thiết kế như vậy sẽ bóp chết sự sáng tạo vào lúc này. Điều sẽ không xảy ra, trừ khi bạn đã cố gắng mô tả quá chi tiết ở các bước trước. Bước 10 này sẽ là bước thú vị nhất, bởi vì có rất nhiều tình huống nhỏ cần giải quyết.
Làm sao nam anh hùng của chúng ta có thể thoát khỏi cái cây đang bị bao vây bởi lũ cá sấu, để có thể cứu nữ chính trên con thuyền đang bốc hỏa, thì bước 10 này là nơi bạn tìm ra cách. Nó vẫn sẽ sáng tạo vì dù bạn biết kết cục chung, nhưng bạn vẫn cần giải quyết những vấn đề nhỏ, và đó cũng là lý do bạn sẽ viết rất nhanh!
Randy từng nghe rất nhiều tiểu thuyết gia phàn nàn về việc bản thảo đầu tiên khó ra sao, vì đơn giản là họ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đời quá ngắn để viết theo kiểu đó, chẳng có lý do gì mà bạn dành 500 giờ viết lách theo kiểu lang thang trên trang giấy để ra bản thảo đầu tiên, trong khi đó chỉ cần dành 100 giờ để tạo ra bản thiết kế, và sau đó 50 giờ để viết nhanh vù vù.
Khi viết tới giữa bản thảo, Randy hay nghỉ một chút và dành thời gian quay lại chỉnh sửa những phần cần sửa ở các bước trước. Vì bản thiết kế không hoàn hảo, mục đích của nó là để tiếp năng lượng cho bạn hoàn thiện cuốn tiểu thuyết. Nếu bạn đi đúng đường, thì tới cuối bản thảo, bạn sẽ có thể phải bật cười vì không ngờ cái bảo thảo gốc nó amateur đến thế, và bạn sẽ ngạc nhiên vì sự sâu sắc của câu chuyện khi hoàn thành trong thực tế!
Cách viết tiểu thuyết với Snowflake sẽ giúp bạn như thế nào?
Bạn đang bế tắc với bản thảo kinh khủng đầu tiên và có vẻ vô vọng? Hãy thử dành 1 giờ để tóm câu chuyện của bạn trong một câu. Nó có giúp bạn rõ ràng hơn không? Bạn đã xong bước 1 và chỉ mất có 1 giờ. Sao không thử các bước tiếp theo của cách viết tiểu thuyết này để xem câu chuyện của bạn sống lại? Bạn đâu còn gì để mất, ngoài một bản thảo mà bạn đã vốn không thích?
Bạn là tiểu thuyết gia theo phong cách đặt bút là ra chữ? Bạn đã viết xong và đang phải đối diện với một mớ bản thảo cần viết lại? Thật là tuyệt, hãy vui lên, vì bạn đã xong bản thảo, thứ mà rất nhiều người mơ ước mới có được. Giờ hãy tưởng tượng một nhà xuất bản uy tín va phải bạn trong thang máy và hỏi tiểu thuyết của bạn nói về cái gì. Trong một hai câu, bạn sẽ nói gì? Nếu như bạn có thể tìm ra câu trả lời trong vòng 1 giờ tới với bước 1, bạn có nghĩ những bước tiếp theo sẽ giúp bản thảo đó của mình logic và hoàn thiện hơn không. Hãy cứ thử, bạn đâu còn gì để mất?
Hay là bạn mới nhận được một lá thư dài khủng khiếp từ biên tập viên mới mọi chi tiết cần phải chỉnh sửa trong cuốn tiểu thuyết, mà thời gian thì chỉ có giới hạn? Không bao giờ là quá muộn để áp dụng cách viết tiểu thuyết theo Snowflake này. Chỉ cần 1 tuần phân tích bản thảo với các bước trên, bạn sẽ thấy mọi thứ đều trở nên rõ ràng, bạn sẽ có kế hoạch để chỉnh sửa chúng dễ dàng. Randy dám cá là bạn sẽ phá kỷ lục của chính mình, và tạo ra cuốn tiểu thuyết tuyệt vời hơn bạn tưởng tượng rất nhiều!
Bạn thấy đấy, mọi thứ đều có thể vấn đề là phương pháp!
Tin vui là hiện Fususu đang dịch cuốn sách của thầy Randy sang tiếng Việt, giúp bạn hiểu hơn và áp dụng hiệu quả 10 bước trên vào cuốn tiểu thuyết của mình. Hãy bấm vào ảnh dưới để đọc thử và tìm hiểu thêm nhé!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa viết tiểu thuyết hoặc viết tiểu thuyết fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Rất tuyệt, xin cám ơn. Đó là phương pháp hay để viết tiểu thuyết hay bất cứ cái gì trong thời công nghệ số này. Mong có được thêm thông tin của bạn.
Cám ơn bạn đã quan tâm, bạn có thể đọc thêm Blog Fususu mới ra nói về 7 bước viết sách nhé https://fususu.com/hoc-viet-sach/
Ngoài ra mong được dịp trao đổi trực tiếp với bạn trong buổi Zoom cuối tuần này, chi tiết tại https://phuongsusu.com/?r=blogcmt
Đây là bản dịch Fususu được sự cho phép bằng văn bản của chính tác giả Randy bạn nhé. Trên bài viết gốc Randy cũng dẫn link tới bài viết này.
Không biết bạn comment như vậy là có ý gì ạ?
Lần đầu tiên biết tới viết tiểu thuyết lại kỳ công như vậy.
Đúng rồi bạn ^^! Tiểu thuyết hay giống như một bộ phim á, cũng phải lên kịch bản, quay đi quay lại nhiều lần, cuối cùng mới có sản phẩm hoàn hảo. Còn viết theo cảm xúc cũng tốt, nhưng phải thật sự có năng khiếu thì mới cuốn, còn nếu không sẽ rất dễ lan man.
Em Phạm Gia Khôi 11 tuổi cảm ơn Fususu
RAT TUYET VOI FUSUSU, MINH DANG BE TAC, GAP DUOC BAI VIET CUA EM NHU ANH SANG CUOI DUONG HAM