![]() |
7 Cách Thuyết Trình Tốt Hơn Từ Nhà Vô Địch...
John Dryden, một nhà thơ nổi tiếng người Anh, từng nói: “Đầu tiên bạn tạo ra thói quen, sau đó thói quen làm nên bạn.” Câu nói hay này thì có liên quan gì tới cách thuyết trình tốt hơn?
Thói quen của bạn không chỉ ảnh hưởng tới kết quả trong cuộc sống, mà còn theo bạn lên sân khấu và ảnh hưởng tới sự cuốn hút của bạn. Có thể bạn chưa phải là một diễn giả bậc thầy, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách thuyết trình tốt hơn với 7 thói quen của họ ngay từ bây giờ, được chia sẻ bởi Darren Lacroix, nhà vô địch diễn thuyết 2001.
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Darren Lacroix vô địch từ 2001, tức là ông đã có 20 năm kinh nghiệm từ khi vô địch, và ít nhất cả chục năm kinh nghiệm thành bại trước đó để đạt chức vô địch ấy. Do vậy những cách thuyết trình tốt hơn này thực sự là 7 viên ngọc vô giá.
Nếu nghe tiếng Anh tốt, bạn có thể nghe trực tiếp từ Darren. Còn dưới đây là những gì Fususu tổng kết và học hỏi được sau khi xem Clip trên, kết hợp với kinh nghiệm rèn luyện các thói quen này từ những năm 2011.
Cách thuyết trình tốt hơn #1 – Thói quen suy nghĩ khác biệt
Là một diễn giả, công việc của bạn là truyền tải ý tưởng theo một cách khác biệt để thu hút khán giả. Nếu bạn không có thói quen suy nghĩ khác biệt, thì làm sao bạn có được những ý tưởng khác biệt?
Trước bài nói, các diễn giả thông thường sẽ lo lắng điều gì đó. Sau bài nói, họ sẽ nuối tiếc một điều gì đó. Còn các diễn giả bậc thầy thì khác. Họ luôn tư duy tích cực, họ tập trung vào câu hỏi: Làm sao để nói hay hơn.
Craig Valentine, ngay sau khi đạt chức vô địch diễn thuyết thế giới 1999, ông xuống sân bay và mua ngay cuốn sách với chủ đề cách thuyết trình tốt hơn. Ông luôn suy nghĩ rằng, “Dù bạn đi đúng hướng, nhưng nếu dừng lại thì làm sao tới đích?”
Hầu hết mọi người phải tới lúc có một trải nghiệm đau đớn do thuyết trình không tốt, họ mới bắt đầu tìm cách thuyết trình tốt hơn. Hãy khác biệt, hãy học hỏi kỹ năng này ngay từ bây giờ, và tránh mọi sai lầm không đáng có trong tương lai!
Cách thuyết trình tốt hơn #2 – Thói quen quan tâm tới phần giới thiệu
Phần giới thiệu ở đây không phải là phần mở đầu bài nói của bạn, mà là phần MC giới thiệu về bạn trước khi lên sân khấu. Các diễn giả thông thường ít khi để ý phần này, hoặc họ soạn ra một bản “sơ yếu lý lịch” dài dòng và nhàm chán.
Trong khi đó, các diễn giả bậc thầy biết rằng: Bài thuyết trình của bạn bắt đầu ngay khi MC nói ra những thứ bạn muốn khán giả nghe. Do đó, cách thuyết trình tốt hơn đơn giản nhất mà họ áp dụng là chuẩn bị thật tốt phần giới thiệu này.
Lý lịch của bạn có hoành tráng tới mấy, thì cũng không quan trọng bằng việc bạn cho khán giả biết lý do tại sao họ ở đây, trong khi có hàng tỉ thứ phải làm ở nhà? Họ sẽ có được gì sau bài nói chuyện của bạn?
Dù MC có chuyên nghiệp tới mấy, thì bạn cũng nên gửi cho họ một phần giới thiệu “chuẩn” về bạn. Điều quan trọng nhất là những câu hỏi để kích thích sự khao khát, sự mong đợi của khán giả trước khi bạn lên sân khấu.
Cách thuyết trình tốt hơn #3 – Thói quen kết nối ngay từ đầu
Nhiều diễn giả bước lên sân khấu và nhân danh tạo dựng tin tưởng, họ dành phần lớn thời gian lúc đầu để giới thiệu bản thân với các thành tích hào nhoáng. Họ không biết rằng khi làm vậy, đang tự nâng mình lên và tạo khoảng cách với khán giả.
Các diễn giả bậc thầy thì khác. Họ biết rằng khán giả có mặt ở đó, chứng tỏ là đã có sự tin tưởng về họ, nên việc đầu tiên họ làm là kết nối với khán giả, bằng những câu hỏi, bằng sự quan tâm tới khó khăn của khán giả.
Hãy hình dung tâm trí mỗi người đều có một cánh cổng với bác bảo vệ ngồi đó. Các diễn giả bậc thầy biết cách để mở cánh cổng tâm trí ấy mà không mất sức, họ khiến bác bảo vệ cười và tự mở cổng cho họ.
Làm sao để kết nối với khán giả mạnh mẽ hơn? Đây cũng là bí mật “5 câu” để “câu” sự chú ý của khán giả, thường được Fususu hướng dẫn chi tiết trong buổi Zoom bật mí 3 bí quyết thuyết trình từ nhà vô địch.
Cách thuyết trình tốt hơn #4 – Thói quen sử dụng khoảng lặng
Các diễn giả thông thường rất sợ những khoảng lặng, nên họ cố nói càng nhiều càng tốt để lấp đi khoảng lặng ấy. Các diễn giả bậc thầy thì khác, họ trân trọng những khoảng lặng, vì nó giúp khán giả thấm điều vừa nghe, từ đó kết nối sâu sắc hơn.
Trong bài thuyết trình vô địch 2001, Darren Lacroix đã ngã xuống sân khấu (một cách cố ý). Ông đã tạo ra một khoảng lặng rất lớn, nó lớn đến nỗi chân của ông run rẩy, và giọng nói bên trong vang lên, “Dậy đi, nói gì đi.”
Tuy nhiên, Darren đã chiến đấu lại nó bằng giọng nói từ vị thầy của mình, “Bình tĩnh nào Darren, 1001, 1002, 1003, 1004, 1005… được rồi, bây giờ con có thể đứng dậy.”
Đây là một cách thuyết trình tốt hơn đơn giản nhưng không dễ làm chủ, nó là một thói quen mà bạn cần luyện tập hằng ngày. Lần tới sau khi bạn đặt câu hỏi cho khán giả (hoặc ai đó), hãy dừng lại quan sát phản ứng của họ rồi mới nói tiếp.

Cách thuyết trình tốt hơn #5 – Thói quen lo lắng cho điều lớn hơn
Những diễn giả thông thường hay lo lắng xem mọi người sẽ nhìn mình thế nào? Quần áo mình ổn không? Lớp trang điểm không bị mồ hôi làm hỏng chứ? Liệu mình sẽ quên gì không? v.v…
Khi tâm trí bạn bận rộn như vậy thì làm sao kết nối với khán giả? Nếu phải lo, các diễn giả bậc thầy sẽ lo lắng cho điều lớn hơn. Họ lo cho khán giả. 3 ngày nữa, sau bài nói này, khán giả sẽ áp dụng điều gì trong bài nói?
Cách để thuyết trình tốt hơn, tự tin hơn, không bao giờ run… là bạn hãy lo lắng cho khán giả nhiều hơn là lo cho bản thân bạn. Mỗi lần định nói gì đó, hãy nghĩ tới việc khán giả sẽ làm gì để áp dụng nó vào cuộc sống.
Làm như vậy, chắc chắn bạn không chỉ tự tin hơn, mà bạn cũng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong lòng khán giả, vì họ có thể áp dụng vào cuộc sống của họ!
Cách thuyết trình tốt hơn #6 – Thói quen hài hước, tạo ra tiếng cười
Hầu hết mọi người đều nghĩ hài hước là năng khiếu, nên họ không tự tin nghĩ ra thứ gì đó hài hước, mà thêm vào bài nói những mẩu truyện cười trên mạng. Điều gì xảy ra nếu họ kể chúng, và khán giả không cười?
Bạn biết cảm giác kể chuyện cười, mà người cười duy nhất là bạn đau đớn thế nào chứ? Đúng, trong cuộc sống thì hài hước có thể là năng khiếu, nhưng trong thuyết trình, thì hài hước hầu hết đều là sự chuẩn bị.
Những bậc thầy diễn thuyết khai quật sự hài hước vốn có trong câu chuyện của họ, để khán giả cười một cách tự nhiên. Khi khán giả há miệng cười, họ sẽ đưa thông điệp vào chỗ sâu thẳm nhất trong bụng họ, và nó sẽ ở lại mãi mãi.
Làm sao để hài hước hơn trong cuộc sống và đưa nó vào bài thuyết trình? Fususu có viết hai Blog khá chi tiết về chủ đề này, bạn có thể Google từ khóa “hài hước Fususu” hoặc đọc thêm ngay cuối Blog này.

Cách thuyết trình tốt hơn #7 – Thói quen cầu xin phản hồi
Sau một bài nói không được như ý, các diễn giả thông thường sẽ rất ngại đề cập tới nó, thậm chí nếu có ghi âm hoặc ghi hình lại, thì việc xem lại trở thành một cực hình với họ.
Những diễn giả bậc thầy coi phản hồi là món quà giá trị nhất sau mỗi lần diễn thuyết, vì đơn giản là họ quan tâm đến bài diễn thuyết tiếp theo, và họ muốn làm nó tốt hơn!
Khi bạn nói, thông thường bạn sẽ chỉ tập trung vào nội dung, còn phản ứng của khán giả hay bị bỏ qua. Còn khi xem hoặc nghe lại bài thuyết trình, bạn sẽ thấy và nghe được phản hồi của khán giả, và rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Darren chia sẻ ông có một thói quen là cầu xin phản hồi. Nếu có ai đó khen ông thuyết trình hay, ông sẽ cầu xin họ nói cho mình xem chỗ nào hay nhất để phát huy. Nếu họ chê, ông cầu xin họ chê cụ thể hơn để cải thiện.
Bạn sẽ áp dụng cách thuyết trình tốt hơn nào?
Với 7 viên ngọc giá trị này, tôi mong một ngày nào đó sẽ được thấy bạn trên sân khấu, và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với thế giới này.
Lúc đó nếu bạn cần phản hồi, cần gạch đá, thì đừng ngại, cứ tới hỏi tôi, tôi sẽ tặng bạn những viên gạch thật bự, để giúp bạn biết cách thuyết trình tốt hơn, và xây ngôi nhà thành công của bạn!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách thuyết trình tốt hơn hoặc cách thuyết trình tốt hơn fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
8 thoughts on “7 Cách Thuyết Trình Tốt Hơn Từ Nhà Vô Địch”
Wow, đã có (8) Awesome Comments!
chủ đề rất hay và ý nghĩa mong bạn tiếp tục phát huy
Awesome! Thank you for your sharing!
Cám ơn anh, hy vọng luôn nhận được những bài chia sẻ hữu ích của anh
Có nhiều dự định quá mà chưa có thời gian để làm hôm nay bạn Phương tiếp thêm động lực rồi sẽ làm ngay thôi
N mẹo của anh thật hay, dễ áp dụng, lÀm nhần nhuyễn thì sẽ tc. Cho e hỏi về mẹo hài hước. Trước để tập luyện năng khiếu hài hước a hay xem video truyện hay clip gì để học hỏi ạ ?
Em cứ xem clip hài mà em yêu thích ấy ^^! gặp nhau cuối tuần, truyện cười trên báo cũng được :D
bài viết rất hay và thú vị đây đúng là điều mà em đã trăn trở bao lâu nay. Cảm ơn anh!
:)
anh à anh có thể làm bài viết về khiếu hài hước và sự may mắn không
Quá tuyệt anh ạ. Áp dụng ngay thôi