làm sao thi tốt - phương pháp học tập hiệu quả là phải tập trung
small_logo 48475 views
5
(15)

Mất tập trung và cách trị tận gốc...

Bạn có sợ Ma không? Tôi thì có, nhưng không phải là Ma cà rồng, Ma cà bông, cà pháo… mà là Ma Ta Tru. Một con ma có thật và có thể đang ở ngay sau lưng bạn lúc này…… …… …… …… …… …… …… Nếu bạn đã quay đầu lại nhìn, bạn đã bị hỏi thăm rồi đấy. Ma Ta Tru là gì? Đó là Mất Tập Trung. Việc của bạn là đọc Blog này, cớ sao lại nhìn ra chỗ khác?

Nếu không quay đầu lại, bạn có khả năng tập trung tốt đấy. Nhưng có thể là lúc này thôi, Ma Ta Tru không phân biệt giới tính, tuổi tác, trình độ, ai cũng có thể bị nó bắt cóc, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Dù đang học bài, làm việc hay thậm chí thả hồn trong phòng tắm, Ma Ta Tru cũng có thể làm bạn quên mất mục tiêu ban đầu.

trong phòng vệ sinh người ta cũng bị mất tập trung

Ma Ta Tru không chỉ đánh cắp thời gian vàng ngọc, mà còn tước đi ước mơ, hạnh phúc và thành công mà bạn đáng ra phải đạt được. Nhiều người do mất tập trung mà tới tận cuối đời, mới nhận ra họ vẫn chưa làm thứ cần làm. Hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá bí mật W.A.Y để trị mất tập trung, và xử lý con Ma này tận hang ổ gốc rễ.

Chia sẻ từ một nhà… mất tập trung học

Trước khi bắt đầu, tôi phải lưu ý rằng bí mật W.A.Y này, cũng như hành trình 10 tuần Rèn Ý Chí – Luyện Tập Trung đặc biệt mà bạn có cơ hội tham gia sắp tới, không đến từ các nhà khoa học hoành tráng, hay các nhà tâm lý học nổi tiếng, mà từ kinh nghiệm thực tiễn, của một nhà… mất tập trung học.

Cũng giống như ai, tôi từng bị Ma Ta Tru bám đuổi dai dẳng. Tôi từng đặt ra nhiều mục tiêu, và bỏ xó cũng nhiều. Và tới bây giờ, nhiều mục tiêu vẫn nằm yên ở xó đó. Song sự khác biệt là tôi không thấy chúng quan trọng nữa. Suy cho cùng thì trị tật mất tập trung làm gì? Chẳng phải là để làm những thứ thực sự quan trọng hay sao?

Mất tập trung là gì và bản chất của nó?

Hãy hình dung bạn đang tập trung làm gì đó và một tin nhắn từ Facebook xuất hiện. Bạn định không xem đâu, nhưng một ý tưởng chợt nảy ra, “mất 5 giây để đọc thôi mà”. Và ôi thôi, hết 5 giây này tới 5 giây khác, rồi 50 phút… bạn đã bị cắn câu, bạn đã mất tập trung, bạn đã bị Ma Ta Tru tóm cổ.

Mất tập trung bản chất là thói quen phản ứng “quá nhanh, quá nguy hiểm” của tâm trí với những thứ không phục vụ cho mục tiêu ban đầu, với các chiêu trò dụ dỗ của Ma Ta Tru. Tại sao tâm trí lại có thói quen này? Là do rèn luyện. Tại sao ta lại tự rèn luyện cho mình sự mất tập trung? Là do thiếu hiểu biết và không để ý.

Ta tự rèn sự mất tập trung như thế nào?

Khi cơn ngứa đầu xuất hiện, người ta sẽ phản ứng bằng cách gãi. Một lúc sau, lại ngứa, người ta lại phản ứng, lại gãi. Cứ thế, gãi, gãi không ngừng, gãi cả ngày, gãi tới mức hói cả đầu mà không hề biết một sự thật. Nếu bạn cứ mặc kệ cơn ngứa, 99% nó sẽ tự tan biến (1% còn lại chuyển sang ngứa chỗ khác).

Luật tự nhiên là thế, khi một cảm giác trên người xuất hiện, cho dù là dễ chịu hay khó chịu, thì sau một thời gian cũng sẽ biến mất, hoặc thay đổi. Nhưng do không biết, nên người ta cứ phản ứng. Nếu cảm giác dễ chịu, tâm trí sẽ phản ứng bằng sự thích thú, người ta muốn có thêm. Còn cảm giác khó chịu, thì ngược lại.

Không chỉ là những cảm giác trên cơ thể, những ý tưởng trong đầu cũng vậy. Khi đang tập trung làm gì đó, chợt hình ảnh “người ấy” hiện ra. Nếu đó là người ta yêu quý, mang lại cho ta cảm giác thích thú, thì tâm trí có thể mơ mộng cả ngày. Còn nếu là kẻ thù, làm ta uất ức, tâm trí có thể ngụp lặn trong đau khổ cả đêm.

Luật tự nhiên là thế, khi một ý tưởng, một hình ảnh, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu bạn. Mà bạn cứ kệ chúng, bạn không đi theo, bạn không nghĩ tiếp, thì sớm hay muộn chúng sẽ tan biến. Nhưng do không biết, nên người ta cứ chạy theo một suy nghĩ nào đó hoặc cố đuổi chúng đi. Khổ cái là càng đuổi nó càng tới, càng chạy theo thì nó chạy càng nhanh!

Thói quen phản ứng khiến cho tâm trí ngày càng yếu đuối và dễ bị Ma Ta Tru điều khiển. Giống như một con khỉ, tâm trí nhảy hết từ cành này qua cành khác để “trốn khổ, tìm vui”. Làm sao bạn có thể tập trung nổi, với một tâm trí dễ bị dụ dỗ, chẳng bao giờ ngồi yên được một chỗ như vậy?

Làm sao trị tật mất tập trung tận gốc?

Nói về mất tập trung, có không ít sách vở viết về nó. Các giải pháp chữa trị thường theo hai hướng: Một là bạn bảo vệ tâm trí khỏi các nguồn gây mất tập trung, như úp tai nghe vào và bật nhạc làm việc. Hai là tạo hứng thú cho việc đang làm, để “dụ dỗ” tâm trí quay trở lại. Chẳng hạn, dùng sơ đồ tư duy tăng hứng thú học tập.

Những cách đó cũng có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi nguyên nhân gốc rễ vẫn còn, khi thói quen phản ứng của tâm trí vẫn còn, thì Ma Ta Tru vẫn còn đầy sức mạnh. Bỏ tai nghe ra, tiếng rao “Ai tào phớ đê” sẽ lại làm bạn mất tập trung. Rồi khi sơ đồ tư duy không còn mới lạ, Ma Ta Tru sẽ sớm tái xuất giang hồ.

Đó cũng chính là lý do mà nhiều người sau khi quyết tâm thay đổi, quyết tâm chinh phục một mục tiêu nào đó, nhưng chỉ được vài bữa là mất tập trung, và dần trở lại như cũ. Khi nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được giải quyết. Khi thói quen phản ứng vẫn còn mạnh, tâm trí rất dễ bị dụ dỗ, đi lạc là tất yếu.

Hành trình the W.A.Y trị mất tập trung tận gốc

Nói tóm lại, ngoài các giải pháp ngắn hạn bên trên. Bạn cần áp dụng song song giải pháp dài hạn: rèn luyện cho tâm trí mạnh mẽ, để có khả năng bình thản trước mọi cảm giác, mọi chiêu bài dụ dỗ của Ma Ta Tru. Và từng bước của phương pháp the W.A.Y sẽ giúp bạn hiểu và làm chủ tâm trí.

Lưu ý: Có người sẽ nói các bài tập dưới đây giống thiền, giống cái này, cái kia. Hãy cứ để họ gọi nó bằng bất cứ tên gì họ muốn. Cái tên không quan trọng, quan trọng là nó đã giúp một nhà mất tập trung học như tôi, lấy lại sự tập trung như laser để chinh phục mục tiêu, thì cũng có thể giúp được bạn.

Tôi thì gọi nó là the W.A.Y (con đường), vừa có ý chỉ phương pháp này là con đường, ai cũng đi được, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ… vừa là viết tắt của Where Are You, một câu hỏi, một công cụ bí mật giúp bạn thoát khỏi bàn tay của Ma Ta Tru, sẽ được bật mí dần dần.

Mất tập trung là một thói quen, tập trung là một kỹ năng

Khi ai đó bị lạc, người ta sẽ hỏi trông người đó thế nào. Tương tự, khi tâm trí bị Ma Ta Tru bắt cóc, bạn ra đồn công an báo cáo thì sẽ được hỏi, “Cái người họ Mất tên Tập Trung đó trông như thế nào?” Vậy bạn sẽ mô tả đồng chí này ra sao? Bạn có ảnh 3×4 không?

Thật khó để tìm lại một thứ gì đó nếu bạn không biết rõ hình thù của nó. Nên trị mất tập trung, bạn cần phải biết rõ tập trung là gì, trông nó ra sao để còn tìm lại. Thật ra thì tập trung là thứ trừu tượng, vô hình, không nhìn thấy bằng mắt, không nắm được bằng tay, song bạn có thể cảm nhận được nó.

Bài tập 1 – Cảm nhận sự tập trung (thực hiện vài lần)

Hãy véo tay trái của bạn thật mạnh, và để thật ý kĩ cơn đau đó, từ lúc nó nhói lên, cho tới lúc tan biến. Nếu khi thực hiện, bạn không hề nghĩ về thứ gì khác ngoài cơn đau thì có nghĩa là bạn đang tập trung tới cơn đau đấy. Hãy cảm nhận sự tập trung ấy.

Bài tập này giúp bạn quan sát được quá trình tập trung của mình, quá trình mà tâm trí của bạn ở yên một chỗ. Có cảm nhận được sự tập trung của mình, bạn mới để ý được khi nào mình mất tập trung. Nhiều người không tập trung được, đơn giản là vì họ chẳng hề biết là mình đã bị mất tập trung tự lúc nào!

Hãy tiếp tục thực hiện bài tập này với tay phải, chân trái, chân phải vài lần, cho tới khi bạn có thể cảm nhận rõ ba giai đoạn của cơn đau: sinh ra, thay đổi, biến mất. Lúc ấy, bạn đã sẵn sàng cho bài tập thú vị tiếp theo (và có thể khó hơn một chút).

Bài tập 2 – Điều khiển sự tập trung (thực hiện vài lần)

Bây giờ hãy nhìn vào bàn tay trái của bạn, và để ý thật kỹ xem đang có cảm giác gì ở đó. Nóng, lạnh, ngứa… dù là cảm giác gì hãy cứ kệ. Rồi bạn hãy nhắm mắt lại, vẫn tập trung để ý bàn tay trái, xem có cảm nhận được cảm giác nào khác không: tê tê, mạch đập, tiếp xúc với không khí…

Tiếp đến, bạn hãy thực hiện tương tự với bàn tay phải, chân trái, chân phải song không cần nhìn nữa. Đơn giản là nhắm mắt, tập trung tới các nơi đó và để ý kĩ các cảm giác. Hãy làm đi làm lại vài lần, cho tới khi bạn nhận ra một điều thú vị: tập trung tới chỗ nào, thì cảm giác chỗ đó trở nên rõ hơn.

Ví dụ, bình thường bạn chẳng bao giờ để ý tới sự xúc chạm giữa quần áo với làn da mình ở đùi bên phải, thì bây giờ bạn bắt đầu để ý được nó. Hoặc bình thường bạn ít khi để ý được có làn gió nhẹ trong không khí liên tục chạm vào tay, vào chân bạn, thì bây giờ bạn đã để ý được nó. Khi ấy, bạn đã sẵn sàng cho bài tập 3.

Bài tập 3 – Cố định sự tập trung (thực hiện thường xuyên)

Nếu như để ý tới cảm giác ở tay, chân… giúp bạn cảm nhận được sự tập trung, thì để trị mất tập trung, để chống lại Ma Ta Tru, bạn cần luyện để giữ tâm trí mình ở yên một chỗ, càng lâu càng tốt. Và dù có thấy cảm giác gì, có bất cứ chuyện gì xảy ra, cứ bình thản, không phản ứng.

Song việc này không đơn giản. Nếu bạn thử nhắm mắt, ngồi yên, và đặt sự tập trung vào một chỗ nào đó trên cơ thể thì thường sau vài phút (thậm chí vài giây). Ma Ta Tru sẽ xuất hiện, với biểu hiện là các suy nghĩ kiểu như… “Ủa, còn nhiều việc phải làm mà, mình đang làm gì vậy?” hoặc “Sao mãi không thấy Ma Ta Tru xuất hiện nhỉ?” bô lô ba la… mà đó mới chỉ là khởi động thôi, sau đó là tuyệt chiêu mạnh hơn, tâm trí bạn sẽ bị cuốn đi bởi rất nhiều hình ảnh, suy nghĩ… mãi sau bạn mới nhận ra, “Ủa, mình bị mất tập trung từ lúc nào vậy?” (hoặc hoành tráng nữa là bạn sẽ gặp Boss của Ma Ta Tru, là Bi Nu Ga – Bị Ngủ Gật ^^!)

Song mọi thứ đều có thể, vấn đề là phương pháp. Để rèn luyện sự tập trung và bảo vệ tâm trí khỏi bàn tay của Ma Ta Tru, bạn hãy đọc kỹ các chỉ dẫn dưới đây, rồi bấm vào clip ở phía dưới để bắt đầu thực hiện.

  1. Ngồi thoải mái, tư thế nào cũng được, quan trọng là giữ thẳng lưng, rồi nhắm mắt lại. Dùng tay véo mũi một cái và tập trung để ý cảm giác đó sinh ra, thay đổi, mất đi từ từ như thế nào.
  2. Đặt hai tay lên đùi, ngồi yên không nhúc nhích, hít thở tự nhiên và để ý mọi cảm giác ở vùng mũi. Cho dù có cảm giác gì thì cứ mặc kệ chúng, kể cả ngứa cũng KHÔNG được gãi ^^!
  3. Khi phát hiện ra mình bị mất tập trung, hãy hít một hơi và tự hỏi “Where Are You?” (Tâm trí ơi, đi lạc đâu rồi…) sau đó quay trở lại mục tiêu ban đầu: tập trung vùng mũi, để ý cảm giác, mặc kệ tất cả.

Lý thuyết đủ rồi, giờ hãy bấm clip dưới đây và thực hành vài phút. Sẽ có một tiếng Boong để bắt đầu, và sau vài phút sẽ có nhạc hiệu báo kết thúc, lúc đó bạn có thể mở mắt, mỉm cười.

10s 00:00 / 00:00
x1
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Trị mất tập trung là một hành trình

Thường thì thực hành bài tập 3 vài lần, bạn sẽ thấy rõ tâm trí của mình dễ bị dụ như thế nào. Mới vài phút (thậm chí vài chục giây), tâm trí đã phản ứng với nhiều chiêu trò mà Ma Ta Tru tung ra. Phản ứng này tạo ra hết suy nghĩ này tới suy nghĩ khác khiến bạn quên đi mục tiêu ban đầu: Tập trung vùng mũi, để ý cảm giác.

Thói quen phản ứng này được hình thành từ bé tới bây giờ, có thể lên tới hàng chục năm rồi, không dễ để xóa bỏ nó trong ngày một ngày hai. Nhưng hãy cứ kiên trì thực hiện, bạn sẽ thấy mình ngày càng tiến bộ. Hãy cứ bước đi trên con đường, kiểu gì bạn cũng sẽ tới đích. Ban đầu có thể cứ 1 phút Ma Ta Tru sẽ bắt cóc một lần, sau đó là 2 phút, rồi 5 phút, 7 phút… sẽ tới lúc bạn tâm trí bạn trở nên cực kỳ bình thản, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, trong thời gian bao lâu bạn muốn, Ma Ta Tru không sao làm bạn mất tập trung được.

Tất nhiên, đó là cả một hành trình dài và không hề đơn giản để biến nó thành thói quen. Do đó, tôi đã dày công thiết kế khóa học 21 ngày Thay Thói Quen Đổi Cuộc Đời, để nếu có gì được mô tả trong Blog này chưa rõ, thì bạn sẽ được hiểu rõ hơn qua quá trình trải nghiệm, đồng thời gia tăng sự tập trung lên từng ngày.



Mong tin tốt lành!

Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )

Bạn cảm thấy sao?

5 / 5. Bình chọn: 15

Hãy là người đầu tiên

Share vui sẻ sướng...

Thật ư?

Thế giới cần những người như bạn!

Làm sao để bài viết này hay hơn?

Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa mất tập trung hoặc mất tập trung fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

225 thoughts on “Mất tập trung và cách trị tận gốc


Wow, đã có (225) Awesome Comments!



  1. Thật sự tập trung đc 1 lúc nhưng mà vẫn có âmthanh nhiều xung quanh bay dô tai

  2. anh ơi thế nếu mình rèn luyện sự tập trung tốt rồi khi mình gặp 1 việc nguy hiểm như 1 vật nhỏ bay vào mắt thì phản xạ tự nhiên như nhắm mắt chẳng hạn, có bị giảm đi không anh

    1. Không em nhé, mấy phản xạ đó vẫn duy trì như thường, thậm chí em còn nhanh nhạy hơn í.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *