chọn trường cũng phải cẩn thận nhé!
00:00 00:00
small_logo 9468 views
5
(6)

Chọn ngành chọn trường hay chọn đường chọn lối?...

Ngày xưa, rất nhiều bạn tin tưởng gửi cho tôi những băn khoăn về chọn ngành chọn trường và định hướng tương lai. Trong đó ấn tượng nhất vẫn là câu hỏi “Anh ơi, em nên theo bố mẹ hay theo mình ạ?” Nó làm tôi nhớ lại một sai lầm lớn của mình trước kia…

Chọn ngành chọn trường: Người lớn luôn đúng?

Dù 20 năm đã qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cái lúc mình bị đẩy vào căn phòng ấy. Một thủ lãnh, 40 môn đồ, tất cả là 82 con mắt dò xét, à 84 chứ, nếu tính cả chú thạch sùng trên trần.

Vâng, đó là ngày đầu tiên tôi vào lớp một. Thật tuyệt, tôi đã được học nhiều thứ mới mẻ. Trong đó ấn tượng nhất là lúc khám phá thêm công dụng của thước kẻ khi nó nằm trong tay cô giáo. Từ đó, tôi được khắc sâu bài học đắt giá của “môn phái” trường học: “Người lớn luôn đúng!”

Khi có bạn nói leo, cả lớp cười một trận ra trò, tôi gật gù sung sướng, đúng là mỗi ngày đi học là một ngày vui. Tôi rất hâm mộ sự tự tin bá đạo của bạn ấy, nhưng kết cục là bạn ấy được cô đã tặng tuyệt chiêu “thước kẻ đại pháp”, còn chúng tôi được thưởng thêm bài học sâu sắc về tôn trọng người lớn. Dù sao đi nữa, đó vẫn là một quãng thời gian tuyệt đẹp, vì mỗi lần giơ tay nói đúng ý cô, tôi được khen!

Thời gian cứ thế trôi qua, niềm tin “người lớn luôn đúng” ngày càng mạnh mẽ, nên tôi cũng chẳng quan tâm xem cấp hai, cấp ba mình sẽ chọn ngành chọn trường nào. Tôi phó mặc con đường tương lai cho bố mẹ, những “người lớn luôn đúng” mà tôi tin tưởng nhất.

Đẹp nhất có lẽ là quãng thời gian tôi học cấp hai. Tôi vô tư, hồn nhiên và bắt đầu biết tới quán điện tử. Cũng may, nhờ một vài mẹo nhỏ mà dù chơi nhiều nhưng điểm số vẫn thuộc top lớp.

Còn nhớ, trước khi vào cấp ba, mẹ tư vấn vài trường và hỏi tôi định chọn trường nào. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn trường có cái tên hay nhất (dù chả biết mặt mũi nó thế nào).

Cấp ba cũng là một quãng thời gian đẹp vô cùng, đẳng cấp chơi game của tôi đã lên một level mới, tôi chơi có đồng bọn. Tất nhiên, điểm số trên lớp vẫn đảm bảo nhờ vài mẹo nhỏ khi xưa. Người lớn luôn đúng, họ đã chọn cho tôi con đường thật sung sướng.

Dù đã phó mặc việc chọn ngành chọn trường của mình cho người lớn, nhưng lúc sắp thi đại học và thấy bạn bè đứa nào cũng sốt ruột về chuyện chọn trường, tôi cũng hơi lăn tăn. Thật may, người lớn đã đưa cho tôi lời chỉ dẫn ngay tức thì, “Ngành này hót, nhà mình có ô dù, ra trường là có việc!”

Kết hợp với những con số biết nói về tỉ lệ thất nghiệp thời ấy, tôi không thể cưỡng lại được lời mời chào hấp dẫn đó. Vậy là tôi bỏ game, dốc hết tâm sức để vào bằng được cái trường “cực hót” mà điểm cũng cực cao ấy.

Cuối cùng, tôi cũng làm được với thành tích không cao, nhưng ối đứa cũng phải ngước nhìn, 28/30. Phần thưởng của tôi là một chiếc xe máy, khuyến mại thêm vài tuần nghỉ ngơi ở thành phố biển Hải Phòng để tận hưởng cảm giác chiến thắng, và tập lái xe. Tôi không muốn chiếc xe máy lại bị thương tật đầy mình như chiếc xe đạp mới mua ngày xưa.

chọn trường, liêu có nên chú ý tới ô dù?

Chọn ngành chọn trường: Trường học vs trường đời?

Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm, cho tới khi tôi trở thành một sinh viên năm hai năng động. Nếu như ở trường học, tôi được dạy rằng “người lớn luôn đúng”, thì ở trường đời, tôi đã ngộ ra: “Người lớn cũng từng là trẻ con và….” Vâng, và vế sau mới thật là đau, “…và họ cũng có thể sai.”

Đúng vậy.

Từ năm nhất tới năm hai khi là sinh viên, tôi được học những môn đại cương hấp dẫn. Khi tới năm ba, các môn chuyên ngành được dạy. Lúc này, vấn đề mới bắt đầu nảy sinh, bạn sẽ biết rõ ngành đó có thực sự phù hợp với mình hay không. Và với tôi thì tình hình còn tệ hơn, cái ngành tôi theo học không những chẳng phù hợp, mà khủng hoảng kinh tế thế giới còn khiến tỉ lệ thất nghiệp ngành đó bỗng trở nên hót!!!

Thật là khổ khi yêu ai đó mà không được đáp lại, nhưng khổ hơn có lẽ là cưới phải người mà mình không yêu. Chuyện chọn trường cũng vậy, có thể nói tôi đã “cưới nhầm ngành”, và phải chung sống với nó trong đau khổ. Cũng may là thời sinh viên cũng khá ngắn so với cả cuộc đời, nên nỗi khổ đó không thể sánh bằng việc bạn “cưới nhầm vợ”. Dù sao, thì nếu được quay ngược thời gian, tôi ước mình biết những điều sau và lựa chọn khác đi.

chọn trường, phải để ý tỷ lệ thất nghiệp

Tôi ước mình biết rằng: thất nghiệp là do năng lực, không phải bằng cấp.

Gần đây những con số biết nói của Tổng Cục Thống Kê lại khiến tôi thêm tin vào sự thật này. Như bạn thấy ở hình trên thì những người được coi là có học nhiều nhất, tức là có bằng đại học trở lên… lại chiếm tỉ lệ thất nghiệp cao nhất. Có thể tấm bằng đại học sẽ mở cho bạn cánh cửa bước vào một công ty, nhưng việc có ở lại được hay không, được quyết định bởi năng lực thực sự của bạn.

Tôi ước mình biết rằng: đừng chọn trường, mà hãy chọn đường.

Trường chỉ là nơi trang bị cho bạn những phương tiện giúp thực hiện ước mơ, nên nếu bạn chưa có một ước mơ, nếu bạn chưa nhìn rõ con đường mình đi phía trước, nếu bạn chưa biết tương lai mình sẽ trở thành ai, mình sẽ đem lại điều gì cho cuộc đời, thì chọn trường nào cũng đâu có quan trọng, vì nó chỉ là… một nơi trú chân tạm thời. Hãy tìm ra đường, rồi bạn sẽ thấy chọn trường thật dễ.

Tôi ước mình biết rằng: đi theo tiếng gọi đam mê, bạn sẽ luôn có lợi. 

Nếu bạn chọn theo thứ bố mẹ thích, có thể họ sẽ sướng vài năm, nhưng bạn sẽ khổ vài chục năm (vì kiểu gì sẽ có lúc đam mê quay lại gõ cửa). Nếu bạn chọn thứ mình thích, họ có thể không vui vài năm, nhưng khi bạn thành công họ sẽ tự hào cả đời. Hơn nữa trên thực tế, những người thành công nhất thường là những người yêu thích công việc của họ nhất, vì sẽ không ai có thể đủ kiên trì để tìm ra sự khác biệt trong công việc như họ.

Chọn ngành chọn trường: Phải là lựa chọn của bạn!

Tóm lại, bài học lớn nhất của tôi đó là: cho dù bạn chọn trường hay chọn đường nào, hãy chắc chắn đó là lựa chọn của bạn. Vì khi bạn làm chủ lựa chọn của mình, nếu lựa chọn đó sai, bạn sẽ chẳng trách được ai. Khi không trách được ai, bạn sẽ chẳng mất đi người bạn nào, thậm chí… còn có thêm bạn bè tới an ủi. Khi không trách được ai, bạn sẽ nhận trách nhiệm về mình, và người ta gọi đó là sự trưởng thành qua thất bại!

chọn trường cũng phải cẩn thận nhé!



Mong tin tốt lành!

Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )

Bạn cảm thấy sao?

5 / 5. Bình chọn: 6

Hãy là người đầu tiên

Share vui sẻ sướng...

Thật ư?

Thế giới cần những người như bạn!

Làm sao để bài viết này hay hơn?

Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa chọn ngành chọn trường hoặc chọn ngành chọn trường fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

69 thoughts on “Chọn ngành chọn trường hay chọn đường chọn lối?


Wow, đã có (69) Awesome Comments!



  1. Anh ơi , nếu thi rớt đại học NV1 Marketing thì có nên thi lại không ạ?. Em chọn Mar vì em làm test John Hollands kết quả là tính cách của em phù hợp với Mar. Nhưng mà mấy năm gần đây, điểm Mar cao quá ạ. Năm 12 em học ko tốt và chọn ngành trễ quá, gần 1 tháng nữa thi em cảm thấy ko có nhiều hi vọng nên nghĩ đến việc năm sau thi lại. Mẹ em bảo học NV2 nhưng NV2 là em chọn đại thôi, để ghi vào hồ sơ cho có thôi ạ. Ba em thì sẽ đánh em nếu em chọn ôn thì lại vì sợ mang tiếng là có con rớt đại học. Em đang cố thuyết phục ba mẹ. Với lại trong lúc ôn thi lại em định cải thiện tiếng Anh. Ngoài cải thiện tiếng anh và ôn thi ra thì em chưa biết làm gì tiếp. Chị em bảo lúc chưa học thì em nghĩ Mar sẽ hợp nhưng học rồi thì sẽ khác nên khiến em hoang mang. Liệu quyết định ôn thi lại của em có đúng ko nữa? Anh cho em lời khuyên với, em cảm ơn ạ.

  2. Anh ơi, em đã chọn được ngành học theo sở thích ạ. Thế nhưng em lại băn khoăn không biết nên học tại Sài Gòn hay quê hương em là Đà Nẵng nữa. Bạn bè em ai cũng nói học ở Sài Gòn sẽ giỏi hơn ạ. Nhưng gia đình của em lại không dư dả để cho em đi xa. Thật ra bản thân em cũng muốn đi học xa lắm. Em ở nhà và cũng có nhiều lần xích mích với bố mẹ nữa. Em mong anh trả lời. Em cảm ơn anh nhiều ạ

    1. Anh thấy nhiều bạn vừa học vừa làm để trang trải chi phí, em thử xem mình có phù hợp không?

  3. Chào Fususu, có lẽ em may mắn hơn anh và rất nhiều người khác vì em không bị gia đình ép buộc phải theo ngành, nghề nào. Em tự do thoải mái chọn lựa cho mình và cũng là một trọng trách quá lớn đối với em. Từ nhỏ em đã bị hứng thú, yêu vẽ vời, sáng tạo. Em luôn nằm trong top đầu của lớp với thành tích về môn vẽ, thủ công. Thành tích có lẽ không quá quan trọng nhưng trên hết là em yêu thích, tích cực khi làm cái đó. Em thoả sức sáng tạo theo ý mình, thay vì sao chép sgk giống các bạn khác. Và hình như hầu hết các bạn nhỏ đều thích làm những điều ấy ( em cũng không chắc ), nên em không dám chọn nó làm một phần trong định hướng nghề nghiệp cho mình.
    Lên lớp 10, em chỉ biết được con gái theo khối A00 sẽ rất hay, có nhiều sự lựa chọn ngành nghề khi thi ĐH, em thấy tư duy logic của mình cũng không tồi, cũng rất hứng thú với nó, nên cũng bắt đầu chú trọng với nó, dĩ nhiên kết quả không hề tệ và có lẽ hồi đó em thích học hỏi tất cả các môn nên kết quả đều không tồi. Một môi trường mới khiến em hứng thú, ra sức học tập. Lớp 10, em cũng bắt đầu định hướng tương lai của mình, muốn một công việc không phải giao tiếp quá nhiều, có sự tự do, sáng tạo, em tìm hiểu tất cả các ngành nghề mà phù hợp với các tiêu chí đó, có IT ( có lẽ em bỏ vì cho rằng nó quá khó đối với con gái và mình không đủ thông minh, trình độ mà theo được, lúc đó em có quá nhiều sự tự ti) ,nhiếp ảnh gia, Blogger, và design. Lần đầu nghe ” thiết kế đồ hoạ”, em đã rất hứng thú, tìm hiểu sâu hơn hình như rất hợp với mình. Nhưng để được học tiếp với nó thì phải thi đầu vào quá khó ( vẽ tượng, hình hoạ người, màu) , mà mình ngày ngày chỉ vẽ linh tinh, nhìn thôi cũng đủ nản. Em cũng có chút sai lầm khi không tìm hiểu kĩ, hầu hết mọi người để thi đầu vào đều phải đi học vẽ ở trung tâm, nhưng gần nhà mình thì làm gì có trung tâm nào cả. 3 năm c3, em vẫn tiếp tục lao vào học Toán, Lí, Hóa, thỉnh thoảng có động đến vẽ vời ( trong vài lần làm báo tường, làm ngoại khóa) rồi quên bẵng. Hè lớp10, lớp11, em có định học vẽ ( cách 40 km) nhưng sợ bố mẹ không cho tiền, xa quá nên em đành day dứt từ bỏ, và càng tồi tệ hơn khi không có internet để tự học vẽ . Em vẫn tiếp tục tìm kiếm một ngành nghề phù hợp, tìm kiếm đam mê đích thực của mình, có lúc muốn làm 1 kiến trúc sư, một kĩ sư lập trình, một nhà thiết kế đồ họa, … tất cả đều không có chút gì khả quan.
    Lớp12 rồi, em cũng chả biết chọn gì khi mà toàn quyền quyết định đều nằm trong tay mình, em chỉ biết mình rất muốn học tiếp ĐH, rất thích học hỏi mọi thứ mà lại chẳng biết mình nên chọn gì thật nực cười , em chọn kinh tế ( có lẽ vì hợp với con gái, nhiều người chọn ), Và vì cũng chả rõ mục tiêu, rối trong khi chọn ngành nghề nên học hành lớp12 có phần sa sút ( một phần cũng vì bận ôn hsg Tin). Năm vừa rồi em thi A00 20điểm ( sẽ phải học trường tư hoặc trường top dưới, hồi học c3 em cũng quá tiếc nuối khi không can đảm chọn ngôi trường c3 tốt hơn trong khi mình hoàn toàn đạt được, mãi rồi mới lấy được động lực để học tiếp, em không muốn mình phải học một trường ĐH top dưới, một thất bại, sự nuối tiếc lặp lại sao), quá thất vọng, không thể đỗ được ngành, trường mình mong muốn và cũng cái lí do chẳng biết mình thực sự thích cái gì, sẽ tồi tệ hơn khi học ngành mình không yêu, nên em dành cho mình một năm để quyết định ( nhưng sẽ bất chấp để được học ĐH). Em bắt đầu trải đời, trải nghiệm những công việc lao động, bây giờ mới thấm mồ hôi, công sức của bố mẹ bỏ ra nuôi mình. Em đọc blog, sách nhiều hơn, trải nghiệm nhiều thứ hơn. Em càng chán nản hơn khi mình không thích thú công việc hiện tại, ngày ngày đi làm như một cỗ máy, không nói chuyện, không cảm xúc. Gia đình thương không cho đi, nhưng em giấu tất cả trong lòng , chỉ một câu ” con ổn “, đêm đến là nước mắt dâng trào khi bao ước mơ , tương lai của mình vụt tắt và không thể tiếp tục chịu cảnh ntn được. Em quyết định nghỉ việc, về nhà lăn xả với kiếm tiền kinh doanh online, viết lách nhiều hơn, cũng vẫn là một cảm giác chán nản.
    Sau mấy tháng trải đời em tìm được những thứ mà có lẽ nó phù hợp với em :
    – Đại Học không phải là con đường cuối cùng nhưng nó là con đường ngắn nhất tới thành công ( trong lúc đi làm không ít lần em gặp những người học xong ĐH lại làm cv của một người không học nhiều, không bằng cấp nhưng chắc chắc nguyên nhân là trình độ năng lực của họ. Đôi lúc gặp phải những câu nói của hàng xóm, một số người trong gia đình: ” học ĐH xong cũng ra làm công nhân thôi à”, ” Học làm gì tốn tiền, đi xuất khẩu lao động cho nhanh”… Em chỉ biết cười với những câu nói đó.
    -Tuổi trẻ phải va vấp nhiều.
    Một số bạn học của em, đã có thể an nhàn, lập gia đình rồi. Sẽ không thiếu những lúc mọi người xung quanh bảo em: “Học làm gì nhiều, đi làm vài ba năm rồi lấy chồng “, ” rồi con gái làm giàu làm gì ” . Hì , em cũng chỉ biết cười trừ. An nhàn sớm cũng không tốt, em sẽ phải trải nghiệm tất cả , sẽ đi và khám phá tất cả những quốc gia trên Thế Giới.
    – Thà thử, dấn thân vào làm, dám thử còn hơn ngồi đó chọn lựa, suy nghĩ nhiều sẽ rất mất thời gian.
    Em tìm được cái mình muốn là sự tự do trong công việc sau này, đôi lúc muốn được làm một nghệ sĩ , nhiếp ảnh gia lang thang khắp đó đây, em vẫn muốn một ngành nghề không cần quá nhiều sự giao tiếp, một môi trường độc lập, cho mình một sự yên tĩnh để tập trung làm việc, luôn luôn có sự sáng tạo mới mẻ chứ không phải là những công việc lặp lại đầy nhàm chán, em có mong muốn sẽ viết sách và blog khi nào đỗ ĐH và có thời gian rảnh.
    Em rất thích học hỏi tất cả các môn, nhất là các môn mang tính tư duy, logic cao như Khối A00, nhưng vẫn chẳng biết chọn lựa cái gì.
    Em vẫn băn khoăn mình nên hay không đi học vẽ để được học thiết kế đồ hoạ – ngành mình chót yêu từ cái nhìn đầu tiên. Và khi vào chuyên ngành sẽ không được học Toán, các môn logic, …bây giờ bắt đầu học vẽ (tượng, hình hoạ, màu phải lên Hà Nội ) sẽ khó khăn để đỗ ngôi trường top , … Em có sự lựa chọn khác là tiếp tục học kinh tế ( Vì vẫn được học tiếp Toán cao cấp,… nhiều người chọn, có lẽ ảnh hưởng từ đám đông, vì nhiều người bạn cũng học , nếu theo sẽ có nhiều bạn cùng vui, cơ hội nghề nghiệp cũng không ít) nhưng sẽ tranh thủ freetime học đồ hoạ, vậy sẽ không có kiến thức chuyên sâu với đồ hoạ.
    Mỗi khi chọn được một ngành gì em lại tự ti mà không dám theo đuổi. 19t rồi, sự tự ti, nhút nhát, nỗi sợ hãi cứ đầy rẫy, em rất sợ những ánh mắt, phán xét từ mọi người, hàng xóm, thầy cô bạn bè khi mình thi lại ĐH, họ hình như quan niệm ” thi lại điểm có cao hơn được đâu”, sự thất bại của quá khứ đã khiến bản thân sợ và đôi lúc chán nản, em phải làm ntn để lấy lại sự can đảm để thi lại một cách tốt nhất ạ ???
    Bây giờ ôn thi lại khối A00 một mình, mà cũng chẳng biết lí do, mục tiêu cụ thể, vẫn là một sự chán trường vì phải lục lại những kiến thức đã quên. Em vẫn loay hoay khi nên chọn Kinh tế hay đồ hoạ ???. Em không thể ăn bám bố mẹ, không thể trượt ĐH một lần nữa.
    Em xin lỗi vì bài viết hơi dài nhưng em không thể viết ngắn hơn được, cần lắm một lời khuyên từ anh Fususu và những ai vô tình đọc được ak.

    1. Cám ơn em đã chia sẻ nhé. Cá nhân anh thì luôn ủng hộ mọi người theo đuổi đam mê khi đã phát hiện được ra nó, cho dù có khó khăn thế nào đi nữa. Vì sao ư? Vì sống mà kiếm một đống tiền, chết cũng chẳng đem theo được, chưa kể là một tâm hồn tiếc nuối vì không được làm những điều mình thích. Nhưng sống với đam mê, tâm hồn em sẽ thăng hoa, phát triển. Tiền bạc cũng chỉ là một phương tiện mà thôi, khi tâm hồn em rực sáng, tự khắc nó sẽ phải đến và hỗ trợ em.

  4. Ad ơi cho mình hỏi cái “mẹo nho nhỏ” ad nhắc đến ở trên là gì ạ

    1. hihi, chủ yếu là học bằng hình ảnh, bạn google cách làm phao fususu nhé!

  5. Em học lớp 9 và em cũng chuẩn bị thi vào lớp 10. Từ lâu, em đã muốn được vào 1 trường có tiếng tại TP HCM (đặc biệt là Phổ thông năng khiếu) với nguyện vọng được đi du học. Em là học sinh tỉnh lẻ, thấy trường có rất nhiều bạn được đi. Em biết rằng trường sẽ không đảm bảo cho em cơ hội du học nhưng trường có thể mang lại cho em những trải nghiệm thú vị, con đường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, hơn cả trường nổi tiếng nhất ở tỉnh em. Em đã hỏi bố mẹ em và họ không thích cho lắm. Em nên thuyết phục bố mẹ như thế nào? Hay em phải từ bỏ định vào trường vậy ad?

  6. Em rất yêu nhảy anh Phương ạ. Em chỉ là chưa biết trường nào có dạy nhiều về nhảy.. fususu giúp em vơia dc k ạ. Cám ơn anh trước


1 3 4 5

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *