![]() |
Cách nhớ bài nhanh nhất ngay cả khi mai thi rồi!!!...
Cách nhớ bài nhanh nhất là gì? Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn đặt ra mỗi khi kì thi đến. Câu hỏi không sai, nhưng lại thường được hỏi sai thời điểm. Nước đến chân mới nhảy, bạn sẽ nhảy vào… vũng nước. Thật ra cách nhớ bài nhanh nhất và hiệu quả nhất là bạn ôn đều đặn, lúc thi chỉ là lúc ôn lại và… nghỉ ngơi. Song nếu như bạn đã lỡ không áp dụng cách đó thì sao?
Đừng lo lắng, vẫn còn một trong những cách nhớ bài nhanh nhất thứ hai: Biến phòng học thành phao thi.
Có bao giờ bạn học bài rất kỹ mà vào phòng thi vẫn cứ quên không? Với cách nhớ bài nhanh nhất này, bạn không chỉ nhớ nhanh hơn, mà còn hạn chế được việc quên các ý khi làm bài. Tất cả những gì bạn cần làm là… nhìn quanh phòng, và mỉm cười, rồi nhớ lại kiến thức mau chóng. Chuyện này có thể không? Tất nhiên là có!

Ngoài ra, cách nhớ bài nhanh nhất này còn có thể cứu bạn thoát khỏi những tình huống hiểm nghèo. Chẳng hạn, hôm đó bạn quên học bài mà lại bị gọi lên bảng bất chợt. Lúc ấy, bạn chỉ cần bình tĩnh bước lên bục giảng, vừa đi vừa liếc vở và một số đồ đạc trên lớp. Sau đó, những đồ đạc ấy đã biến thành “phao” đặc biệt, giúp bạn trả lời đủ các ý chính và thoát nạn!
Chưa hết, không chỉ với bài vở trên lớp, bạn còn có thể ứng dụng cách nhớ bài nhanh nhất này cho những bài thuyết trình trên lớp. Với nó, bạn sẽ không bao giờ lâm vào tình trạng không biết phải nói gì, vì mọi thứ xung quanh bạn như biến thành những chiếc màn hình nhắc bài tuyệt vời cho bạn mà không ai biết. Quá tuyệt phải không nào?
Chuyện viễn tưởng ư? Không đâu, cách nhớ bài nhanh nhất này là có thật, và hoàn toàn… hợp pháp.
Thực ra đây là một trong những cách nhớ bài nhanh nhất mà các nhà diễn thuyết cổ đại từng sử dụng để ghi nhớ hàng trăm thứ cần nói trước đám đông. Cách nhớ này sẽ biến mọi thứ quanh bạn trở thành những chiếc móc treo, nơi bạn có thể “treo” thông tin cần nhớ vào, dễ như treo áo vào móc vậy. Bạn đã sẵn sàng trải nghiệm nó chưa?
Giả sử bạn cần nhớ tận 10 đặc điểm của đồng bằng sông Hồng như dưới đây. Cách nhớ bài thông thường sẽ là ngồi đọc lẩm bẩm, cho tới khi bạn nghĩ là mình thuộc (và khi vào phòng thi mới biết là chưa)
1 – Địa hình tương đối bằng phẳng
2 – Đất có phù sa do sông Hồng bồi đắp
3 – Hệ thống sông ngòi dày đặc
4 – Khí hậu nhiệt đới ẩm
5 – Mùa mưa hay có lũ lụt, mua khô lại thiếu nước
6 – Là vùng có mật độ dân cư cao
7 – Tài nguyên than đứng đầu cả nước
8 – Vùng biển có bãi triều rộng, phù sa dày
9 – Đất đai rất thích hợp thâm canh lúa nước
10 – Diện tích 21063 km2 (theo vietnamtourism.com)
Nếu ví các thông tin trên là quần áo, thì bây giờ chúng ta cần mắc nó lên những chiếc móc áo, chính là những đồ vật trên lớp. Giả sử trong phòng học của bạn có những đồ vật như sau (xem hình dưới): 1 – Quạt; 2 – Công tắc; 3 – Sàn nhà; 4 – Bảng; 5 – Dây điện; 6 – Màn chiếu; 7 – Loa; 8 – Bóng đèn; 9 – Cửa sổ; 10 – Cái bàn.
Nếu đã đọc sách Numagician, bạn sẽ thấy bản chất của trí nhớ là sự liên kết thông tin mới (quần áo) với các thông tin cũ (móc treo). Liên kết càng chặt thì bạn càng nhớ lâu. Liên kết chặt có thể tạo ra bằng lặp đi lặp lại, song đó chưa phải là cách nhớ bài nhanh nhất. Mà cách nhanh nhất, là bạn tạo ra những câu chuyện ngộ nghĩnh, lạ lùng, để liên kết chúng.
Dưới đây là các “móc treo trí nhớ”, và “quần áo thông tin” tương ứng mà chúng ta sẽ “móc” hay liên kết vào bằng một ” liên tưởng thú vị”.
1 – Quạt – Địa hình tương đối bằng phẳng: Dùng quạt thần thổi bay mọi thứ, đất cát bị san phẳng
2 – Công tắc – Đất có phù sa do sông Hồng bồi đắp: Có một cái công tắc, bật phát là phù sa ra ầm ầm
3 – Sàn nhà – Hệ thống sông ngòi dày đặc: Trên sàn lớp học bỗng có sông suối hiện ra, làm ướt chân ta.
4 – Bảng – Khí hậu nhiệt đới ẩm: Cái bảng lúc nào cũng nóng ấm và ẩm ướt.
5 – Dây điện – Hay có thiên tai thất thường: Dây điện thi thoảng lại tóe ra sét, thậm chí mưa, gió thất thường
6 – Màn chiếu – Là vùng có mật độ dân cư cao: Mọi người chen chúc, đòi nhảy ra ngoài từ màn chiếu
7 – Loa – Tài nguyên than đứng đầu cả nước: Vác loa ra chợ hô “Ai mua than đê, than đồng bằng sông Hồng đây…”
8 – Bóng đèn – Vùng biển có bãi triều rộng: Bãi biển rộng lớn, hàng trăm chiếc bóng đèn bật sáng trên cát.
9 – Cửa sổ – Đất đai rất thích hợp thâm canh lúa nước: Trên cửa sổ bỗng mọc ra những cây lúa trang trí
10 – Cái bàn – Diện tích 21063 km2.: Cái bàn có diện tích 21063 km2???
Hãy đọc nhẩm câu chuyện liên tưởng bên trên vài lần. Sau đó bạn hãy thử nhìn vào từng thứ theo thứ tự ở bức tranh bên dưới, và kiểm tra xem mình đã nhớ được bao nhiêu đặc điểm của đồng bằng sông Hồng rồi nhé?

Thế nào? Tôi tin là nếu bạn thuộc 10 liên tưởng thú vị bên trên, thì việc liệt kê ra các đặc điểm đó sẽ rất dễ dàng. Song có thể bạn sẽ gặp khó khăn ở ý thứ 10, với con số khá dài. Đừng lo lắng, mọi thứ đều có thể, vấn đề là phương pháp! Vậy cách nhớ bài nhanh nhất áp dụng cho những con số là gì?
Có nhiều cách đã được Fususu chia sẻ trong Blog “Chinh phục đỉnh Pi”, song ở đây tôi chọn một cách đơn giản mà hiệu quả. Đó là biến hoá các con số thành hình ảnh như bên dưới. Bạn có thấy các hình ảnh ẩn dưới các con số không?

Như bạn thấy đó, số 2 hoá thành con vịt, số 10 là trứng gà, số 63 là xe đua. Trải qua 5 năm nghiên cứu và sáng tạo, tôi đã hoá hình hết tất cả các số từ 1 tới 100, nếu bạn có bộ số-hình này trong tay, bạn sẽ nắm được cách nhớ bài nhanh nhất áp dụng cho số. Lúc ấy, chỉ việc tạo ra một liên tưởng thú vị: Trên một cái bàn rộng lớn, vịt (2) và gà (10) đang đua xe (63) ^^!
Khi bài cần nhớ có cả trăm ý, thì làm sao để áp dụng cách nhớ bài nhanh nhất này?
Thật ra không chỉ giới hạn ở 10 đồ vật, trong phòng có thể có tới hàng trăm đồ vật và bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách nhớ bài nhanh nhất này. Song nếu như bạn không ở trong căn phòng đó thì sao? Thì bạn cần phải… thuộc lòng các đồ vật trong căn phòng đó chứ sao? Đôi khi các giám thị vui tính đổi phòng thi thì… cũng hơi mệt ^^!
Chính vì thế mà tôi đã dày công sáng tạo ra hệ thống ghi nhớ Numagician dành cho bạn. Nếu như bạn luôn nhớ số 2 là con vịt, thì đâu cần phải liên kết 3 thứ: Ý số 2 – công tắc – đất phù sa… thành ý tưởng số 2 là công tắc bật ra phù sa nữa? Bạn chỉ việc liên kết 2 thứ, giữa con vịt và đất phù sa, thành con vịt đang bơi trên phù sa là xong?
Và hãy tưởng tượng, bạn có 100 con số được hoá hình như thế, bạn có thể nhớ cả trăm ý, dù ở bất cứ đâu. Chưa kể là việc ghi nhớ các dãy số dài sẽ còn dễ dàng hơn bao giờ hết. Một công đôi việc phải không nào? Có thể nói, cho tới thời điểm này, một trong những cách nhớ bài nhanh nhất áp dụng cả số, và chữ, 2 trong 1 như vậy, chính là Numagician.
Đặc biệt lưu ý khi áp dụng cách nhớ bài nhanh nhất này
Nếu bạn nghĩ cách nhớ bài nhanh nhất này phải mất công nghĩ ra câu chuyện liên tưởng, và đôi khi còn chậm hơn cả cách đọc lẩm bẩm thông thường. Điều này chỉ đúng một nửa thôi nhé. Cũng giống như tập đánh máy 10 ngón, ban đầu có thể sẽ chậm, nhưng một khi đã thành thục thì tốc độ của bạn sẽ nhanh gấp 10 những người mổ cò, vừa đánh vừa nhìn!
Ngoài ra, nếu gặp những đoạn dài thì bạn nên lọc ra từ khoá, và hoá hình cho chúng trước khi tạo ra câu chuyện liên tưởng, thì sẽ hiệu quả hơn. Kết hợp với cách nhớ bài nhanh nhất trong blog Học không vào thì mình làm phao, bạn có thể tóm cả cuốn sách lên mẩu giấy nhỏ, và diễn giải chính xác tới từng chương khi chỉ tay vào một biểu tượng nhỏ trên đó!
Ban đầu có thể chưa quen, bạn sẽ nhớ nhanh được lượng thông tin ít, nhưng một khi thành thục cách nhớ bài nhanh nhất này, bạn sẽ không chỉ nhớ được hàng trăm ý lớn, ý nhỏ, mà còn có thể nhớ được những bài thơ dài, nhớ chính xác tới từng câu theo số thứ tự, nhớ bất cứ thứ gì, chỉ việc chia nhỏ chúng ra và đánh số cho chúng. Thật là tuyệt phải không nào?
Hãy áp dụng ngay các cách nhớ bài nhanh nhất này, để việc học trở nên nhàn hạ và sung sướng hơn bạn nhé. Song điều quan trọng nhất là áp dụng đều đặn, chứ đừng nước tới quá chân mới nhảy nhé. Cách này có thể sẽ giúp bạn nhớ một vài bài nhanh hơn, song nếu ép bộ não nhớ quá bài nhiều cùng một lúc, có thể sẽ hơi “căng” một tẹo đấy ^^!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách nhớ bài nhanh hoặc cách nhớ bài nhanh fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung, học hành, làm việc, ra quyết định… dù làm gì bạn cũng phải dùng tới não. Thượng đế ban cho bạn, cho tôi, cho mỗi người bộ não thiên tài, chỉ tiếc là ngài quên gửi hướng dẫn sử dụng mà thôi.
Nếu một người trí nhớ “cá vàng”, tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm Văn như tôi có thể nhớ dãy Pi dài 1000 số, đạt 28/30 thi đại học, xuất bản tới 9 cuốn sách, thì không có gì là bạn không thể.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là chìa khóa để giải phóng sức mạnh não bộ! Hãy sẵn sàng để đánh thức phù thủy trí nhớ trong bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
38 thoughts on “Cách nhớ bài nhanh nhất ngay cả khi mai thi rồi!!!”
Wow, đã có (38) Awesome Comments!
Anh cho em hỏi hình và con số mà anh gắn vào là cố định còn câu chuyện kết nối hình ảnh đó lại mới khác nhau thôi đúng không anh ?
VD như trong mọi trường hợp anh đều chọn con vịt làm số 2 và gắn hình ảnh con vịt vào nhưng câu chuyện khác nhau để ghi nhớ
Đúng rồi nhé, mỗi lần nhớ thứ khác lại tạo câu chuyện khác :D