![]() |
Cách Giao Tiếp Hiệu Quả Cho “Ông Nội Bà Ngoại”...
Dù đề cập tới “ông nội” và “bà ngoại”, song Fususu tin rằng Blog này là dành cho bạn, hay cho bất cứ ai muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Thực ra “nội” với “ngoại” ở đây là hai kiểu tính cách dễ thấy: Hướng nội, hướng ngoại. Dành ít phút đọc Blog này, bạn sẽ hiểu hơn và biết cách giao tiếp hiệu quả với họ, cũng như giúp họ giao tiếp với nhau.
Đầu tiên tôi rất biết ơn ai đã phát minh ra thuật ngữ “người hướng nội” và “người hướng ngoại”. Từ khi có nó, những người nói nhiều trong công ty tôi ngày xưa không bị gán mác “lắm chuyện”, còn những người ít nói như tôi cũng được an ủi khi thoát khỏi mác “tự kỉ”. Chưa kể là khi hiểu nhau hơn, chúng tôi cũng thông cảm hơn, và biết cách giao tiếp hiệu quả hơn.

Tất nhiên, Blog chỉ là quan điểm cá nhân, rất mong được học hỏi thêm kinh nghiệm của bạn. Sau khi đọc xong, hãy comment chia sẻ xem bạn là ông nội hay bà ngoại, hoặc ông ngoại hay bà nội, cũng như kinh nghiệm thực tiễn của bạn nhé. Cùng học hỏi lẫn nhau, chúng ta sẽ tìm ra những cách giao tiếp hiệu quả và cụ thể hơn nữa.
Tại sao lại có ông nội và bà ngoại?
Do nếu viết đủ “người hướng nội” và “người hướng ngoại” khá dài, nên tôi sẽ gọi đại diện những người hướng nội là “ông nội”, còn những người hướng ngoại là “bà ngoại”. Việc này đơn thuần chỉ là một cách gọi tắt thú vị, giống như tôi hay tự nhận mình là ÔNG NỘI (người đàn ÔNG hướng NỘI), chứ không có ý phân biệt giới tính (dù thực tế, phụ nữ thường nói nhiều hơn).
Mà thật ra, không hẳn cứ nói nhiều sẽ là bà ngoại, còn nói ít là ông nội. Một ông nội cũng có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ với ai đó mà họ tin tưởng, một bà ngoại cũng có thể im lặng cả giờ để lắng nghe ai đó cần họ giúp đỡ. Tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy nội hay ngoại, cũng chỉ là cách mà tâm trí phản ứng với những yếu tố bên ngoài hay bên trong mà thôi.
Nếu như cơ thể cần thực phẩm để hoạt động, thì tâm trí cũng cần được “thực phẩm” để phản ứng và tạo ra suy nghĩ. Thực phẩm cho cơ thể có nhiều loại, có người thích rau củ, có người thích đồ nhiều đạm, v.v… Tương tự, “thực phẩm” cho tâm trí có thể là thứ gì đó sôi nổi ở thế giới bên ngoài, hoặc có thể là những đối tượng sâu sắc ở thế giới nội tâm.
Đặc điểm của ông nội là gì?
Khi một thứ gì đó ở thế giới bên ngoài xuất hiện, chẳng hạn như một lời nói của ai đó tới tai mình, thì dù ông nội hay bà ngoại, miễn là tai còn tốt, não còn hoạt động thì tâm trí chúng ta đều tạo ra phản ứng là một suy nghĩ nào đó, kiểu như “Lời nói đó thật tuyệt” hoặc “Lời nói đó thật là khó nghe” v.v..
Sự khác biệt là lúc sau đó, tâm trí ông nội thường sẽ tự phản ứng với suy nghĩ ấy, và tạo ra một cuộc tự trò chuyện trong đầu. “Tại sao họ lại nói câu đó? Họ có thật lòng không? Điều gì đang xảy ra vậy? v.v…” cứ như thế, chỉ cần một hạt giống sự kiện bên ngoài gieo xuống, mảnh đất nội tâm của ông nội sẽ sinh sôi nảy nở cho tới khi tâm trí no bụng.
Nếu tồn tại một thiết bị có thể biến suy nghĩ trong đầu thành tiếng, thì chắc chắn bạn sẽ thấy họ “nói” nhiều không thua kém các bà ngoại. Đó là lý do mà ông nội chẳng hề cảm thấy cô đơn khi ở một mình, họ có thể tập trung cao độ, không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, họ tự nói chuyện trong đầu rất nhiều.
Đặc điểm của bà ngoại thì sao?
Bà ngoại thì khác, họ thường có xu hướng nói luôn suy nghĩ của mình ra bên ngoài và chờ phản hồi từ mọi người. Rồi khi người kia đáp lại, lời nói đó lại làm dấy lên trong bà ngoại một suy nghĩ mới, bà sẽ tiếp tục nói, và làm bầu không khí trở nên sôi động (Một số bà ngoại cũng có khả năng tự phản ứng với lời nói của mình sau khi nói ra, nên càng nói càng hăng).
Đó là lý do mà bà ngoại thường rất phấn khích khi tới những nơi đông người, thích đi ra ngoài cà phê, họ trò chuyện đơn giản là trò chuyện, đôi khi chẳng cần lý do gì cả, vì đó là cách họ cho tâm trí ăn. Nên bạn sẽ thấy cuộc trò chuyện của các bà ngoại thường không có chủ đề cố định, thứ gì họ cũng nói được cả.
Còn ông nội thường thích ở một mình, những nơi yên tĩnh, và nếu phải giao tiếp với ai đó, thì họ cần một mục đích cụ thể, vì đó là loại “thực phẩm” ưa thích của tâm trí họ. Nên các ông nội ngồi nói chuyện với nhau thường trầm lắng và sâu sắc hơn, tập trung vào một chủ đề nào đó khá rõ ràng.
Cách giao tiếp hiệu quả với ông nội nói chung?
Do thường tiếp xúc với chính những suy nghĩ của mình và phản ứng, nên các ông nội có một khả năng thú vị: tự trò chuyện. Nhiều khi khả năng này phát triển mạnh tới mức, họ như có một (hoặc vài) thư ký riêng trong đầu. Nên trông bề ngoài thì rảnh, song thực ra bên trong họ rất bận rộn với các thư ký riêng của mình.
Do vậy, cách giao tiếp hiệu quả với ông nội là bạn nên “hẹn lịch” trước với mục đích họ rõ ràng. Chẳng hạn, trước khi Alo cho ông nội, nếu bạn nhắn tin trước thường họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn là một cuộc gọi bất ngờ. Các ông nội cũng thường suy tính rất kỹ, nên bạn hãy cho họ thời gian để ra quyết định, việc ép họ ra quyết định ngay sẽ rất khó.
Do thường có tính mục đích cao, và thích tiên liệu mọi thứ từ trước, nên nếu bạn muốn rủ ông nội đi chơi hoặc có kế hoạch gì đó, thì cách giao tiếp hiệu quả là cứ hỏi họ trước, càng sớm càng tốt, chứ đừng đưa ra quyết định đột ngột. Vì khi đưa ra những thứ bất ngờ, không chỉ ông nội bất ngờ đâu, mà cả trăm thư ký trong đầu họ cũng sẽ la làng.

Cách giao tiếp hiệu quả với bà ngoại nói chung?
Do tâm trí bà ngoại luôn đón chờ điều gì đó ở bên ngoài để phản ứng, nên cách giao tiếp hiệu quả với bà ngoại là bạn hãy cởi mở, và càng chủ động càng tốt. Nếu bạn có một suy nghĩ gì đó, có một ý muốn gì đó, đơn giản là nói thẳng ra với họ, hãy alo cho họ, chứ bạn đừng hi vọng rằng họ sẽ đoán được suy nghĩ trong đầu bạn.
Bên cạnh đó, do bộ não của bà ngoại thường tư duy rất nhanh, họ nói cũng khá nhiều, nên sau khi thống nhất ra được ý tưởng nào đó, bạn nên ghi chép lại, nhắn tin, email lại. Ngày xưa, trong các cuộc họp công ty, mọi người bàn tán sôi nổi, còn tôi lắng nghe và tạo ra những biên bản cuộc họp chất lừ nên rất được các sếp tin tưởng.
Ngoài ra cũng có các bà ngoại tuy bên ngoài sôi nổi, song họ lại thích sự sâu sắc. Lúc này các ông nội có thể phát huy thế mạnh của mình là: lắng nghe. Có thể là bạn sẽ hơi mệt đấy, vì bà ngoại sẽ nói từ A tới Z, không theo lộ trình nào cả, nên mẹo là bạn hãy sử dụng câu hỏi để làm chủ cuộc trò chuyện, và học hỏi được điều gì đó qua những câu chuyện bà ngoại kể.
Bạn là ông nội hay bà ngoại và cách giao tiếp hiệu quả là gì?
Thật ra thì ai cũng sẽ có những lúc “chán cơm thèm phở”, thi thoảng ông nội cũng thích ăn thực phẩm của bà ngoại (và ngược lại), đó là lý do có những người cảm thấy như cân bằng ở giữa, sau một thời gian hướng nội, họ lại muốn hướng ngoại. Đây là điều hết sức bình thường, song thường thì sau một thời gian, họ sẽ trở về với xu hướng tự nhiên nhất của mình.
Hiểu được sự khác biệt giữa ông nội và bà ngoại, là bước tiên quyết trong cách giao tiếp hiệu quả. Bởi vì suy cho cùng, mọi mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, là do mọi người không hiểu nhau. Chứ ở sâu thẳm bên trong mỗi người, đều là những hạt giống thiện lành, đều là những mục đích tốt đẹp. Sự khác nhau chỉ là lớp vỏ, là cách thể hiện ra bên ngoài mà thôi.
Cho dù bạn là ông nội hay bà ngoại, hoặc bà nội hay ông ngoại, điều đó cũng không có quan trọng bằng việc chúng ta hiểu nhau. Hi vọng rằng Blog này giúp bạn hiểu hơn về cách giao tiếp hiệu quả giữa ông nội và bà ngoại nói chung, còn cách thức cụ thể thế nào còn tuỳ vào tình huống thực tế, nên rất mong bạn có thể comment và chia sẽ quan điểm của mình.
P.s. Trước khi chia tay, tôi có một câu đố tặng bạn. Theo bạn thì giữa người hướng nội và người hướng ngoại, ai sẽ thuyết trình trước đám đông tốt hơn?

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách giao tiếp hiệu quả hoặc cách giao tiếp hiệu quả fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
5 thoughts on “Cách Giao Tiếp Hiệu Quả Cho “Ông Nội Bà Ngoại””
Wow, đã có (5) Awesome Comments!
Em nghĩ là ông nội và bà ngoại ai hiểu rõ vấn đề mình cần truyền tải hơn, ai hiểu được thính giả cần gì ở mình hơn, người đó sẽ thuyết trình hay hơn ạ
em nghĩ thuyết trình là kĩ năng còn ông nội hay bà ngoại thì nó là bản chất nên dù là ai thì muốn thuyết trình tốt đều phải luyện tập rất nhiều
Chuẩn rồi e ^^! Song nhiều người cứ nghĩ hướng nội –> ngại nói –> thuyết trình ko tốt, vì thuyết trình là nói :))
Năm 2018, mình có chúc mừng sinh nhật FUSUSU là năm 2018 bạn lập gia đình. Vậy là mình đoán đúng nha. Hiii Chúc ông nội và bà ngoại trăm năm hạnh phúc.
Hihi, lời chúc của bạn linh ứng quá ^^! Hãy chúc mình 2019 ra 1 cuốn sách hót nữa nha :D