![]() |
Top 10 thói quen lãng phí thời gian...
Một tỉ phú giàu nhất thế giới, khi đối mặt với cái chết, cũng không thể mua thêm 1 giây để sống. Thời gian là vô giá, chuyện đó không phải bàn. Song có lẽ vì không có một cái giá cụ thể, nên hầu hết mọi người chẳng ý thức được thói quen lãng phí thời gian của mình, tới khi nhận ra thì chẳng thể cứu vãn.

Thật ra 10 thói quen lãng phí thời gian này đã được Fususu liệt kê trong Blog top 100 thói quen xấu cần tránh vào cuối năm 2017, kèm theo quà tặng là hành trình 8 tuần từ bỏ thói quen xấu, bật mí 8 cách đánh bật thói quen xấu tận rễ. Tới nay bài đó đã hơn 22.500 lượt đọc, song số người tham gia hành trình ấy, chỉ vỏn vẹn 1.200.
![]() |
![]() |
Chưa tới 5% tham gia, và theo thống kê lượng người mở Email, thì số người đi hết được tới tuần thứ 8 cũng giảm theo thời gian, chưa được 25%. Những con số thật chạnh lòng, song dù sao đi nữa thì cũng không nên suy nghĩ tiêu cực, bởi vì đó cũng là một thói quen lãng phí thời gian!
Thói quen lãng phí thời gian #1 – Suy nghĩ quá nhiều về những phản hồi tiêu cực…
Một xu hướng của bộ não là thích đổ lỗi, hoặc thích được nhìn thấy ai đó phạm lỗi, đặc biệt là chính mình. Khi nhận được phản hồi tiêu cực, thói quen lãng phí thời gian này khiến bộ não ca cẩm: Thấy chưa, đã bảo rồi mà, bí quyết hay tới mấy mà chia sẻ miễn phí, chắc chẳng ai tin dùng đâu (ha ha, thế nên Fususu mới viết sách).
Việc đắm chìm trong cảm giác tội lỗi, hoặc cho phép bộ não ca cẩm, cũng chẳng ích gì. Cách tốt nhất để cứu vãn bản thân ra khỏi cái đầm lầy tiêu tốn thời gian ấy, là rút kinh nghiệm, và hành động. Hãy nhớ, cứ mỗi phút bạn đắm chìm trong suy nghĩ tiêu cực, bạn mất đi 60 giây để cứu vãn tình hình!
Thói quen lãng phí thời gian #2 – Dành thời gian lo lắng cho những thứ chưa xảy ra…
Ai cũng có một mái nhà để tìm về, riêng tâm trí chúng ta có tận hai nơi. Một là những lỗi lầm trong quá khứ, và hai là những nỗi lo trong tương lai. Giây phút nào mà bạn còn cho phép tâm trí nằm bẹp ở hai cái hốc đó, bạn sẽ không thể tận hưởng được ánh sáng của hạnh phúc trong hiện tại.
Biết lo lắng là tốt. Song cũng có hai loại lo lắng. Lo lắng có ích, và lo lắng vô ích. Sự lo lắng có ích giúp bạn bảo toàn tính mạng, hành động cẩn thận hơn, để tránh những sai lầm không cần thiết. Còn lại, đều là những nỗi lo vô ích, đừng để chúng trở thành thói quen lãng phí thời gian của bạn.

Thói quen lãng phí thời gian #3 – Lướt Facebook, xem hết tin này tới tin khác…
Nếu như bạn tình cờ vuốt Smartphone thấy Blog này. Tôi hi vọng sau khi đọc xong, bạn ngẩng đầu lên, ngắm bầu trời ngoài cửa sổ (dù có tối đen). Hoặc xách dép lên, trèo tới đỉnh một ngọn núi gần đó (hoặc leo thang bộ lên sân thượng cũng được), để thấy rằng lâu nay cái tay của bạn hoạt động nhiều hơn cái chân tới dường nào…
Facebook, hay gì đi nữa, cũng chỉ là những công cụ, đừng để nó biến bạn trở thành ông cụ. Bạn năng động hơn bạn nghĩ nhiều. Còn nhiều nơi phải đi, còn nhiều thứ phải làm, đừng để thói quen lãng phí thời gian này cản trở bạn.
Mẹo hay: Nếu phải dùng Facebook, hãy dùng nó như một ông chủ, hãy học cách biến nó thành thứ có ích. Chẳng hạn như tôi, sau khi viết Blog, tôi chia sẻ ở Facebook chứ ít khi la cà trên đó.
Thói quen lãng phí thời gian #4 – Cố gắng thay đổi thói quen xấu của một ai đó…
Thay đổi bản thân đã khó lắm rồi, vậy thì bạn làm ơn đừng lãng phí thời gian thay đổi ai đó. Sự thật là bạn chẳng bao giờ có thể thay đổi được ai, trừ khi họ tự quyết định mình phải thay đổi. Đó là lý do dù bạn có đốc thúc, có nhắc nhở, mấy hôm sau đâu lại vào đó.
Nhưng nếu đó là người chúng ta thật sự quan tâm thì sao? Một lần nữa, hãy thay đổi bản thân bạn. Sự thật là có một cách thay đổi bản thân, để người khác thay đổi. Đó là chúng ta thay đổi cách mà mình đối xử với họ, từ “một kẻ cần thay đổi”, thành “một người đã đổi thay.” Hãy đối xử với họ như thể họ đã thay đổi, rồi bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Thói quen lãng phí thời gian #5 – Xem các tin tức “hót” và video quảng cáo…
Đã bao giờ bạn định lướt Youtube, Facebook để giải trí một tí, song gặp tình huống này chưa? Bạn thấy có một clip có vẻ hay và hót, bạn định dành thêm tí nữa để xem, và cứ thế hết “tí” này tới “tí” khác. Tới khi ngẩng đầu lên thì ôi thôi, một “tí” đã biến thành một tiếng rồi?
Giải trí và thư giãn đầu óc là điều cần thiết, song bạn nên biết rằng thật ra cách giải trí đích thực không phải là bạn tiếp tục nhấn chìm tâm trí vào các thông tin “giải trí” mà người ta chia sẻ tràn ngập . Mà cách đem lại năng lượng tuyệt vời nhất cho tâm trí và giúp nó thư giãn, chính là sự tĩnh lặng.
Mẹo hay: Hãy đảm bảo trình duyệt bạn sử dụng có cài chức năng chặn quảng cáo, bạn sẽ giảm được tới 90% các thông tin không cần thiết lọt vào tầm mắt của mình.
Thói quen lãng phí thời gian #6 – Tán gẫu, nói những chuyện không mang lại lợi ích…
Việc trò chuyện, kết nối là điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, trừ phi bạn muốn bị tự kỷ. Song các chủ đề trò chuyện cũng rất quan trọng, nếu không khéo, đây sẽ không chỉ trở thành thói quen lãng phí thời gian hàng đầu, mà còn tạo ra “khẩu nghiệp” không tốt cho bạn.
Mỗi cuộc trò chuyện, mỗi cơ hội kết nối trong cuộc sống, đều rất quý giá. Vì không ít thì nhiều, đều chiếm thời gian của bạn, vốn quý giá hơn. Vậy tại sao không biến chúng trở nên có ích hơn, thay vì cười chê, hãy khích lệ. Thay vì nói xấu, hãy ngợi ca (kể cả sau lưng).
Mẹo nhỏ: Người ta hay nói xấu sau lưng, còn bạn hãy cố gắng khen tặng sau lưng, càng nhiều càng tốt.

Thói quen lãng phí thời gian #7 – Xem TV, đọc báo không có chọn lọc…
Có thể điều này hơi lạ, song sự thật là hơn mười mấy năm nay, trừ những lần bất khả kháng như ngồi quán ăn, cái TV đập vào mặt, thì tôi chưa bao giờ có chủ ý xem TV, còn báo chí thì miễn động tới. Vì sao ư? Vì cho dù tin tức họ đưa ra có giật gân tới mấy, 90% sẽ không liên quan tới hạnh phúc và thành công của bạn.
10% thông tin còn lại thực sự hữu ích, thì bạn nên là người chủ động nắm lấy. Hãy chủ động theo dõi các trang thông tin liên quan tới mục tiêu của bạn, giúp bạn nâng cao chuyên môn, duy trì năng lượng tích cực.
Mẹo nhỏ có võ: Bạn có thể dùng chức năng báo cáo tự động của Google, để nhận được tin tức nhanh nhất liên quan tới các từ khóa mình lựa chọn. Xem chi tiết tại đây.
Thói quen lãng phí thời gian #8 – Lúc nào cũng nghĩ “chỉ mình mới làm được”
Trong các thói quen lãng phí thời gian, đây được liệt vào dạng thói quen nguy hiểm và cứng đầu nhất. Suy nghĩ “chỉ mình làm được” không hẳn đến từ sự kiêu căng, mà cũng có thể đến từ trải nghiệm không hiệu quả khi làm việc nhóm, hay sự lo lắng để có một kết quả tốt nhất.
Song dù sao đi nữa, người giỏi không phải là người làm tất cả, mà là người biết kết hợp tất cả nguồn lực để tạo nên kết quả xuất sắc. Bản thân tôi cũng hay tự làm mọi thứ, xuất bản sách còn tự dàn trang, tạo web còn viết từng dòng code, và quả là… rất tốn thời gian!

Tự làm mọi thứ có thể đem lại cảm giác được kiểm soát, song cũng dễ gây ôm đồm, căng thẳng, tạo thành thói quen lãng phí thời gian không cần thiết. Cách cứu vãn là buộc bạn phải ngồi lại, xác định thế mạnh của mình, và ưu tiên dành thời gian cho những thứ chỉ bạn mới làm được thực sự, không ai có thể thay thế.
Thói quen lãng phí thời gian #9 – Đặt ra nhiều mục tiêu không thực sự cần thiết…
Người ta nói bạn nên học cách đặt mục tiêu. Rất đúng, song để chinh phục mục tiêu đã đặt ra, bạn cũng cần học cách bỏ đi các mục tiêu không thực sự cần thiết. Brian Tracy, tỉ phú Mỹ nổi tiếng từng nói, “Bạn sẽ không có đủ thời gian để làm mọi thứ, nhưng bạn luôn có đủ thời gian cho những thứ quan trọng nhất.”
Và một bài tập của ông mà tôi rất thích, sẽ cứu vãn chúng ta khỏi thói quen lãng phí thời gian này. Đó là bạn liệt kê ra ít nhất 21 mục tiêu, rồi giả định rằng mình chỉ có thể làm được một nửa thôi. Hãy gạch bỏ một nửa. Cứ thế gạch tiếp, cho tới khi ra điều quan trọng nhất.
Thói quen lãng phí thời gian #10 – Làm những việc lặt vặt, khi việc chính vẫn còn…
Không thể phủ nhận là thói quen lãng phí thời gian này đem lại một cảm giác khoan khoái dễ chịu. Làm những việc dễ trước, tạo thành quả, tạo cảm hứng để có thể tiếp tục thực hiện những việc khó hơn. Nghe thật là có lý, bạn có thể dành cả sáng làm việc lặt vặt, cả ngày làm việc lặt vặt, song sẽ ra sao nếu cả đời cứ làm việc vặt, tới già mới tá hỏa lo cho việc chính?
Đó là một thói quen lãng phí thời gian thực sự, cần phải diệt bỏ ngay bằng một thói quen mới: Làm việc khó trước. Nếu đã đọc cuốn sách Ăn Con Ếch của Brian Tracy, chắn chắn bạn sẽ quán triệt được tư tưởng này. Làm việc quan trọng, việc khó trước, ăn con ếch to trước, những việc còn lại, những con ếch nhỏ, sẽ dễ như bỡn!
Lưu ý: Trong quản lý thời gian, bạn cần làm việc quan trọng và khó trước. Điều này khác với tạo dựng thói quen, bắt đầu từ hành động đơn giản, dễ dàng trước. Đừng nhầm lẫn giữa tạo dựng thói quen, và quản lý thời gian nhé. Một bên là hoàn tất công việc, một bên là tạo ra hành động lặp đi lặp lại.
Vậy là chúng ta đã điểm qua 10 thói quen lãng phí thời gian rồi, bạn có dính thói quen nào không? Cách bạn đối trị là gì? Hãy comment nhé!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa thói quen lãng phí thời gian hoặc thói quen lãng phí thời gian fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, kết quả cuộc đời là do thói quen của bạn mỗi ngày, mọi thứ bạn biết sẽ chỉ giúp bạn thành công khi bạn biến chúng thành thói quen. Nói thì dễ, làm toàn quên, hoặc trì hoãn. Đã bao lần bạn hào hứng để thay đổi, rồi song cuối cùng đâu lại vào đấy?
Sau hơn 10 năm vật lộn với việc thay đổi bản thân, hết lần thề này tới thốt lần khác. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sai lầm lớn mà tôi, cũng như hầu hết mọi người đều mắc phải khi thay đổi bản thân.
Thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, CN, làm gì có thứ nào là “thứ mai”? Trước khi quá muộn, trước khi căn bệnh “để mai làm” tái phát, hãy khám phá ngay bí quyết thay đổi bản thân không phụ thuộc động lực, tạo bất cứ thói quen nào bạn muốn, hoặc xóa bỏ thói quen xấu đeo bám dai dẳng bạn nhé.

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
12 thoughts on “Top 10 thói quen lãng phí thời gian”
Wow, đã có (12) Awesome Comments!
Có hết luôn
Rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn bạn Fususu!