Cách làm chủ cảm xúc - quan trọng là thần thái
00:00 00:00
small_logo 17946 views
4.9
(15)

Làm chủ cảm xúc, quan trọng là “thần thái”!...

Đã bao giờ bạn đối mặt với ai đó có một “thần thái” hết sức nghiêm trọng chưa? Lúc ấy bạn có làm chủ cảm xúc được không? Bạn có giữ được “thần thái” bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh không? Blog này sẽ giải mã và hướng dẫn bạn một bí mật đơn giản, nhưng lại giúp làm chủ cảm xúc tận gốc để tự tin hơn trong mọi tình huống.

Cách làm chủ cảm xúc - quan trọng là thần thái

Có một bác Cảnh thật đáng sợ…

Dù luôn cố gắng đi đúng luật, song tôi đã có trên dưới 3 lần gặp bác Cảnh… sát giao thông. Nhưng thế chưa là gì, có một bác Cảnh khác còn đáng sợ hơn cả, vì khi bị tóm mà không làm chủ cảm xúc tốt, bạn sẽ trở thành nô lệ vĩnh viễn. Tên đầy đủ của bác này là Hoàn văn Cảnh, tên thân mật là Hoàn Cảnh.

Nhiều người sợ bệnh vô cảm, song tôi thấy có một căn bệnh khác còn nguy hiểm hơn cả, đó là không biết cách làm chủ cảm xúc trước hoàn cảnh. Công thức 3H dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tầm quan trọng của việc làm chủ cảm xúc, và tại sao bác Cảnh kia lại đáng sợ đến như thế, cũng như cách “vượt ngục” nếu bị tóm.

Công thức 3H và tại sao phải làm chủ cảm xúc

Tôi hay gọi vui công thức trên là Ba đang Hát (3H) Con Đừng Quấy (CQĐ). Có thể nói, đây là công thức đơn giản, nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời mỗi người. HC, HĐ và HQ là gì, chúng có liên hệ với nhau thế nào và liên quan gì tới việc làm chủ cảm xúc?

HC là Hoàn Cảnh, là những thứ thuộc về thế giới bên ngoài, những thứ bạn nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… nhưng không thể kiểm soát được hoàn toàn. Đây cũng là yếu tố kích hoạt cảm xúc của bạn.

Ví dụ, bạn đâu thể quyết định được là hôm nay, có một bác cảnh sát tự nhiên xuất hiện ở chỗ thường ngày bạn hay đi ngược đường? Đó là Hoàn Cảnh (HC).

HĐ là Hành động của bạn, là phản ứng của bạn đối với Hoàn cảnh (HC). Hành động này có thể là suy nghĩ, lời nói hay việc làm của bạn. Bạn làm chủ cảm xúc càng tốt, thì hành động (HĐ) sẽ càng sáng suốt nuột nà, và ngược lại.

HQ là Hệ quả, là thứ được tạo ra sau khi hoàn cảnh (HC) tiếp xúc với hành động (HĐ), như một phương trình hóa học vậy. Hoàn cảnh (HC) có thể giống nhau, nhưng hành động (HĐ) khác nhau sẽ tạo ra hệ quả (HQ) khác nhau.

Ví dụ, hoàn cảnh (HC) là bị cảnh sát giao thông dừng xe lại. Có người làm chủ cảm xúc tốt, HĐ của họ là phân tích đúng sai với cảnh sát, và HQ là được đi tiếp thong thả. Còn có người làm chủ cảm xúc không tốt, phản ứng dữ dội bằng những hành động (HĐ) không hay, dẫn tới hệ quả (HQ) nghiêm trọng là bị kết tội chống đối người thi hành công vụ.

*Bắt đầu từ đây tôi xin viết tắt Hoàn cảnh – HC, Hành động – HĐ và Hệ quả – HQ*

Vậy là HC tới, người ta phản ứng, người ta HĐ, và nhận HQ. Nếu làm chủ cảm xúc tốt, HĐ tốt, HQ sẽ tốt và ngược lại. Song nếu mọi việc chỉ dừng lại ở đó thì đã quá tốt, bạn sẽ chẳng bao giờ phải đón nhận những HC tồi tệ mà chỉ có thể ngồi than trách ông trời.

Tại sao không làm chủ cảm xúc lại nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Có một thứ nhỏ hơn cái đinh, song bạn ném xuống đất và sau đó nó trồi lên một thứ to gấp triệu lần cái đinh. Đó là hạt đậu thần trong truyện cổ tích chăng? Không phải đâu, nó có thật đấy. Bạn còn nhớ cây đa to như thế nào chứ?

Song bạn có để ý kích cỡ của hạt đa lại siêu nhỏ không? Thật kì diệu, nhỏ như thế lại cho ra cái cây thật khổng lồ! Mỗi cây khổng lồ ấy lại cho ra hàng triệu hạt đa, mỗi hạt đa lại cho ra một cây đa khổng lồ với hàng triệu hạt đa khác. Điều này liên quan gì tới công thức 3H và việc làm chủ cảm xúc?

Mỗi HQ giống như một hạt đa. Khi được gieo xuống đất và gặp điều kiện thích hợp, nó sẽ lớn lên và tạo ra một HC khác, kết hợp với HĐ của bạn, sẽ lại tạo ra HQ tương ứng. HQ này lại sinh ra một HC khác nữa, bạn lại tạo ra HĐ, HQ tương ứng… cứ thế phản ứng này tiếp diễn không ngừng.

Do vậy, nếu làm chủ cảm xúc không tốt, bạn liên tiếp tạo ra những HĐ không sáng suốt, và sẽ liên tiếp nhận hết HQ tồi tệ này tới HQ khủng khiếp khác.

Chẳng hạn, một ngày đẹp trời, bạn đi thi một môn quan trọng nên quyết định mặc áo đỏ cho may mắn. Có một đoạn bạn hay đi ngược đường, song hôm nay không hiểu sao lại có bác cảnh sát đứng đấy và bạn bị hỏi thăm, đó là HC1. HĐ1 của bạn là nộp phạt, HQ1 là mất tiền.

Việc đó làm bạn ấm ức suốt đường đi, và do không tập trung nên bạn tông vào một cái ô tô, suýt làm bể một bên đèn xe. Rồi người chủ ô-tô bước xuống quăng vài câu chửi thậm tệ, đó chính là HC2. Vì bạn không muốn muộn thi nên bạn lựa chọn HĐ2 là xin lỗi rối rít. HQ2 là ông ta cũng dịu lại và lái xe đi trong bực bội. Bạn phóng vèo vèo tới trường thi, may mà vừa kịp giờ. Bạn vào phòng thi và hồi hộp chờ đợi.

Giám thị bước vào, bạn giật mình nhận ra đó là… bác tài xế lúc nãy. Bạn cúi gằm mặt nhưng không kịp rồi, ông ta đã nhận ra và suốt giờ thi hôm đó bạn đã được “ngắm nhìn” với ánh mắt hình viên đạn. Đó là HC3, thật là khó làm chủ cảm xúc lúc ấy, bạn bồn chồn lo lắng, HĐ của bạn là cứ ngồi cắn bút cả giờ.

HQ3 là bước ra phòng thi và nắm chắc trong tay tấm vé thi lại, cùng một cái bút đã bị cắn nát. Bạn bực tức vứt cái bút bị cắn nát đi và buồn bã ra về… và bạn đã không biết rằng, cái bút đó rớt từ trên tầng 4 xuống trúng đầu một chú đang đứng dưới. Và một HC tiếp theo lại đang chờ đón bạn…

Những câu chuyện như trên có thể kể đến hết ngày. Sau hàng chục năm sống, người ta tiếp xúc với hàng vạn HC, họ phản ứng với hàng vạn HĐ, tạo ra hàng vạn HQ, rồi các HQ đó sinh ra hàng triệu HC mới… cứ thế, cứ thế, phương trình phản ứng cuộc đời cứ diễn ra, cho tới một ngày một HC khủng khiếp quá mức chịu đựng xảy ra, họ thốt lên “Ôi trời ơi, sao tôi khổ thế này!”

Thế đấy, do không biết công thức 3H mà người ta liên tục đổ trách nhiệm lên đầu người đàn Ông tên Trời, họ không biết, hoặc không chịu thừa nhận rằng mỗi HĐ trước đây dù là nhỏ đến mấy, cũng đều góp phần tạo ra HC trong hiện tại dù có khủng khiếp đến cỡ nào. Họ luôn nghĩ rằng ai đó có lỗi chứ không phải tôi, nên họ phản ứng trong bực bội, họ lại tạo ra thêm HĐ không sáng suốt, họ lại tự thêm củi vào ngọn lửa khổ đau đang thiêu đốt mình. Thật tội nghiệp!

Công thức 3H giúp ta nhận ra: Mọi kết quả ta có ngay lúc này, đều là do mình. Thật là buồn, vì giờ không còn ai để đổ lỗi! Nhưng cũng thật vui, vì nó có nghĩa ta là người chủ của chính mình. Khi ấy, ông trời trên kia cũng mỉm cười, vì đã bớt đi một trong hàng triệu người kêu réo tên ông mỗi ngày (Ông ấy làm chủ cảm xúc tốt thật!)

Khi bạn nhận ra mình phải làm chủ cảm xúc tốt hơn, phải HĐ sáng suốt hơn, thì HQ tạo ra sẽ tích cực hơn, và tiến trình ngược lại bắt đầu. HQ đó sẽ như một hạt giống, sinh sôi nảy nở, và bắt đầu tạo ra những HC tích cực khác. Đó là luật nhân quả mà các bộ phim luôn dặn, “Hãy im lặng, mọi lời nói đều có thể làm bằng chứng chống lại bạn trước tòa.”

Vậy làm sao để làm chủ cảm xúc hiệu quả?

Nếu bạn google từ khóa cách làm chủ cảm xúc, bạn sẽ tìm thấy rất rất rất nhiều giải pháp. Có thể là uống một cốc nước, hít một hơi thật sâu, tự nhắc bản thân rằng, dù có điều gì xảy ra, một khi mình còn sống thì có nghĩa là… điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra, cho nên hãy cứ bình tĩnh, bô lô, ba la.

Làm chủ cảm xúc bằng cách tự nhắc bản thân...

Những lời khuyên ấy cũng tốt, song thật ra chúng chỉ là thuốc giảm đau tức thời. Vì bản chất của chúng là hướng tâm trí của bạn đến một thứ khác, để bạn tạm thời có những HĐ không tiêu cực. Song cảm xúc tiêu cực bên trong vẫn còn đó, không được giải tỏa, chúng như ngọn lửa âm ỉ cháy, chỉ chờ cơ hội bùng lên!

Tôi tin vào triết lý phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nên việc làm chủ cảm xúc phải trở thành bài luyện tập hằng ngày, thì khi các HC khó khăn xảy đến, “thần thái” chúng ta mới đủ vững mà trụ lại được. Vậy làm sao để luyện tập làm chủ cảm xúc, một thứ trừu tượng và khó nắm bắt?

Liệu ông trời có giúp bạn làm chủ cảm xúc?

Thật ra thì ông trời luôn tạo cơ hội cho chúng ta làm chủ cảm xúc đấy. Ngay lúc này, nếu bạn ngồi yên, hít thở một vài hơi, bạn sẽ thấy đâu đó trên cơ thể xuất hiện cơn ngứa. Nó cũng là một dạng HC, lúc này bạn có 2 lựa chọn. Nếu HĐ của bạn là gãi, thì HQ là cơn ngứa có thể qua đi, nhưng cơn ngứa khác, HC cảnh khác sẽ lại tới!

Biết bao năm qua khi cơn ngứa đến, bạn đã phản ứng, bạn đã gãi thật nhanh. Bây giờ hãy chậm lại, hãy HĐ khác đi, hãy… tận hưởng. Hãy cứ bình tâm quan sát cơn ngứa đó, xem nó diễn ra như thế nào. Rồi bạn sẽ thấy HQ kì diệu! Cơn ngứa sẽ tự hết, hoặc là… chuyển sang ngứa chỗ khác, nhưng rồi nó sẽ qua đi thôi!

Chú ý: Khi bạn để ý thấy có cơn ngứa, hãy quan sát xem có con gì không nhé. Nếu không có con gì cắn, thì hãy bình thản quan sát tiếp. Chứ đừng bạn đừng có quan sát chú muỗi hút cạn máu mình rồi lên đây comment vì Fususu mà bác sĩ bảo em thiếu máu nhé!

Mẹo làm chủ cảm xúc đơn giản: Quan sát cơn ngứa hằng ngày!

Hãy nhớ, nếu bạn không giữ được thần thái bình tĩnh trước HC là cơn ngứa cỏn con, thì sao mà giữ được sự bình tâm trước HC khủng khiếp? Cho nên kể từ nay, khi có cơn ngứa nào đó xuất hiện (mà bạn không thấy chú muỗi hay côn trùng nào cả), thì hãy coi đó là cơ hội rèn luyện làm chủ cảm xúc… cứ bình tâm và quan sát!

Bản chất là bất cứ một HC xảy đến, dù nhỏ hay to, thì chúng đều kích thích các cảm giác nào đó trên cơ thể chúng ta, tạo ra cảm xúc thôi thúc chúng ta phải HĐ thế này thế kia. Quá trình đó diễn ra rất nhanh, và hầu hết mọi người đều không thể ý thức được nếu không có sự luyện tập.

Việc tập quan sát cơn ngứa nói riêng, hay các cảm giác trên cơ thể nói chung và giữ sự bình tâm, không chỉ giúp tâm trí bạn ngày càng vững mạnh, thần thái ngày một bình an, mà còn là cách giúp bạn luyện sự tập trung cao độ. Vì chẳng phải những thứ làm bạn mất tập trung, cũng là một dạng HC đó sao?



Mong tin tốt lành!

Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )

Bạn cảm thấy sao?

4.9 / 5. Bình chọn: 15

Hãy là người đầu tiên

Share vui sẻ sướng...

Thật ư?

Thế giới cần những người như bạn!

Làm sao để bài viết này hay hơn?

Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa làm chủ cảm xúc hoặc làm chủ cảm xúc fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

22 thoughts on “Làm chủ cảm xúc, quan trọng là “thần thái”!


Wow, đã có (22) Awesome Comments!



  1. Ui anh Susu ơi, ở cái dấu sao màu đỏ ( chú thích viết tắt hoàn cảnh, hành động và hệ quả ) ấy, anh viết nhầm 2 chữ viết tắt của hệ quả từ HQ thành HC rồi.

  2. anh ơi, có cách nào để trị thói bất cẩn ko a? mới đầu nằm mà e ăn bao nhiêu điểm xấu. ở trường bị bạn bè chê cười, về nhà thì nghe mẹ chửi. Vì qúa buôn nên e lao đầu vào youtube cả tối, thế là đến giờ ms học. e nên làm sao ạ

  3. Bài viết thật ý nghĩa cảm ơn tác giả. Chúc Nam Phương nhiều sức khỏe và có nhiều bài viết hay như thế.

  4. Chào anh Phương, rất cảm ơn blog của anh việc giúp em quản lí cảm xúc và chuẩn bị cho bài thuyết trình về quản lí cảm xúc. Anh cho em xin phép mượn nội dung 3H, cách quản lí cảm xúc để giới thiệu cho các bạn trong lớp, có được không anh Phương ?

    1. Được nhé em ^^! Nếu em lấy hình minh hoạ, thì để chữ fususu.com nho nhỏ ở trong slide là dc nha ^^!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *