![]() |
3 Bí Mật Ngôn Ngữ Cơ Thể Khi Thuyết Trình Từ Nhà Vô Địch...
Đố bạn ai là người có ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình tốt nhất thế giới?
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Steve Jobs ư?
Có thể lắm, phong cách và ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình chuyên nghiệp của ông làm cả thế giới cắm đầu mua một loại táo không ăn được.
Một số người nói là Hitler?
Có thể lắm. Nếu xem bài phát biểu của ông, bạn sẽ thấy ông chỉ cần dùng duy nhất một ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình mà khiến cả vạn binh lính hừng hực khí thế, còn cả thế giới thì e sợ.
Bạn nghĩ sao về những người câm điếc?
Nếu mục đích chính của ngôn ngữ cơ thể là để giúp bạn truyền tải ý tưởng hiệu quả trong giao tiếp, thì những người câm điếc chắc là những bậc thầy ngôn ngữ cơ thể (nhưng có lẽ không phải là trong thuyết trình, vì nếu học từ họ thì bạn chắc là bạn chỉ có thể thuyết trình trước họ mà thôi.)
Trong Blog này, bạn sẽ được bật mí bí mật TCM mà Fususu học hỏi từ những nhà vô địch thuyết trình, giúp bạn phát triển ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp và thuyết trình một cách rất tự nhiên và ấn tượng.
TCM là gì? Hãy cùng đến với chữ T.
Đó là viết tắt của Tay.

Bí mật ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình với chữ T
Đã bao giờ bạn thuyết trình mà cảm thấy tay chân mình thừa thãi, không biết để đâu chưa?
Nên để trên, để dưới, hay là đút túi quần?
Nếu tham gia các khóa học thuyết trình hay MC, có thể bạn sẽ được khuyên rằng nên để tay ở phía trước trên bụng. Bạn biết tại sao không? Vì MC nào cũng như vậy ư?
Thật ra tay bạn để đâu cũng được, miễn là nó có mục đích. Và mục đích của ngôn ngữ cơ thể ấy là giúp bạn di chuyển tay tới vị trí khác dễ dàng nhanh chóng.
Giả sử tôi nói, “Hôm nay bạn sẽ được bật mí bí mật TCM” và tôi tay đưa từ vị trí đó lên cao sẽ rất dễ. Còn nếu bạn đút tay trong túi quần, thì không chỉ mất thời gian, mà khán giả có thể nghĩ bạn rút súng ra và chạy mất đấy.
Vậy thì ngoài việc cho khán giả xem tay để thể hiện rằng bạn không mang vũ khí, và cũng có vài cái hoa tay, thì các nhà vô địch thuyết trình còn có mục đích nào khác cho đôi tay của họ?
“Uầy cái gì đấy?”
Đã bao giờ ai đó thốt lên rồi chỉ tay về hướng nào đó và bạn cũng nhìn theo chưa?
Thực ra mục đích của đôi tay trong thuyết trình, là giúp bạn tạo thêm sự chú ý cho lời nói. Tất nhiên, để tạo chú ý, bạn không thể nào bước ra sân khấu, chỉ tay về mình và nói: “Nhìn kìa, ai mà đẹp trai thế :))”
Mà cách tạo ra sự chú ý với đôi tay là gì? Đó là bạn dùng nó để minh hoạ cho ý mình nói.
Ví dụ. Bạn có biết rằng thượng đế ban cho chúng ta bộ não thiên tài, chỉ là ngài quên gửi hướng dẫn sử dụng không?
Khi nói tới bộ não, tay tôi minh họa mình đang cầm một bộ não vậy. Và bạn nhớ là đã minh hoạ thì phải chuẩn nhất có thể. Bạn mô tả bộ não thiên tài, mà bạn để hai tay gần nhau quá, khán giả có thể hiểu bộ não họ bị teo đấy.
Một ví dụ khác. Nếu bạn kể rằng bạn alo cho ai đó, bạn sẽ dùng ngôn ngữ cơ thể tay thế nào? Nhiều người sẽ đưa tay lên làm biểu tượng tay họ như cái điện thoại.

Bạn biết nó có vấn đề gì không? Nó giả tạo. Vì sao? Vì có ai cầm điện thoại như vậy không?
Do vậy, ngôn ngữ cơ thể tay cần minh họa thật nhất có thể. Bạn cầm điện thoại nói trong cuộc sống sao, thì bạn đưa tay lên y hệt vậy.
“Alo, bố à, con sẽ thực hiện ước mơ, con sẽ quyết tâm trở thành diễn giả!”
Khi nói từ quyết tâm, tay tôi minh hoạ bằng nắm đấm, và tôi chỉ làm một lần cho khớp lời nói. Nói chung, ngôn ngữ cơ thể tay của bạn khi minh hoạ cần dứt khoát, và càng minh họa chuẩn cho lời bạn nói thì càng tốt.
Nếu bạn xem người nước ngoài, bạn sẽ thấy ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình của họ rất sinh động. Vì sao? Vì họ dùng nó để trong nói chuyện hàng ngày. Để khi lên sân khấu, chúng trở thành bản năng.
Chứ còn lên sân khấu mà bạn vừa nhớ nội dung xem phải nói gì, vừa nghĩ xem nên dùng ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình thế nào thì sẽ rất rối. Do đó, trong nói chuyện hàng ngày, hãy để ý ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Khi nói chuyện hãy nhớ tới đôi tay của bạn: Tay: Minh họa thật khớp.
Một thói quen nhỏ mà có võ: Sau mỗi lần nói chuyện, hãy hình dung lại xem mình đã dùng tay minh họa thế nào, và nếu được nói lại thì mình sẽ di chuyển sao cho khớp hơn, sinh động hơn, hiệu quả hơn?
Làm vậy mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ có ngôn ngữ cơ thể tay rất tự nhiên trên sân khấu.
Đó là chữ T, đôi Tay. Còn chữ C trong bí mật TCM thì sao?
Bí mật ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình với chữ C
Có thể bạn đoán ra rồi. Sau tay là sẽ tới Chân. Và TCM là Tay Chân Miệng ư? M là gì lát ta sẽ bàn, còn C đúng là chân.
Theo bạn thì trên sân khấu bạn nên di chuyển như thế nào? Hay là cứ đứng yên một chỗ mà nói?
Đứng yên một chỗ thì thường phù hợp với đọc diễn văn. Còn di chuyển quá nhiều thì trông bạn không khác nào một con khỉ, nhảy từ cành này sang cành khác, thậm chí còn giẫm đạp lên bài thuyết trình của mình.
Vì sao? Hãy hình dung bạn nghe một người kể chuyện. Đầu tiên anh ấy di chuyển sang trái và nói, “Hôm ấy đau bụng, tôi chạy nhanh về nhà, mở cửa phòng vệ sinh…”
Sau đó vẫn đứng đó, anh nói, “Có lẽ là do tôi đã ăn món gì đó lạ lạ” và anh ta đứng ngay ở vị trí nhà vệ sinh đó, và minh hoạ động tác ăn. Bạn nghĩ cái món lạ lạ mà ở vị trí đó có thể món gì???? Ha ha…

Do vậy, có một bí quyết để dùng đôi chân của bạn khi thuyết trình, đó là:
Di chuyển khi cần.
Vậy khi cần là khi nào?
Ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình là công cụ bổ trợ cho điều bạn nói. Việc di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của bạn. Còn nếu tự nhiên bạn đi lại trên sân khấu không có mục đích thì sẽ rất rối mắt.
Chẳng hạn, khi bạn kể chuyện, nếu trong câu chuyện có một ý nói hôm đó bạn đi đâu đấy, thì bạn có thể di chuyển. Rồi trên sân khấu lớn, khi bạn nói xong ý thứ nhất và chuyển sang ý thứ hai, bạn có thể di chuyển.
Còn nếu nội dung không có gì gợi ý cho việc di chuyển, tốt nhất là bạn nên đứng yên. Vì việc vừa di chuyển vừa nói sẽ khiến bạn giống một cái loa di động trên phố vậy!
Một điều nữa ít biết nữa là hầu hết mọi người sẽ di chuyển sang trái sang phải, thì các nhà vô địch còn có một bí quyết là di chuyển lên xuống.
Cái này khác với việc bạn bước sâu xuống để giao lưu khán giả nhé. Nó vẫn là ở trên sân khấu, chỉ là bạn di chuyển lên xuống mà thôi. Vậy khi nào thì dùng ngôn ngữ cơ thể này?
Đó là khi bạn thay đổi trạng thái từ kể chuyện sang trò truyện hoặc ngược lại. Tức là khi bạn kể chuyện hay diễn giải thứ gì đó trên Slide thì bạn đứng gần màn chiếu. Sau khi xong, bạn hãy bước lên một bước rồi mới bắt đầu trò chuyện với khán giả.
Làm vậy sẽ giúp cho bài nói của bạn trở nên rõ ràng hơn. Khán giả sẽ còn biết là lúc nào bạn đang kể chuyện, và lúc nào bạn đang trò chuyện với họ. Tin tôi đi, sự chú ý sẽ tăng lên gấp đôi!
Tóm lại hãy nhớ: Di chuyển khi cần, lên xuống phải trái. Còn lại đứng yên!
Làm vậy, ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình của bạn sẽ rất chuyên nghiệp và rõ ràng!
T là Tay, C là Chân, còn M ở đây là gì? Đó là Mặt.

Bí mật ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình với chữ M
Nét mặt cũng là một dạng ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ. Vì đây là đây là thứ mà khán giả sẽ nhìn nhiều nhất. Nên bạn càng đẹp trai càng tốt :)))
Nói vậy chứ trong thuyết trình, thì đẹp trai xinh gái không quan trọng bằng biểu cảm khi nói. Vậy bí quyết là gì?
Nếu vui thì vừa nói vừa cười.
Nếu buồn thì vừa nói vừa khóc?
Đó là thay vì chỉ diễn tả bằng lời, bạn hãy sử dụng nét mặt nhiều hơn.
Ví dụ thay vì nói liền một mạch: “Hôm đó về nhà, tôi đã rất ngạc nhiên, bạn biết điều gì xảy ra không?” thì bạn hãy nói “Hôm đó về nhà…” và sau đó dùng gương mặt của bạn để biểu cảm sự ngạc nhiên, rồi bạn mới kể tiếp, “Bạn biết chuyện gì xảy ra không?”
Lúc đó, những ai đang ngồi dưới không chú ý, sẽ phải ngước lên xem chuyện gì xảy ra khiến bạn im lặng. Còn những ai đang chú ý thì sẽ rất thích thú vì ngôn ngữ cơ thể sinh động của bạn khiến họ tưởng tượng ra những gì trước mắt bạn.
Ngoài ra trong cuộc sống, khi ngạc nhiên thì có thể mắt bạn mở to, miệng há ra một chút. Khi lên sân khấu, do hầu hết mọi người sẽ ở xa bạn, bạn có thể mở mắt to hơn gấp đôi, miệng há ra gấp đôi để khán giả cảm nhận được nét biểu cảm rõ ràng hơn.
Chú ý: Tương tự như việc di chuyển khi cần, thì bạn cũng chỉ nên biểu cảm khi cần. Giống như là gia vị của buổi thuyết trình vậy, nếu bạn cho quá nhiều gia vị thì tất nhiên có thể sẽ phá hỏng cả món ăn.
Do vậy, bạn hãy phân định rõ. Lúc nào trò chuyện với khán giả thì sử dụng ngôn ngữ cơ thể bình thường thôi, còn lúc cần kể chuyện thì hãy cho phép mình như là một diễn viên với những nét biểu cảm rõ ràng.
Vậy là bạn đã nắm được bí mật T.C.M để sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình tự nhiên hơn rồi!
Tay: minh họa thật khớp.
Chân: di chuyển khi cần.
Mặt: biểu cảm rõ ràng.
Hãy luyện Tay Chân Mặt trong cuộc sống hàng ngày, để rồi khi lên sân khấu, bạn sẽ có ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình rất tự nhiên, và gia tăng gấp đôi sự chú ý của bạn với khán giả đấy!
Bạn còn biết bí quyết nào để luyện ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình nữa không? Hãy comment nhé!
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình hoặc ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
One thought on “3 Bí Mật Ngôn Ngữ Cơ Thể Khi Thuyết Trình Từ Nhà Vô Địch”
Wow, đã có (1) Awesome Comments!
Cảm ơn Bạn