![]() |
Hiệu ứng Spotlight và cách bước ra ánh sáng thực sự...
Kỷ niệm đáng xấu hổ nhất của bạn là gì?
Tôi vẫn còn nhớ mãi lần ấy, tôi có một bài thuyết trình quan trọng. Tôi quyết định mở màn ấn tượng bằng một câu chuyện cười, và tôi đã hì hục luyện tập cả đêm.
Kết quả…
Câu chuyện rất hài hước.
Còn mọi người… im lặng lắng nghe.
Sau ấy, tôi cảm giác từng cử chỉ, từng lời nói của mình đều bị soi xét, và tôi không thể nào tập trung vào thuyết trình tiếp được.
Đó là một thất bại thảm hại.
Tôi không hề biết, mình đã mắc tới 2 sai lầm lớn.
Sai lầm đầu tiên là vì muốn đám đông cười, tôi đã kể chuyện cười.
Tại sao đây lại là một sai lầm? Tôi đã dành một chương lớn để phân tích rất rõ trong Hài Hước Rước Thành Công, một cuốn sách tôi xuất bản năm 2024, giúp bạn “khai quật hài hước” và tạo ra những tiếng cười tự nhiên. Còn hôm nay, tôi muốn tập trung tới sai lầm thứ hai.
Sai lầm thứ hai này khiến tôi sau ấy luôn cảm thấy xấu hổ khi nghĩ tới kỷ niệm này, và ảnh hưởng tới sự tự tin của mình một thời gian dài.
Đó là, tôi không biết mình đã mắc một cái bẫy tâm lý:
Hiệu ứng Spotlight
Đây là một hiện tượng tâm lý học, được giáo sư Thomas Gilovich và các cộng sự ở ĐH Cornell, Hoa Kỳ, nghiên cứu trong nhiều năm. Theo đó, hiệu ứng này ám chỉ xu hướng một ai đó tin rằng họ đang được mọi người chú ý nhiều hơn là thực tế.
Hiểu một cách đơn giản thì…
Không nhiều người thực sự quan tâm đến bạn hay những thứ xảy ra với bạn, nhiều như bạn tưởng. Vì ai cũng bận rộn với những suy nghĩ, và cảm xúc của riêng họ.
Quay trở lại lần tôi kể chuyện cười mà mọi người im lặng…
Lúc đó, tôi cảm thấy thế giới như sụp đổ, còn tôi thì muốn độn thổ, tôi cảm giác kỹ năng nói chuyện của mình quá yếu kém, và đặc biệt vốn hướng nội thì ước mơ trở thành diễn giả vẫn còn xa lắm!!!
Nhưng nếu đặt mình vào vị trí khán giả ở khán phòng, thì chẳng có thế giới nào sụp đổ cả. Chỉ là có một người lên kể lại một câu chuyện cười họ đã từng nghe đâu đó, nên họ không cười. Và hôm ấy, thì ngoài người ấy ra, có nhiều diễn giả khác đáng quan tâm hơn.
Thực tế là như vậy, chẳng ai nhớ tới sai lầm của tôi nhiều hơn là… tôi. Tất cả là tại tôi đã làm trầm trọng hóa vấn đề. Rồi vụ hướng nội hay hướng ngoại, thật ra cũng chỉ là cái cớ, biện hộ cho việc tôi đã chưa học hỏi được bí quyết thuyết trình hiệu quả hơn mà thôi.
Và điều này đã thay đổi tất cả.
Kết quả sau đó thế nào, nếu theo dõi hành trình của tôi, bạn cũng đã biết.
Năm 2022, tôi đạt giải vô địch thuyết trình hài hước khu vực 5 nước Đông Nam Á. Năm 2024, tôi là đại diện duy nhất trong khu vực, bước vào vòng tứ kết cuộc thi diễn thuyết thế giới do Toastmasters International tổ chức.
Nếu như bạn cũng từng giống tôi, từng bị ảnh hưởng bởi Hiệu ứng Spotlight này, thì đây là 3 cách để bước ra ánh sáng thực sự.
1. Luôn ghi nhớ sự thật:
Sự thật là: Không nhiều người để ý đến bạn nhiều như bạn nghĩ đâu.
Ai cũng có những lo lắng riêng, cũng có những nỗi sợ riêng. Khi hiểu điều này, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Đặc biệt, hãy cứ mắc sai lầm, vì không ai để ý tới sai lầm của bạn, nhiều hơn là bạn đâu.
2. Tập trung vào giá trị mang lại
Những bài nói hay nhất, thật ra là bài nói về khán giả (ai cũng cảm nhận được họ trong đó), chứ không phải về diễn giả. Đừng quá tập trung vào nội dung, mà quên mất khán giả của bạn.
Thay vì nghĩ: “Người ta đang đánh giá mình”, hãy nghĩ: “Mình mang giá trị gì đến cho họ?”
Khi bạn tập trung vào việc giúp người khác, bạn sẽ quên đi nỗi sợ bị đánh giá, và nếu có thì cũng hãy đánh giá về giá trị bạn mang lại, chứ không phải là đánh giá con người bạn.
3. Luôn nghĩ lớn, hành động nhỏ
Bạn sợ nói trước đám đông? Hãy bắt đầu từ những nhóm nhỏ.
Bạn sợ giao tiếp? Hãy bắt đầu bằng một nụ cười.
Những bước nhỏ sẽ giúp bạn dần dần trở nên tự tin hơn và…
Bước ra ánh sáng thật sự.
Giống như nhìn lên trời, chúng ta cứ tưởng mặt trời xoay quanh trái đất, nhưng thực tế lại khác. Có lẽ do đôi mắt của con người được thiết kế để nhìn ra ngoài, nên họ hay có xu hướng tưởng rằng mọi thứ đều xoay xung quanh mình, nhưng thực tế lại khác.
Hãy nhớ, mọi cảm xúc tiêu cực, mọi nỗi sợ khủng khiếp được vẽ ra… khiến cho bạn có cảm giác mình đang bị giam cầm trong một nhà tù, và quên mất một điều rằng: Chìa khóa bước ra ngoài, nằm trong túi bạn.
Thế nên, bạn không cần phải tự giam cầm mình trong nỗi sợ hãi, chỉ cần nhìn lại mình, bạn sẽ tìm thấy chìa khóa.
Hãy dám bước lên, dám nói, dám thể hiện, dám mắc sai lầm—vì chỉ khi bạn hành động và có những trải nghiệm đáng nhớ, bạn mới thực sự sống.
Vậy bạn sẽ làm gì để thoát khỏi Hiệu ứng Spotlight bước ra ánh sáng, ngay hôm nay?
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa hiệu ứng spotlight hoặc hiệu ứng spotlight fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!
Nói chung trong cuộc sống, bạn khó mà tránh giao tiếp thuyết trình, thậm chí sẽ có những lúc bạn bị “ép” phải nói trước đám đông. Do thường không có sự chuẩn bị tốt, hầu hết mọi người không chỉ đánh mất cơ hội, mà còn ngày càng tự ti.
Nếu một người đàn ông hướng nội, gọi tắt là ông nội như tôi, từng kể chuyện cười mà mọi người im lặng lắng nghe, sau đó có cả ngàn giờ thuyết trình, được công nhận World Class Speaking Coach bởi nhà vô địch diễn thuyết thế giới, thì bạn cũng có thể!
Phương pháp đã sai, thất bại còn dài. Tất cả những gì bạn cần chỉ phương pháp đúng đắn để tự tin hơn, tiến nhanh hơn tới mục tiêu mà thôi. Hãy để đường dài 10 năm Fususu trở thành đường tắt của bạn!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
Wow, hãy là người đầu tiên comment bạn nhé!