![]() |
Có Quá Nhiều Mục Tiêu Thì Làm Gì Là Tốt Nhất?...
Bạn có quá nhiều mục tiêu nên không biết phải bắt đầu từ đâu? Bạn có quá nhiều mong muốn và không biết phải làm sao? Bạn có quá nhiều thứ phải làm mà thời gian thì lại quá ít?
Việc đặt ra mục tiêu rất tốt, bạn giống như người thuyền trưởng của một con tàu với đích đến rõ ràng. Song cuộc đời không đơn giản, trên hành trình, có thể có sự cố khiến bạn thay đổi mục tiêu, hoặc có vị khách nào đó muốn tàu rẽ vào chỗ này, chỗ kia. Nếu không khéo, bạn có thể sẽ chẳng bao giờ tới được đích.
Dù sao đi nữa bạn không hề đơn độc, hãy cùng Fususu khám phá 3 bước xử lý tình trạng có quá nhiều mục tiêu này bạn nhé!

Bước #1 khi có quá nhiều mục tiêu: Viết ra giấy, giải phóng bộ não.
Bộ não luôn có xu hướng “cường điệu hóa” vấn đề, nên nhiều khi thực ra bạn chỉ có vài mục tiêu, nhưng do có nhiều suy nghĩ trong đầu về mỗi mục tiêu ấy, nên bạn có cảm giác có quá nhiều mục tiêu.
Nếu ví mỗi mục tiêu giống như một vị khách khó tính trên tàu, thì ai cũng đang “đòi hỏi” quyền lợi của mình, ai cũng muốn được bạn lắng nghe. Do đó, cách đơn giản nhất để thoát ra khỏi tình trạng có quá nhiều mục tiêu “ảo” đó, là bạn viết xuống.
Khi viết xuống, bạn đang thể hiện thái độ “lắng nghe” những vị khách suy nghĩ. Do đó, cứ có gì trong đầu xuất hiện, hãy lập tức viết xuống, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, và rồi bạn có thể sẽ nhận ra: Ồ, mình cũng đâu có quá nhiều mục tiêu nhỉ?
Bộ não được thiết kế tối ưu cho việc ra quyết định, và quyết định sẽ dễ dàng hơn khi nhìn thấy một bức tranh tổng quan. Khi viết xuống một danh sách mục tiêu, bạn đã tránh được một sai lầm lớn nhất mà hầu hết mọi người đều mắc, là không viết các mục tiêu ra giấy.
Còn chờ gì nữa? Hãy viết xuống, và bạn sẽ thấy!

Bước #2 khi có quá nhiều mục tiêu: Loại bỏ mong muốn mơ hồ
Thông thường khi hỏi mục tiêu của mọi người là gì, bạn sẽ thấy có hai dạng chính:
Mục tiêu cụ thể:
Tức là bạn đạt được một thứ gì đó mà ai cũng có thể nhận biết, và nó có điểm kết thúc rõ ràng. Chẳng hạn: Có 100 triệu trong tài khoản ngân hàng; Đi du lịch 10 ngày ở Maldives; Đạt 8.0 IELTS; Xuất bản 10 cuốn sách; v.v… Đó là những mục tiêu rất cụ thể.
Mong muốn mơ hồ:
Tức là đạt được hay không chỉ mình bạn mới biết (và đôi khi bạn cũng không biết luôn), và gần như không có điểm kết thúc. Chẳng hạn: Khỏe mạnh hơn, tập thể dục đều đặn; Tự tin hơn, có thể giao tiếp thoải mái với người lạ; Phát âm tiếng Anh chuẩn.
Tin buồn là hầu hết các mong muốn mơ hồ đều rất khó trở thành hiện thực, vì chúng quá mơ hồ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu tạo ra cảm giác có quá nhiều mục tiêu, nhưng thực ra lại chẳng cái nào rõ ràng.
Tin vui, bạn có thể dễ dàng loại bỏ những mong muốn mơ hồ, hoặc thêm con số để biến chúng thành mục tiêu cụ thể hơn. Thay vì đặt mục tiêu khỏe mạnh chung chung, hãy đặt mục tiêu “Có thể chống đẩy 30 cái/lần”, “Có thể chạy liên tục 5km” hoặc “Chạy 30 phút mỗi ngày.”
Ngoài ra, nếu bạn không lỡ loại bỏ một mong muốn nào đó, thì có thể kết hợp với nó một mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, nếu bạn muốn khỏe mạnh, và đang có mục tiêu “học tiếng Anh 30 phút mỗi ngày”, tại sao không tập thói quen vừa chạy bộ vừa nghe Audio tiếng Anh?

Bước #3 Khi có quá nhiều mục tiêu: Lập bảng phân loại
Theo tỉ phú Brian Tracy, cũng là một bậc thầy hiệu suất, thì bản chất của quản lý thời gian hiệu quả là bạn trả lời được hai câu hỏi sau: Nên làm gì? Làm lúc nào?
Để làm được điều đó, bạn cần phân loại được các mục tiêu của mình, xác định ra cái nào cần làm trước, làm sau, dành bao nhiêu phút mỗi ngày, có thể kết hợp với việc gì, v.v…
Hãy đưa hết tất cả mục tiêu của bạn lên một File Excel. Cột đầu tiên là nội dung mục tiêu của bạn, các cột tiếp theo sẽ là:
THỜI HẠN
Bất cứ mục tiêu nào cũng cần có một thời hạn rõ ràng. Nếu không có thời hạn, nó sẽ trở thành một mong muốn mơ hồ, hoặc một cái đích ở vùng đất viễn tưởng mang tên Một ngày nào đó.
THỜI LƯỢNG
Nếu như bạn không thể ước lượng được thời gian cần bỏ ra để hoàn thành một mục tiêu nào đó, thì tin buồn là bạn có thể sẽ mãi mãi không hoàn thành được nó, hoặc là sẽ hoàn thành một cách chậm chạp.
HẠNG MỤC
Việc nhóm các mục tiêu vào một hạng mục, sẽ giúp bạn cân bằng hơn khi thấy được mình đang có quá nhiều mục tiêu hay thiếu ở hạng mục nào đó.
Sức khỏe: Các mục tiêu liên quan tới tăng cân, giảm cân, các thói quen tốt cho cơ thể và trí óc của bạn.
Học tập: Các mục tiêu liên quan tới học tập, nâng cao điểm số một môn nào đó, du học, học thêm kỹ năng nào đó.
Công việc: Các mục tiêu liên quan tới công việc, xử lý một vấn đề nào đó liên quan tới công việc.
Tài chính: Đây là mục tiêu ít người đặt, song rất quan trọng. Bạn muốn mình có thu nhập bao nhiêu một tháng? Các nguồn tiền tới từ đâu? v.v…
Mối quan hệ: Bạn muốn cải thiện mối quan hệ với mọi người xung quanh, hay tạo ra mối quan hệ mới tốt đẹp như thế nào?
Phát triển bản thân: Bạn muốn rèn luyện thêm kỹ năng gì, đọc sách, học thêm các khóa học gì?
Ước mơ & Sự nghiệp riêng: Trải qua thời đi học, đi làm, bạn có thể sẽ muốn tự tạo ra, để lại cho đời thứ gì đó. Các mục tiêu liên quan tới ước mơ của bạn sẽ nằm ở đây.
Thư giãn & tận hưởng: Việc tự thưởng cho bản thân rất quan trọng, bạn muốn thư giãn và tận hưởng cuộc sống thế nào khi đạt được các mục tiêu trên?
ƯU TIÊN
Càng có quá nhiều mục tiêu, thì bạn càng phải xác định được cái nào quan trọng, cần làm trước. Bạn có thể đánh thứ tự ưu tiên theo kỹ thuật ABCDE của Brian Tracy.
A – Việc phải làm, và làm càng sớm càng tốt.
B – Việc phải làm, song có thể sắp xếp thời gian để làm dần.
C – Làm được thì tốt, không làm được cũng không sao.
D – Nên để cho người khác làm, hoặc hỗ trợ bạn làm.
E – Nên loại bỏ, hoặc làm càng ít càng tốt.
Cột ưu tiên này nên ở cuối cùng, sẽ giúp bạn đánh giá được tốt nhất. Bạn có thể tham khảo thêm cuốn sách Ăn Con Ếch của Brian Tracy để hiểu thêm về phương pháp đơn giản mà hiệu quả này nhé.
Để thực hiện tất cả mục tiêu rất khó, song không phải là không làm được. Với những mục tiêu có thể nhờ ai đó hỗ trợ, hãy mạnh dạn nhờ vả. Với các mục tiêu đòi hỏi thời lượng lớn, độ khó cao, hãy chia nhỏ để làm mỗi ngày.
Vậy là bạn đã biết 3 bước cần làm khi có quá nhiều mục tiêu rồi! Bạn nghĩ sao? Hãy comment nhé!
Tóm lại, có quá nhiều mục tiêu đôi khi chỉ là một cảm giác do bộ não đang quá tải. Hãy viết xuống mọi mong muốn của bạn, cảm giác đó sẽ lập tức tiêu tan.
Tiếp đó hãy loại bỏ bớt các mong muốn mơ hồ, hoặc biến chúng thành mục tiêu cụ thể với các con số. Cuối cùng, bạn làm rõ mục tiêu bằng cách thêm thông tin liên quan tới Thời hạn/Thời lượng, Hạng mục, và quan trọng nhất là đánh thứ tự Ưu tiên cho chúng.
Thực hiện đủ ba bước này, bạn sẽ có trong tay một bảng các mục tiêu vừa tổng quan, lại vừa chi tiết. Lúc ấy, bạn chắc chắn sẽ biết mình phải làm gì tiếp theo, thật đơn giản phải không?
Một món quà tặng bạn vì đã đọc tới đây!
Đó là một bảng Excel thông minh giúp bạn cập nhật, theo dõi mục tiêu rất tiện lợi. Không chỉ giúp bạn phân loại mục tiêu như trên, mà còn có thể tự động tính toán số ngày tới Deadline, số ngày kể từ lúc đặt ra mục tiêu, v.v… hãy thử áp dụng nhé!
File Excel giúp theo dõi và quản lý mục tiêu |
Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa có quá nhiều mục tiêu hoặc có quá nhiều mục tiêu fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, kết quả cuộc đời là do thói quen của bạn mỗi ngày, mọi thứ bạn biết sẽ chỉ giúp bạn thành công khi bạn biến chúng thành thói quen. Nói thì dễ, làm toàn quên, hoặc trì hoãn. Đã bao lần bạn hào hứng để thay đổi, rồi song cuối cùng đâu lại vào đấy?
Sau hơn 10 năm vật lộn với việc thay đổi bản thân, hết lần thề này tới thốt lần khác. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sai lầm lớn mà tôi, cũng như hầu hết mọi người đều mắc phải khi thay đổi bản thân.
Thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, CN, làm gì có thứ nào là “thứ mai”? Trước khi quá muộn, trước khi căn bệnh “để mai làm” tái phát, hãy khám phá ngay bí quyết thay đổi bản thân không phụ thuộc động lực, tạo bất cứ thói quen nào bạn muốn, hoặc xóa bỏ thói quen xấu đeo bám dai dẳng bạn nhé.
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
10 thoughts on “Có Quá Nhiều Mục Tiêu Thì Làm Gì Là Tốt Nhất?”
Wow, đã có (10) Awesome Comments!
Cảm ơn anh rất nhiều. Em đã theo dõi nhiều bài của anh, cảm thấy trong anh lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo, góp ích cho cộng đồng. Chúc anh luôn thành công nhé.
Cám ơn em nhiều nhé ^^! Comment của em đã truyền thêm cảm hứng cho a tiếp tục viết Blog ^^! Dạo này bận rộn làm câu lạc bộ bỏ bê blog :))
Cảm ơn Fususu nhiều lắm. Thật là hay
Thanks !
Anh ơi, nếu có nhiều mục tiêu quan trọng cần thực hiện song song thì phải làm như thế nào ạ?
Thực ra trong 1 ngày mình làm được nhiều việc mà? Em phân bổ thời gian cho mỗi việc là được. Cái nào quan trọng làm trước, dành nhiều time hơn cho nó thôi.
Bài viết hay quá. Cảm ơn Fususu.
https://fususu.com/co-qua-nhieu-muc-tieu-mong-muon/
Cám ơn fususu nhiều ạ
Tuyệt quá. Cảm ơn fususu