![]() |
Cách luyện trí nhớ giúp não khỏe mạnh...
Tại sao lại không tìm cách luyện trí nhớ cơ chứ? Sự thật là lúc bé, người ta hay quên cái nọ cái chai, mà lúc già thì cũng lẩn thẩn chẳng nhớ được ai. Có lẽ do ai cũng nghĩ ghi nhớ là một khả năng tự nhiên sinh ra đã có, nên ít khi để ý rèn luyện, và cứ ca cẩm là mình có trí nhớ kém. Fususu cũng từng như vậy đấy.
Các nhà khoa học, các kỷ lục gia ghi nhớ đều tuyên bố: Không có trí nhớ kém, chỉ có trí nhớ chưa được rèn luyện. Càng tìm cách luyện trí nhớ, thì trí nhớ của bạn sẽ không chỉ gia tăng, mà bộ não của bạn cũng linh hoạt hơn, giống như là tập thể dục cho não mạnh khoẻ, không bị teo, nhũn, phát phì…

Hãy cùng khám phá 5 cách luyện trí nhớ thú vị này nhé!
Lưu ý: những cách luyện trí nhớ này đều dựa trên nền tảng nghiên cứu về hai bán cầu não, cũng như nguyên tắc ghi nhớ bằng hình ảnh của não bộ. Có thể ban đầu chưa quen, nhưng một khi đã thành thục, bạn sẽ thấy rất khác. Giống như gõ 10 ngón ấy, ban đầu sẽ mất thời gian luyện tập, một khi đã thành thục, bạn sẽ đánh máy nhanh gấp 10 lần những người nhìn bàn phím và mổ cò!
Cách luyện trí nhớ #1 – Nhớ những cái tên
Đã bao giờ bạn thấy ai đó rất quen mà không nhớ tên họ không? Fususu cũng từng giống bạn thôi. Lúc đó hỏi lại thì quả thật là hơi ngại. Nên tốt nhất là hãy cố gắng nhớ tên họ ngay từ đầu, đây vừa là cách giúp bạn tạo thiện cảm, vừa là cách luyện trí nhớ đơn giản mà thiết thực.
Mà tại sao chúng ta lại nhớ mặt quên tên, chứ không phải là nhớ tên quên mặt?
Đơn giản là vì bộ não lưu trữ mọi thứ bằng hình ảnh, và những cái tên thường không gợi cho bạn một hình ảnh nào cả, cho nên việc quên nó là rất dễ hiểu. Do vậy bên cạnh những mẹo dân gian là lặp đi lặp lại tên họ, sử dụng tên họ trong cuộc giao tiếp, thì hãy áp dụng cách luyện trí nhớ hình ảnh đơn giản sau nhé.
Khi nghe thấy tên ai đó, hãy nhìn vào mặt họ, và lập tức liên tưởng tới một hình ảnh nào đó thú vị, thậm chí nếu nó có ý nghĩa tích cực, bạn cũng có thể nói hẳn ra cho khổ chủ, họ sẽ rất bất ngờ đấy. Ví dụ một độc giả từng nói rằng tên cúng cơm của Fususu là Nam Phương, có nghĩa là một loại cỏ từ phía nam, khiến tôi rất sung sướng.

Song trong đa số trường hợp, tên của mọi người thường rất khó liên tưởng. Chính vì thế bạn cần sử dụng hai kỹ thuật sau:
1 – Tách từ liên tưởng: Bạn chọn một chữ trong tên họ, dễ liên tưởng nhất, và chế biến. Ví dụ: Nguyễn Văn Trỗi, Fususu sẽ chọn từ Trỗi, và nghĩ tới từ trỗi dậy. Rồi lúc ấy, bạn có thể giả vờ không nghe rõ và hỏi lại, “Trỗi? Trỗi trong Trỗi dậy ấy hả?” đồng thời sau đó nhìn vào mặt người ấy, hình dung họ Trỗi dậy từ một cuốn vở Văn!
2 – Âm thanh tương tự: Bạn đọc tên họ lên vài lần, xem nghe giống chữ nào đó hay không. Cách này thường áp dụng cho các tên nước ngoài. Ví dụ. David (đọc là Đây-Vít), bạn có thể tạo ra một liên kết ngộ nghĩnh, chẳng hạn nhìn mặt bạn ấy và hình dung… Đây là một chiếc tô Vít, ha ha (hình dung thôi nhé, chớ có bật mí với họ).
Bên cạnh việc nhớ tên, bạn cũng nên liên kết cái tên với một đặc điểm nào đó của khổ chủ, trên gương mặt, trên người, v.v… song đừng liên kết với quần áo, hoặc những thứ họ dễ dàng thay đổi nhé. Nếu làm vậy, lần sau gặp lại là bạn sẽ bị y như Nobita vẽ bản đồ giấu kho báu, với cột mốc là con mèo vậy!
Cách luyện trí nhớ #2 – Tập nhớ tên đường
Bạn có hay bị lạc không? Nhiều bạn hỏi Fususu cách nhớ đường, thậm chí làm sao để nhớ được bản đồ của cả thành phố. Thú thật, bí quyết của tôi là… Google Map. Song thật ra biết cách, thì việc nhớ tên đường cũng là một cách luyện trí nhớ thú vị, và mẹo sau sẽ giúp khoảng thời gian đi đường của bạn trở nên vô cùng hữu ích.
Giả sử bạn đang đi trên đường Lê ABC (xin phép lấy một tên đường tưởng tượng, vì tên đường Việt Nam toàn là các vĩ nhân, nên không tiện đem ra liên kết, song cách làm với tên đường thật thì tương tự), đầu tiên bạn hãy chọn ra một chữ nào đó trong tên đường dễ liên tưởng. Chẳng hạn chữ Lê khiến tôi nghĩ tới quả lê.
Khi đi hết đường Lê ABC, bạn rẽ phải vào đường XYZ Trưng, bạn cũng làm tương tự. Chọn một chữ dễ liên tưởng, XYZ Trưng làm tôi nghĩ tới cái bánh chưng. Sau đó bạn lập tức liên kết hai thứ này lại với nhau thành một câu chuyện. Chẳng hạn một bà vào chợ mua lê, cuối cùng đi ra lại xách cái bánh chưng to đùng.

Cứ làm như vậy, khi tới nơi, đảm bảo bạn sẽ có một câu chuyện giúp bạn nhớ hết tên các con đường mình đã đi qua. Ngoài ra, nếu trên đường có một vị trí nào đó thú vị, bạn cũng có thể đưa vào câu chuyện. Chẳng hạn ở đoạn giao giữa hai đường trên có hàng chè, thì câu chuyện có thể là “Một bà đi mua lê, nhưng lại rẽ vào hàng chè và xách ra hai cái bánh trưng.”
Mẹo hay: nếu dùng Google Map bạn cũng có thể áp dụng mẹo này. Khi mở Google Map mà đang đi xe, thì đâu phải lúc nào bạn cũng nhìn 100% đúng không? Nên Fususu thường nhìn, liệt kê tuyến đường mình phải đi, và liên kết các tên đường lại. Cách này giúp bạn chỉ cần nhìn Google Map đúng một lần duy nhất (trừ khi đi lộn đường, ha ha).
Cách luyện trí nhớ #3 – Chơi đùa với những đồ vật
Trong thế giới của trí quên, ý là thế giới của những người đãng trí, hay quên, những đồ vật càng quen thuộc, lại càng có khả năng bị bỏ quên cao nhất. Các ứng cử viên hàng đầu phải kể đến chìa khoá, ví tiền, điện thoại, củ sạc… tật đãng trí này về cơ bản thì không sao, nhưng thi thoảng cũng gây ra rắc rối, nên tôi đã nghiên cứu cách luyện trí nhớ với chúng.
Để hạn chế quên lặt vặt, mẹo dân gian là ghép nhóm các thứ lại với nhau. Ví dụ thẻ xe, vé xe thì cho luôn vào ví, dây sạc cắm luôn vào củ sạc, đồ công nghệ nho nhỏ cho hết vào một túi, hoặc sắm túi nhiều ngăn, mỗi ngăn đựng một thứ v.v… Những cách đó rất hữu ích, song chỉ là hỗ trợ trí nhớ mà thôi, chứ không phải là cách luyện trí nhớ.
Nếu đọc sách Numagician, bạn đã được chia sẻ cách để cách luyện trí nhớ với đồ vật để không bao giờ quên các món đồ cần thiết khi bước ra khỏi nhà. Hôm nay, bạn sẽ được chia sẻ cách để nhớ chính xác vị trí của đồ vật, khi chúng đã bị xáo trộn. Đây là một bài tập, một cách luyện trí nhớ, và cũng là một trò chơi thú vị.

Hãy bày ra bàn khoảng 20 đồ vật khác nhau theo một thứ tự nào đó, rồi chụp một bức ảnh. Sau đó bạn yêu cầu mọi người nhắm mắt lại, rồi đảo vị trí của các đồ vật. Rồi đưa ra phần thưởng cho những ai có thể phát hiện ra đồ vật bị tráo đổi. Thậm chí có thể cất hết đồ đi, và thử thách xem ai có thể sắp xếp lại y như ảnh chụp ban đầu.
Mới nghe qua, thì tưởng chỉ các thiên tài trí nhớ mới làm được. Mọi thứ đều có thể, vấn đề là phương pháp. Bạn có thể áp dụng cách luyện trí nhớ của Fususu như sau. Đầu tiên, bạn hãy ghi nhớ 4 đồ vật ở bốn góc bàn, rồi sau đó liên kết các đồ vật quanh đó chúng thành câu chuyện, đi theo một thứ tự nhất định.
Giả sử bạn thấy ở góc bàn có một cái cốc lớn, quanh đó lần lượt là túi xách, thước kẻ, cuốn sổ, laptop. Lúc đó bạn có thể hình dung ngay một câu chuyện kì lạ kiểu như, “cầm cái cốc nhét vào túi, xách đi đo sổ, được trả công bằng cả cái laptop” là sẽ nhớ ngay 5 đồ vật ở góc bàn đó. Rồi làm tương tự với 3 góc còn lại.
Nếu tạo ra các liên kết đủ ấn tượng, mọi người sẽ phải ngạc nhiên vì bạn không những nói chính xác đồ vật nào đã bị lấy đi, hoặc đảo chỗ, thậm chí có thể xếp lại các đồ vật y như ảnh chụp ban đầu. Hãy thử áp dụng cách luyện trí nhớ với đồ vật này bằng cách nhìn quanh bạn 30s, rồi nhắm mắt lại, hồi tưởng xem có những đồ vật nào, ở đâu nhé!
Cách luyện trí nhớ #4 – Nhớ bài nói, bài thuyết trình
Có khi nào bạn thuyết trình mà tự nhiên quên mất mình phải nói gì không? Giở tài liệu ra thì sẽ làm bạn mất chuyên nghiệp, mà đứng trân trân ở đó thì sẽ làm mất thời gian của mọi người? Một phút trên sân khấu 60 người, là bạn đang đánh mất 60 phút của cả thế giới rồi. Vậy thì cách luyện trí nhớ trong thuyết trình là gì để nói tự tin hơn?
Câu trả lời nằm ở lúc bạn ôn lại bài nói của mình. Cũng giống như học bài, nếu bạn không có cách nhớ hiệu quả, khi vào phòng thi bạn mới biết mình có nhớ thật hay không. Thuyết trình cũng tương tự, bạn cần biến bài thuyết trình của mình trở nên vui vẻ, thì sẽ vừa nhớ dễ hơn, vừa tự tin hơn khi nói!
Một cách luyện trí nhớ đơn giản mà tôi hay áp dụng đó là móc treo trí nhớ, nó sẽ giúp bạn nhớ chính xác từng ý chính, ý nhỏ trong bài nói, theo đúng thứ tự bạn đề ra. Nếu đã đọc sách Numagician bạn sẽ rất hiểu phương pháp này. Giả sử bạn cần thuyết trình 5 ý chính là 5 cách để luyện trí nhớ chẳng hạn.
1 – Cách luyện trí nhớ với tên đường
2 – Cách luyện trí nhớ với bài thuyết trình
3 – Cách luyện trí nhớ với ngày tháng lịch sử
4 – Cách luyện trí nhớ với từ vựng tiếng Anh
5 – Cách luyện trí nhớ với những lá bài
Bước đầu tiên bạn quy ước mỗi con số tương ứng với một hình ảnh (gọi là số-hình), chẳng hạn 1 giống cây kiếm, 2 giống con vịt, 3 giống nụ hôn, số 4 giống người đang ngồi trên ghế, số 5 có cái bụng bầu, v.v… sau đó mỗi ý chính bạn chọn ra một từ khoá, liên tưởng nó tới một thứ gì đó cụ thể, rồi liên kết nó với số-hình theo thứ tự để tạo ra một câu chuyện thú vị.
1 – Đường đi => Hình dung một cây kiếm đang đi lon ton trên đường
2 – Thuyết trình => Chú vịt Donald đang cầm micro thuyết trình
3 – Ngày tháng lịch sử => Một người cầm cuốn lịch lên, hôn lấy hôn để, hôn ngày nào còn tích vào ngày đó, ha ha.
4 – Tiếng Anh => Một chiếc ghế thần kỳ, ngồi lên là nói tiếng Anh như gió (sướng thật).
5 – Lá bài => Một bà chửa vừa đẻ ra đứa trẻ đã thấy nó cầm lá bài trên tay (chắc là thần bài tái sinh ^^!)
Bạn có thể đọc đi đọc lại các câu chuyện trên vài lần, sau đó thử nhắm mắt lại, và nhớ xem lần lượt các ý chính là gì. Hãy thử kiểm tra từ 1 tới 5, rồi ngược lại từ 5 tới 1, thậm chí ngẫu nhiên từng ý. Bạn sẽ thấy mình có thể nhớ được chính xác như chụp ảnh vậy. Thật là tuyệt phải không nào?
Cách này tuy mất chút thời gian ban đầu để chế chuyện, song chắc chắn bộ não sẽ được sung sướng với những hình ảnh thú vị, và khi lên nói mà quên ý, bạn chỉ việc đếm từ 1 tới 5… những hình ảnh ấy sẽ hiện ra, giúp bạn mỉm cười, tiếp tục bài nói một cách tự tin.
Thế còn bài nói có nhiều ý hơn thì sao? Đừng lo lắng, trong sách Numagician tôi có hẳn 100 con số đã được hoá hình rất dễ nhớ, và bạn có thể nhớ cả 100 ý (bạn có thể xem vài hình trong clip phía dưới). Rồi với cách sắp xếp khéo léo được hướng dẫn trong sách, bạn có thể nhớ chính xác tới ý chính ý nhỏ, 1.1, 1.2, 1.3, 2.1, 2.2, v.v…
|
00:00 | / | 00:00 |
|
Cách luyện trí nhớ #5 – Nhớ dãy số dài, vui vẻ với con số
Những con số xuất ở khắp mọi nơi, số điện thoại, số thẻ căn cước, số nhà, số xe, sê-ri tiền, thậm chí một số người tin rằng sống chết cũng có số. Đó là lý do các kỷ lục gia trí nhớ rất yêu thích các con số, và thi nhau chọn cách luyện trí nhớ là chinh phục đỉnh Pi (dãy số vô tận sau dấu phẩy của hằng số Pi).
Bản thân Fususu và rất nhiều độc giả đã áp dụng cách luyện trí nhớ trong sách Numagician chinh phục được 512, thậm chí 1000 đầu tiên của đỉnh Pi huyền thoại. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, mà sau đó bạn sẽ có niềm tin vững chắc về tiềm năng của não bộ, và biết cách biến nó thành một người bạn đồng hành trên con đường chinh phục mọi mục tiêu.
Note: Fususu có thiết kế một chương trình gồm Clip hướng dẫn bạn chi tiết từng bước nhớ 1000 số Pi rất độc đáo, bạn có thể đọc tại đây nhé.
Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải nhớ dãy số dài đó, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách luyện trí nhớ này với bất cứ dãy số nào. Cách làm cũng tương tự như những cách luyện trí nhớ bên trên, bạn liên tưởng mỗi con số với một hình ảnh nào đó, rồi tạo ra câu chuyện để ghi nhớ. Cá nhân tôi rất hay áp dụng với những biển số xe trên đường.
Giả sử gặp biển số xe là 1508, bạn có thể liên tưởng ngay một hoàng tử cầm thanh kiếm (1) chạy nhanh quá đụng phải bà chửa (5), thế là xuất hiện một quả trứng (0) tọt ra, nở thành người tuyết (giống số 8). Khi áp dụng cách luyện trí nhớ này nhiều, bạn sẽ đủ sáng tạo để tạo ra hình ảnh cho những con số có hai chữ số như tôi đã làm trong sách Numagician.
Chẳng hạn khi xem clip bên trên do tôi thể hiện, bạn đã biết số 10 là gà con, số 19 là con chó, số 79 là con trâu, số 82 là cá sấu. Thì có thể áp dụng ngay cách luyện trí nhớ này để nhớ sê-ri tiền 10197982 – Đơn giản là tưởng tượng một đàn gà con (10) đi theo chú chó (19) tới trang trại nuôi trâu (79) để xem cá sấu (82) cày bừa. Nghe thật ngộ nghĩnh phải không nào!
Hãy tìm cách luyện trí nhớ ngay hôm nay!
Tôi hay nói với độc giả rằng: Một bộ não có thể nhớ được dãy dài 512 hay 1000 số, sẽ hoạt động rất khác so với một bộ não chẳng biết cách luyện trí nhớ là gì, thậm chí tin rằng trí nhớ của mình không tốt. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, hành trình tới thành công của bạn dù có ở phương trời nào, cũng bắt đầu bằng một niềm tin: Bạn có thể làm được.
Trong các cách xây dựng niềm tin vào bản thân, thì cách luyện trí nhớ được coi là hiệu quả nhất, vì nó tạo ra một kết quả vô cùng rõ ràng và khác biệt. Hãy hình dung biết bao năm nay, bạn tin mình có trí nhớ không tốt, nhưng đột nhiên sau 1-2 tuần, bạn có thể nhớ được dãy số dài cả trăm cả ngàn số, cả hệ thống niềm tin cũ sẽ bị đảo lộn. Còn chờ gì nữa, hãy tìm cách luyện trí nhớ ngay!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa cách luyện trí nhớ hoặc cách luyện trí nhớ fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Nói chung, học hành, làm việc, ra quyết định… dù làm gì bạn cũng phải dùng tới não. Thượng đế ban cho bạn, cho tôi, cho mỗi người bộ não thiên tài, chỉ tiếc là ngài quên gửi hướng dẫn sử dụng mà thôi.
Nếu một người trí nhớ “cá vàng”, tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm Văn như tôi có thể nhớ dãy Pi dài 1000 số, đạt 28/30 thi đại học, xuất bản tới 9 cuốn sách, thì không có gì là bạn không thể.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là chìa khóa để giải phóng sức mạnh não bộ! Hãy sẵn sàng để đánh thức phù thủy trí nhớ trong bạn!

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
11 thoughts on “Cách luyện trí nhớ giúp não khỏe mạnh”
Wow, đã có (11) Awesome Comments!
cảm ơn anh