![]() |
Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề Hay Nghệ Thuật Đập Đá Bậc Cao...
Trước khi bắt đầu, tôi có một câu đố để thử kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Câu đố là, “Cái gì luôn ở đằng trước, mà bạn không bao giờ nhìn thấy?” Thế nào, đáp án của bạn là gì? Và câu hỏi này có liên quan gì tới cách giải quyết vấn đề? Rồi còn cả nghệ thuật đập đá level cao nữa chứ? Hãy khám phá tiếp và so sánh với đáp án của Fususu ở cuối Blog này nhé!
Tại sao phải rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề?
Hãy hình dung bạn đang đi xe thì tự nhiên gặp một tảng đá khổng lồ chặn đường. Đó là một vấn đề, đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Lúc ấy bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cắm đầu lao tới và hi vọng chiếc xe cứng hơn tảng đá? Hay bạn sẽ bốc đầu để bay qua? Hoặc là nhường tay lái cho đứa bạn bên cạnh, rồi mặc nó loay hoay với… một trong hai lựa chọn trên?
Với một người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, họ có thể sẽ dừng xe lại rồi bình tĩnh phân tích tình huống, cân nhắc phương án, ra quyết định. Đó là ba bước cơ bản để giải quyết bất cứ vấn đề nào, song trong thực tế cuộc sống, khi gặp một vấn đề lớn cản trở, hầu hết mọi người sẽ không giữ được bình tĩnh và “phản ứng” theo một trong ba cách dưới đây.
1 – Chiến liền. Lao vào đập đá.
2 – Biến ngay. Tránh né, tìm đường khác.
3 – Đứng yên. Tìm ai đó để đổ lỗi, đổ trách nhiệm.
Thực ra kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là một thói quen. Nếu bạn không luyện tập, và cứ để cho vấn đề tới tự nhiên và tìm cách giải quyết, khả năng cao bạn sẽ trở thành chuyên gia… đập đá. Thông thường, thủ phạm ném đá rất thích nhìn mảnh vụn, nên bạn càng đập, hắn sẽ càng ném thêm đá. Giống như luật hấp dẫn, bạn càng tập trung vào vấn đề, vấn đề càng xuất hiện.
Tương tự với thói quen thứ hai. Khi bạn sợ hãi, không dám đối diện, luôn cố gắng tránh vấn đề, thì vấn đề sẽ mãi ở đó, ăn bám cảm xúc của bạn, và ngày càng lớn hơn, cho tới khi đè bẹp bạn mới thôi. Còn thói quen thứ ba, đổ lỗi hoặc nhường cho ai đó giải quyết, bản chất cũng là một dạng tránh né. Nếu bạn nhờ, và lần sau lại gặp vấn đề đó mà không có ai bên cạnh, thì làm sao?
Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất dành cho mọi vấn đề là gì?
Tôi có một người thầy đáng kính, Frederic Labarthe, một bậc thầy với kỹ năng giải quyết vấn đề đáng nể. Thầy từng nói một điều khiến tôi nhớ mãi từ thời sinh viên cho tới tận bây giờ, “99% mọi vấn đề đều không tồn tại.” Sau này tôi bổ sung thêm vế sau, “1% còn lại nếu có thì hãy mỉm cười. Vì bạn phải rất may mắn mới bắt gặp sinh vật quý hiếm này!”
Mới nghe thì thật là vô lý, 99% mọi vấn đề đều không tồn tại ư? Song thử ngẫm lại mà xem, đã bao lần người thân của bạn lo nghĩ về một điều gì đó, bạn động viên họ, và sau ấy mọi thứ đều tốt đẹp? Có bao lần bạn từng lo lắng về điều gì đó đã xảy ra, song cuối cùng nó lại có một ý nghĩa tích cực nào đó, và chẳng còn là vấn đề. Nói chung là mọi vấn đề rất ít khi tồi tệ như chúng ta nghĩ.
Tất nhiên, thầy cũng bật mí cho tôi biết một kỹ năng giải quyết vấn đề rất thú vị:
Cách tốt nhất để không phải đập đá mỏi nhừ… là đừng đập nữa. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là đừng coi nó là vấn đề.
Hãy tin rằng, mọi “vấn đề”, mọi thứ xảy ra “không như mong muốn”, đều chỉ là những tình huống do cuộc sống tạo ra. Chúng ở đó là để giúp ta trưởng thành thông qua việc ra quyết định.
Bí mật của thầy là bạn hãy luyện tập thói quen nhìn nhận mọi vấn đề đều là những tình huống. Khi gặp bất cứ vấn đề nào, điều đầu tiên trong đầu bật ra phải là “Đây là một tình huống, và mình sẽ có những lựa chọn nào?” Khi làm vậy, bạn bắt đầu tách ra khỏi vấn đề, những cảm xúc bức bối hay lo lắng sẽ không làm phiền bạn nữa, bạn sẽ dần lấy lại sức mạnh làm chủ tình hình, sức mạnh của lựa chọn.
Hả? Kỹ năng giải quyết đơn giản vậy sao. Đổi vấn đề thành… tình huống. Vậy thì “giải quyết” tình huống thế nào?
Tin tôi đi, nếu bạn luyện được thói quen tin rằng mọi vấn đề, dù đau đầu đến mấy cũng chỉ là những tình huống, bạn sẽ luôn nhẹ đầu. Vì đã là tình huống, thì sẽ luôn có lựa chọn, luôn có lối thoát. Cách làm này không chỉ giúp bạn luôn tư duy tích cực, tập trung vào giải pháp, mà còn đơn giản hóa cách giải quyết vấn đề:
Không có vấn đề, chỉ có tình huống.
Không có “giải quyết”, chỉ có lựa chọn!
Khi cởi mởi, bạn sẽ thấy tìm ra các lựa chọn không khó. Bởi vì có gần 8 tỉ người trên thế giới, nên chắc chắn sẽ có hàng trăm triệu người gặp tình huống giống tương tự bạn, và cũng sẽ hàng triệu người có những lựa chọn thông minh cho tình huống ấy. Hãy sử dụng kỹ năng tìm kiếm thông tin, học hỏi, rồi bạn sẽ thấy viên đá mình đang gặp, cũng không cứng như mình tưởng.
Thật ra, trong kỹ năng giải quyết vấn đề, có một nơi mà mọi người bị mắc kẹt ở đó rất lâu. Đó là lúc ra quyết định. Thường thì sẽ khó mà có một lựa chọn hoàn hảo, nên khi cần nhắc giữa các lựa chọn, hầu hết mọi người sẽ đắn đo. Đến lúc này, thì chúng ta cần tới sự kì diệu của những câu hỏi. Dưới đây là 2 anh chàng ngự lâm quân của tôi, 2 câu hỏi giúp bạn ra quyết định hiệu quả.
Kỹ năng giải quyết vấn đề: 2 câu hỏi kết liễu băn khoăn!
2 câu hỏi này sẽ giúp bạn so sánh một cách khá toàn diện và khách quan giữa các lựa chọn. Tùy kinh nghiệm của bạn đối với một tình huống, mà bạn có thể tự trả lời hoặc xin tư vấn từ những người bạn tin tưởng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, cho dù mọi người có khuyên bạn điều gì đi nữa thì bạn vẫn là chủ nhân cuộc đời mình, bạn phải là người ra quyết định.
Chú ý: Áp dụng sau khi bạn đã có một danh sách các lựa chọn cho tình huống mình gặp phải nhé.
Kỹ năng giải quyết vấn đề với câu hỏi #1 – CÓ ÍCH KHÔNG?
Thông thường khi gặp một vấn đề, người ta sẽ bị vấn đề đó lôi cuốn, và tạo ra những cảm giác khó chịu, càng khiến họ tập trung vào vấn đề nhiều hơn. Khi bạn coi được vấn đề là tình huống, bạn sẽ tách ra được cảm xúc đó, để dễ dàng nhìn thấy mục tiêu ban đầu. Lúc ấy, hãy sử dụng cái đầu để phân tích các lựa chọn.
Suy cho cùng, con người là sinh vật của lợi ích. Việc gì có ích cho mục tiêu thì làm, đó là điều hợp lý. Nên lúc này, bạn hỏi cái đầu. Hãy dùng logic phân tích xem lựa chọn đó có đem lại một giá trị tốt đẹp (về cả tinh thần lẫn vật chất) cho bản thân bạn và người khác hay không? Có phục vụ một mục tiêu tốt đẹp nào không? Bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến của mọi người.
Thông thường các lựa chọn tốt sẽ là lựa chọn phục vụ cho một mục tiêu nào đó, mang lại nhiều lợi ích nhất: Cho bạn, và cho mọi người. Song nếu có những lựa chọn mang lại lợi ích cho bản thân, và cho tập thể, thì cá nhân tôi sẽ chọn tập thể, vì giá tị tạo ra sẽ trường tồn. Khi bạn có một vài nguyên tắc như vậy, thì việc đưa ra lựa chọn cũng dễ dàng hơn phải không nào?
Kỹ năng giải quyết vấn đề với câu hỏi #2 – CÓ THÍCH KHÔNG?
Sau khi hỏi cái đầu, hãy dùng trái tim. Lựa chọn này có khiến bạn cảm thấy thích thú không? Có truyền cảm hứng cho bạn không? Nhiều người bảo là nên “lắng nghe theo tiếng nói trái tim”. Cũng tốt, song quá trừu tượng! Kinh nghiệm của tôi là để biết được cảm xúc từ trái tim, bạn hãy tập trung vào cảm nhận các cảm giác trên cơ thể. Vì chúng có mối liên hệ chặt chẽ với cảm xúc bên trong của bạn.
Hãy hình dung tới thời điểm mà bạn đã thực hiện xong lựa chọn này, trái tim bạn cảm giác xốn xang, có đập nhanh hơn? Toàn thân bạn có cảm giác gì đó rung lên, hay tê tê, cảm giác đó thoải mái, dễ chịu, hay là khó chịu? Hãy so sánh những cảm giác trên cơ thể khi bạn nghĩ về các lựa chọn. Mỗi khi có một lựa chọn đúng, tôi thường thấy cơ thể mình có những rung động rất dễ chịu, vi tế.
Thường thì bạn phải để ý thật kỹ thì mới thấy được những cảm giác tinh tế ấy, hãy đọc Blog “Mất tập trung và cách trị tận gốc“. Bài tập tuy đơn giản, song sẽ giúp bạn luyện tập cho tâm trí khả năng quan sát, nhận diện cảm giác, cảm xúc rất tốt, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Kỹ năng giải quyết vấn đề: Có ích, có thích, thì nhích. Vậy làm sao để không hối tiếc?
Tóm lại, khi đối mặt với một vấn đề.
1 – Đừng coi nó là vấn đề, hãy gọi nó là tình huống.
2 – Học hỏi, tìm kiếm càng nhiều lựa chọn càng tốt.
3 – Phân tích xem cái nào có ích, có thích thì… nhích!
Đôi khi có những trường hợp khi bạn đã trả lời CÓ rất rõ ràng, mà vẫn băn khoăn. Thì rất có thể 2 lựa chọn ấy có kết quả tương đương, lúc đó bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin để cân nhắc, hoặc đơn giản là… dùng xúc xắc, trông thế mà hiệu quả lắm! Vì khi cả hai đều tốt (hoặc xấu) như nhau, thì mất công lựa chọn làm gì, ha ha!
Các cụ có câu “Đứng núi này, trông núi nọ” rất hay, nó có nhiều nghĩa. Một ý là thường con người hay có tâm lý nuối tiếc. Sau khi chọn bên này rồi, đi được một lúc chúng ta bắt đầu băn khoăn, muốn ngoái lại bên kia xem thế nào. Một người bạn có truyền cho tôi một kinh nghiệm. Một thói quen thì đúng hơn. Để không bao giờ nuối tiếc, đó là một khi đã ra quyết định thì cứ thế mà làm, không ngoái đầu lại.
Hãy nhớ con đường nào, rồi cũng sẽ đều tới đích, nếu bạn kiên trì tới cùng. 99% những người không tới đích mong muốn đơn giản là vì… họ đã không đi hết con đường đó. Cuối cùng, như đã hứa, câu trả lời cho câu đố “Cái gì luôn ở đằng trước bạn, mà bạn không bao giờ nhìn thấy?”
Đáp án chính là TƯƠNG LAI.
Chẳng ai biết trước tương lai, nên sẽ không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Hãy cứ bước những bước đầu tiên, sự hoàn hảo sẽ đến trên con đường bạn đi. Và cách tốt nhất để không bao giờ phải nuối tiếc, là đã chọn rồi, thì đừng ngoảnh đầu lại!

Mong tin tốt lành!
Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )
Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc kỹ năng giải quyết vấn đề fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Suy cho cùng, kết quả cuộc đời là do thói quen của bạn mỗi ngày, mọi thứ bạn biết sẽ chỉ giúp bạn thành công khi bạn biến chúng thành thói quen. Nói thì dễ, làm toàn quên, hoặc trì hoãn. Đã bao lần bạn hào hứng để thay đổi, rồi song cuối cùng đâu lại vào đấy?
Sau hơn 10 năm vật lộn với việc thay đổi bản thân, hết lần thề này tới thốt lần khác. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sai lầm lớn mà tôi, cũng như hầu hết mọi người đều mắc phải khi thay đổi bản thân.
Thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, CN, làm gì có thứ nào là “thứ mai”? Trước khi quá muộn, trước khi căn bệnh “để mai làm” tái phát, hãy khám phá ngay bí quyết thay đổi bản thân không phụ thuộc động lực, tạo bất cứ thói quen nào bạn muốn, hoặc xóa bỏ thói quen xấu đeo bám dai dẳng bạn nhé.

ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
21 thoughts on “Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề Hay Nghệ Thuật Đập Đá Bậc Cao”
Wow, đã có (21) Awesome Comments!
Fususu chính là người thay đổi cuộc đời em!!!
Cảm ơn Fususu.
Chỉ có 1 người có thể thay đổi cuộc đời bạn, người đó là BẠN :))
Anh Fu ơi, em có một… vấn đề, em vướng vào suy nghĩ tiêu cực, em lo mai sẽ là tận thế, em lo em sẽ mắc căn bệnh quái quỷ nào đó…
Thật sự…
Em nên đặt ra 1 vài mục tiêu, và phấn đấu làm việc tập trung là sẽ hết nhé. Hoặc e google “cách trị mất tập trung fususu” nhé.
Bài viết rất tuyệt!