small_logo New!
5
(1)

Kinh nghiệm in sách và tự xuất bản sách...

Kinh nghiệm in sách #1 – In số lượng bao nhiêu?

Tất nhiên là bạn in số lượng càng lớn thì giá sẽ càng thấp, và các nhà in luôn muốn điều này. Chẳng hạn cùng sách 200 trang, nếu bạn in 1.000 cuốn thì giá có thể rơi vào 40k-60k/cuốn, nhưng in 3000 thì có thể chỉ còn 20k-40k/cuốn. 

Tuy nhiên, không phải cứ rẻ là tốt!

Giả sử nhà in tư vấn cho bạn in 10.000 cuốn với giá ưu đãi là 15k/cuốn, quá rẻ! Bạn hấp tấp đầu tư 150 triệu, nếu bán giá bìa 100k, thì bạn sẽ thu về tận 10.000 x 100k là… 1 tỷ đồng, siêu lợi nhuận!!!

Nghe thì hay đấy, song mọi thứ sẽ chỉ tuyệt vời như bạn nghĩ nếu bạn bán hết cả 10.000 cuốn sách đó trong vòng một năm. Bạn càng để sách tồn kho lâu thì sẽ càng bất lợi. Vì sao? 

(1) Tiền tệ mỗi năm đều mất giá, đó là lý do giá cả ngày càng leo thang. 100k của năm trước, chắc chắn sẽ có giá trị thấp hơn so với 100k của năm sau. Sách bạn lưu kho càng lâu thì càng “mất giá”, vì sẽ khó mà thay đổi giá bìa đã in trên sách!

(2) Nếu bạn in 10.000 cuốn, và phát hiện ra có lỗi nào đó. Tin tôi đi, dù rà soát kỹ lưỡng tới mấy, kiểu gì cũng sẽ có vài lỗi nho nhỏ đã bị bỏ qua. Muốn sửa lúc này cũng khó, hoặc là bạn phải chờ tái bản, hoặc là tự sửa thủ công cả ngàn cuốn sách.

(3) Không phải nhà in nào cũng cam kết 100% chất lượng. Nên nếu được, bạn nên đến thăm nhà in xem máy móc nhà xưởng của họ thế nào. Nếu in lần đầu mà chưa chắc chắn, bạn chỉ nên in thử tối đa là 1000 cuốn, nếu chất lượng tốt thì những lần sau bạn có thể in nhiều hơn.

Tôi đã tìm tới một trong những nhà in to nhất và hấp tấp ký hợp đồng in 9.000 cuốn sách. Sau đó, cuốn nào cuốn nấy đều tăm tắp, đều có những cái lỗ như kiến đục ở gáy sách, trông rất mất thẩm mỹ. Được cái anh giám đốc bên đó nhiệt tình, đã đầu tư dàn máy mới và in lại lần hai cho tôi nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng. Cuối cùng vì cũng thương họ, nên tôi đã mua lại giá gốc, rồi thuê người sửa thủ công từng cuốn và đem biếu tặng gần hết (chứ sách ấy đem bán tôi không cam tâm). Sau ấy, tôi lại phải mất công đi tìm một nhà in khác. 

Đó là bài học đau đớn tôi vẫn còn nhớ mãi tới tận bây giờ. Do vậy, bạn hãy cân nhắc 3 yếu tố sau để xác định số lượng in hợp lý:

(1) Độ “hót” của sách: Sách có thỏa mãn một nhu cầu, một xu hướng nào đó đang hót không?

(2) Sức bán của bạn: Dựa trên lượng độc giả sẵn có, số bạn bè Facebook, Fanpage của bạn, v.v…

(3) Tiềm lực tài chính: Số tiền cho việc in sách, và số tiền cho việc chạy quảng cáo, Marketing, v.v…

Với tôi thì 3000 là một con số an toàn, mức giá sách tương đối rẻ, và số lượng sách cũng vừa đủ, có thể chứa trong một căn phòng nhỏ 9m2. Trong 365 ngày, chỉ cần mỗi ngày bán chưa tới 10 cuốn.  Còn nếu chưa chắc, bạn cứ thử in 500 hoặc 1000 cuốn trước. Tuy phí cao hơn, nhưng sách sẽ hết nhanh hơn, và bạn cũng sẽ thu thập được nhiều kinh nghiệm hơn sau mỗi lần in. Chưa kể là khi bạn tái bản nhiều lần (dù số lượng in ít) thì các nhà sách nhìn vào cũng sẽ cảm thấy nó tiềm năng hơn. “Wow, sách này đã từng tái bản! Tuyệt vời!”

Kinh nghiệm in sách #2 – Về giá bìa thì thế nào?

Đây cũng là một vấn đề khá nhức đầu. Vì nếu bạn để giá cao thì sẽ khó tiếp cận nhiều độc giả, còn để giá thấp quá thì cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận, và đôi khi tạo cảm giác làm giảm giá trị của sách. Vì thế, bạn cần chú ý tới độ phù hợp với đối tượng độc giả mục tiêu, đồng thời đảm bảo đủ để trang trải các chi phí sản xuất và phân phối sách. 

Trong quá trình định giá, có một số yếu tố bạn cần cân nhắc:

1) Chi phí sản xuất

Đầu tiên, bạn phải tính toán chi phí in ấn, giấy, biên tập, thiết kế bìa, chỉnh sửa, và các chi phí khác liên quan đến việc phát hành sách. Đừng quên cả chi phí vận hành, như thuê nhân sự, kho bãi, và vận chuyển.

2) Lợi nhuận kỳ vọng

Một cuốn sách không chỉ là một sản phẩm tiêu thụ mà còn là công sức và tâm huyết của cả một đội ngũ sản xuất. Bạn nên đặt mức giá sao cho vẫn đảm bảo được lợi nhuận hợp lý, giúp bạn duy trì và phát triển trong tương lai.

3) Khả năng chi trả

Nếu sách của bạn dành cho sinh viên, học sinh, thì mức giá nên hợp lý và vừa túi tiền của họ. Nếu đối tượng độc giả là người trưởng thành, có thu nhập ổn định, thì bạn có thể đặt mức giá cao hơn, nhưng vẫn phải cân nhắc để không quá cao so với cảm nhận giá trị mà họ nhận được.

4) Giá trị cảm nhận

Một số độc giả có thể đánh giá cao những cuốn sách có bìa cứng, giấy tốt, in ấn chất lượng cao. Nếu bạn đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm, bạn có thể đưa ra mức giá cao hơn, vì người mua sẽ cảm thấy số tiền họ bỏ ra tương xứng với giá trị mà họ nhận được.

5) So sánh với thị trường

Tham khảo giá của các cuốn sách tương tự trên thị trường. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan, tránh việc định giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào giá của sách khác, mà còn phải xét đến giá trị độc đáo của cuốn sách mà bạn mang lại.

Kinh nghiệm in sách #3 – Về vấn đề bản quyền thì sao?

Thật ra, khi bạn tự viết ra một cuốn sách 100%, thì nghiễm nhiên bản quyền thuộc về bạn. Tuy nhiên, bạn có được bảo vệ khi tranh chấp xảy ra hay không, thì phải đăng ký bản quyền. Và muốn có giấy chứng nhận bản quyền, bạn phải đăng ký trực tiếp với Cục Sở Hữu Trí Tuệ. 

Do vậy, việc này là không bắt buộc, song bạn nên đăng ký sớm khi có điều kiện và coi đó như một giấy chứng nhận hợp pháp bạn là tác giả, gọi vui là “giấy khai sinh” cho sách. 

Một lưu ý là NXB không cấp bản quyền mà chỉ là giấy phép xuất bản và giấy phép phát hành cho bạn. Ngay sau khi in, hoặc thậm chí ngay khi xong bản thảo, bạn đã có thể tới Cục Sở Hữu Trí Tuệ để được hướng dẫn làm bản quyền. 

Nhanh nhất là bạn liên hệ một văn phòng luật sư, họ sẽ tư vấn và làm mọi thứ cho bạn nhanh chóng. Mức phí bản quyền tùy nơi, với thời gian có thể kéo dài từ vài tháng cho tới… cả năm, vì Cục Sở Hữu Trí Tuệ còn phải tiến hành so sánh, đối chiếu sách của bạn với nhiều sách khác để tránh tranh chấp xảy ra sau này, thế nên nếu đăng ký, thì bạn nên đăng ký từ càng sớm thì càng tốt.



Mong tin tốt lành!

Fususu – Nguyễn Chu Nam Phương
(Đã ký lên màn hình từ một bãi biển xinh đẹp, ngày )

Bạn cảm thấy sao?

5 / 5. Bình chọn: 1

Hãy là người đầu tiên

Share vui sẻ sướng...

Thật ư?

Thế giới cần những người như bạn!

Làm sao để bài viết này hay hơn?

Tái bút. Nếu thấy hay, hãy "tài trợ cảm hứng" cho Fususu tiếp tục sáng tạo bằng một thử thách nho nhỏ: Hãy Google từ khóa kinh nghiệm in sách hoặc kinh nghiệm in sách fususu, tìm bằng được Blog này, bấm vào đó quay lại đây để comment vị trí. Cảm ơn bạn lắm lắm!

Wow, hãy là người đầu tiên comment bạn nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *